Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 trên Trái Đất sẽ diễn ra như thế nào?

Hồng Anh, Theo VOV 09:04 13/01/2022
Chia sẻ

Khoảng 65 triệu năm sau cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 5, đánh dấu sự biến mất hoàn toàn của loài khủng long trên hành tinh, các nhà khoa học cảnh báo rằng, chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của một cuộc đại tuyệt chủng mới.

Không giống như trước đây, cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 hay còn gọi là đại tuyệt chủng trước kỷ nguyên đang bị đẩy nhanh bởi con người, sự phá hủy môi trường sống, ô nhiễm và các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp.

Trong các cuộc đại tuyệt chủng trước đây, ít nhất 3/4 số loài đã biến mất hoàn toàn trong khoảng 3 triệu năm. Một số nhà khoa học cho rằng, với tốc độ hiện tại, chúng ta có thể mất đi con số này trong vòng vài thế kỷ tới.

Theo dự đoán, trong vài thập kỷ tới, sẽ có ít nhất 1 triệu loài có nguy cơ bị xóa sổ. Nhưng nhiều người cho rằng con số này có thể cao hơn. Các nhà khoa học đã đưa ra một số mô hình về cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6. Tất cả các yếu tố đều liên kết chặt chẽ với nhau, giống như trò chơi rút gỗ Jenga.

Mất an ninh lương thực

Sử dụng mô hình toán học để chỉ ra tác động qua lại giữa con người và hệ sinh thái, giáo sư Corey Bradshaw thuộc Đại học Flinders, Australia cho rằng: “Điều đầu tiên chúng ta thấy sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm bắt đầu cạn kiệt bởi rất nhiều nguồn thức ăn của chúng ta phụ thuộc vào quá trình thụ phấn”.

Khoảng 1/3 nguồn cung cấp thực phẩm trên thế giới dựa vào các loài thụ phấn như ong, vì thế nếu chúng chết đi, sản lượng nông nghiệp có thể giảm mạnh. Một số loài gây hại cho cây có thể phát triển mạnh mẽ khi động vật ăn thịt bị suy giảm. Hàng triệu người sống dựa vào các loài động vật để lấy thức ăn hoặc phát triển sinh kế, đặc biệt là những người làm nghề đánh cá, đánh bắt thủy hải sản sẽ bị tổn thương khi những loài này dần biến mất.

Theo ông Corey Bradshaw, tình trạng thiếu an ninh lương thực, một phần do sự gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các khu vực nghèo trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Phi cận Sahara và nhiều nơi ở Đông Nam Á.

Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 trên Trái Đất sẽ diễn ra như thế nào? - Ảnh 2.

Ong đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi thức ăn (Ảnh: DW)

Đất đai bạc màu, giảm độ phì nhiêu

Độ phì nhiêu, màu mỡ của đất đai sẽ giảm mạnh nếu các vi sinh vật có lợi cho cây trồng bị chết đi. Mặc dù không được thống kê theo các dữ liệu cụ thể nhưng một số nhà nghiên cứu tin rằng vi sinh vật có lợi nhiều khả năng biến mất nhanh hơn các loài khác. Điều này dẫn đến tình trạng xói mòn đất đai. Hệ quả là các trận lũ lụt, lở đất sẽ diễn ra thường xuyên hơn và cây trồng kém phát triển, làm giảm năng suất thu hoạch.

Ông Colman O'Criodain, nhà phân tích về chính sách buôn bán động vật hoang dã quốc tế thuộc tổ chức WWF nhận định, điều này đặc biệt nguy hiểm: “Theo một cách nào đó, chất hữu cơ giống như chất keo kết dính mọi thứ lại với nhau. Nó giống như một chiếc bánh pudding, có nhiều thành phần khô như vụn bánh mì, bột mì và trái cây, nhưng lại có thêm trứng và kem để kết dính chúng lại với nhau”.

Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 trên Trái Đất sẽ diễn ra như thế nào? - Ảnh 3.

Đất không còn chất dinh dưỡng, bị xói mòn và khô cằn (Ảnh: AA)

Thiếu nước ngọt và thiên tai xảy ra thường xuyên

Nước ngọt trên trái đất có tác dụng thanh lọc và nuôi dưỡng sự sống. Chẳng hạn thác ở Himalaya - được hình thành từ các con sông và vùng đầm lầy, là nơi cung cấp nước cho khoảng 2 tỷ người. Nếu những hệ thống cung cấp nước như vậy sụp đổ, sẽ dẫn đến sự sinh sôi phát triển của các loài tảo độc, làm suy thoái thảm thực vật. Nhân loại có thể mất một lượng lớn nước ngọt để uống và sử dụng trong nông nghiệp.

Khi các cánh rừng biến mất, mô hình mưa nhiều khả năng sẽ thay đổi do quá trình bay hơi và thoát hơi nước của thực vật và đất đai xói mòn nhanh hơn. Nhiều nơi sẽ trở nên khô cằn. Đây là điều chúng ta từng chứng kiến tại một số khu vực ở Amazon. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 10 triệu héc ta rừng đã bị chặt phá hàng năm kể từ năm 2015.

Khi cây cối và thảm thực vật - vốn có vai trò thanh lọc khí CO2 trong bầu khí quyển - bị suy giảm, biến đổi khí hậu sẽ trở nên tồi tệ hơn, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn. Điều kiện sống khô cằn tại các cánh rừng sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Trong khi đó, mất mùa và những mối đe dọa sinh thái khác có thể dẫn đến các cuộc di cư ồ ạt do người dân muốn thoát khỏi nạn đói. Xung đột và sự cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 trên Trái Đất sẽ diễn ra như thế nào? - Ảnh 4.

Rừng nhiệt đới Amazon nhìn từ trên cao (Ảnh: ZUMA Press)

Mất khả năng phục hồi

Chuyên gia Carl Folke - nhà nghiên cứu môi trường, đồng thời là người sáng lập Trung tâm Phục hồi Stockholm nhận định: “Con người đang làm thay đổi toàn bộ hành tinh, đặc biệt là các hệ sinh thái khiến chúng trở nên dễ tổn thương hơn”.

Ông nói thêm: “Khả năng phục hồi rất quan trọng. Nếu bạn đang sống trong điều kiện ổn định và mọi thứ có thể dự đoán được, bạn có thể không quan tâm đến điều này. Nhưng nếu bạn đang sống trong thời kỳ hỗn loạn với những tình huống khó lường hơn, thì điều mà bạn cần quan tâm chính là khả năng phục hồi”.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, thiên nhiên đang bị tổn hại nhiều hơn khả năng tự phục hồi. Nếu không hành động khẩn trương, chúng ta sẽ không thể tránh được những hậu quả nghiêm trọng đối với con người và hành tinh này.

Đại dịch xuất hiện ngày một nhiều

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, việc mất đa dạng sinh học có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng các đại dịch khi động vật hoang dã và con người tiếp xúc gần nhau hơn do sự đứt gãy các hệ thống và phá vỡ môi trường sống tự nhiên.

Chẳng hạn, đợt bùng phát dịch Ebola tại Tây Phi năm 2014 được cho là xuất phát từ việc trẻ em chơi cạnh những cây cối có nhiều dơi sinh sống. Mặc dù nguồn gốc của dịch Covid-19 vẫn chưa rõ ràng nhưng một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nó bắt nguồn từ loài dơi hoang dã.

Sự mất mát của các di sản trên thế giới

Đối với nhiều nhà bảo tồn và nhà khoa học, việc để cho các loại động vật tuyệt chủng một cách nhanh chóng không khác nào hành vi hủy diệt. Ngay cả khi chúng ta sống sót và tránh được những hậu quả thảm khốc, thế giới sẽ bị suy yếu rất nhiều và khó có khả năng phục hồi do các cuộc đại tuyệt chủng.

Những mất mát bi thảm nhất có thể là sự mất mát mà chúng ta không nhìn thấy được. Thomas Brooks, nhà khoa học chính trị tại Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho rằng, hậu quả của sự tuyệt chủng giống như việc chúng ta đốt cháy một phòng trưng bày nghệ thuật: “Bất kỳ loài động vật nào cũng đều là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa. Hãy nhìn vào sự mất mát những di sản từng khiến con người trở thành một phần của hành tinh và nhìn vào những gì tạo nên tất cả chúng ta”.

Quá trình tuyệt chủng có thể được đảo ngược?

Bất chấp những cảnh báo về cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6, vẫn có một số yếu tố giúp nhân loại có thể lạc quan. “Có những điều tưởng chừng không thể vượt qua khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết trên Trái Đất. Nhưng cũng có rất nhiều câu chuyện thành công có thể truyền cảm hứng về cách thức chúng ta cùng nhau lật ngược tình thế, hoặc thay đổi xu hướng”, ông Thomas Brooks lưu ý.

Nghiên cứu của IUCN cho thấy rằng, nếu thực hiện các nỗ lực bảo tồn một cách có hiệu quả, chúng ta có thể làm chậm lại cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nếu không có các biện pháp can thiệp bảo tồn, thiệt hại sẽ tồi tệ hơn gấp 3 đến 4 lần kể từ năm 1993. Một câu chuyện thành công của việc bảo tồn đó là nhân giống thành công loài hải ly tại châu Âu. Đây là dự án phục hồi quần thể hải ly thuộc chương trình Riverlands của National Trust nhằm tăng tính đa dạng sinh học và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Elizabeth L. Bennett, phó chủ tịch của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang cho rằng việc tạo ra các khu bảo tồn rộng lớn có thể mang đến sự khác biệt đáng kể cho đa dạng sinh học. “Nếu những khu bảo tồn này được quy hoạch và quản lý tốt, thì chắc chắn nó sẽ giúp ích rất nhiều”, bà cho biết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày