Ngày 29/7, ông Cao Quảng Tư - Giám đốc Tuyển sinh, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cho biết, Hội đồng tuyển sinh trường đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bằng phương thức xét kết quả THPT (điểm sàn xét tuyển) từ 17 đến 18 điểm theo từng ngành. “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là mức điểm tối thiểu của thí sinh là học sinh THPT ở khu vực 3, không nhân hệ số đối với mỗi tổ hợp xét tuyển gồm 3 bài thi/môn thi tương ứng theo từng ngành. Việc tính điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT”, ông Tư nói.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học ở TP.HCM
Với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, điểm sàn cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy dao động 16 - 19 điểm tùy ngành, riêng nhóm ngành Khoa học sức khỏe sẽ áp dụng ngưỡng điểm do Bộ GD&ĐT quy định. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM quy định điểm sàn xét tuyển dao động từ 16 - 21 điểm, riêng tại Phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, điểm sàn của trường này là 15 điểm cho các ngành xét tuyển, trừ ngành Thú y là 16 điểm…
Trong khi đó, một số trường chủ trương lấy chung mức điểm sàn cho tất cả các ngành. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, điểm sàn xét tuyển cho tất cả các ngành hệ đại trà là 19. Các ngành chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế 2+2 có điểm sàn 18; riêng tại phân hiệu Quảng Ngãi của trường này có điểm sàn tất cả các ngành là 17 điểm.
Căng thẳng vì nguyện vọng ảo
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ có 4 tuần (từ ngày 22/7 đến 20/8) để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT.
Ông Cao Quảng Tư cho biết, hiện có nhiều phương thức tuyển sinh đại học, trong đó có nhiều thí sinh đã trúng tuyển từ các phương thức sớm như tuyển thẳng, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực… Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sắp tới mới xét.
Ở các phương thức tuyển sinh sớm, thí sinh trúng tuyển đã được các trường nhập lên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. “Tuy nhiên, đây là lúc các trường lo lắng nhất vì một thí sinh có thể trúng tuyển nhiều ngành, nhiều trường bằng nhiều phương thức khác nhau, việc quan trọng là thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành nào, trường nào và phương thức nào để trúng tuyển”, ông Tư nói.
Trước thực tế khó khăn đó, ông Tư cho rằng, việc đưa ra điểm sàn được Hội đồng tuyển sinh nghiên cứu, phân tích kỹ dựa trên phổ điểm, tiêu chí của ngành học cũng như tình hình thực tế để làm sao có đủ chỉ tiêu nhưng vẫn phải đảm chất lượng đầu vào.
Theo đại diện Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh và đổ dồn vào một thời điểm trong năm như hiện nay là khó tránh khỏi tình trạng ảo và gây căng thẳng cho cả thí sinh lẫn các trường. “Do đó, việc đưa ra mức điểm sàn, điểm trúng tuyển như thế nào là một cuộc “đấu trí” căng thẳng giữa các trường”, vị này nói cho rằng, hầu hết các trường khi xét tuyển đều gọi chỉ tiêu cao hơn thực tế để đề phòng tình trạng ảo.