Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội hiện đang là sự kiện nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận trên thế giới, và kéo theo đó là hàng nghìn đài, hãng thông tấn, báo chí đổ dồn đến Việt Nam tác nghiệp.
Số lượng phóng viên các nước ở thời điểm hiện tại đang là rất đông đúc, cho thấy sức nóng của sự kiện là như thế nào. Nhưng không chỉ vậy, xen giữa họ còn là một cuộc chiến truyền thông cực kỳ cam go, khi các tin bài không những cần nhanh mà còn phải đúng thời điểm do sự chênh lệch về múi giờ.
Ảnh: Fox News
Cuộc chiến truyền thông cam go tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Còn nhớ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 diễn ra tại Singapore tháng 6/2018 cũng có sự cạnh tranh hết sức kinh khủng về truyền thông. Như tại Hàn Quốc, các đài KBS, MBC, SBS đã có một cuộc đấu đá "ngầm" để đưa tin nhanh chóng và chuẩn xác nhất.
Khi ấy, KBS đưa một đội ngũ gồm 40 người, trong đó có 14 phóng viên. Họ thuê nguyên tầng thượng của một tòa nhà cao tầng tại Singapore để dựng studio ngoài trời, chỉ cách nơi 2 vị nguyên thủ quốc gia gặp mặt có 4km. MBC mang đội ngũ còn đông hơn - 50 người - để thực hiện các buổi truyền hình trực tiếp xuyên đêm trong những ngày hội nghị. Còn đội của SBS gồm 40 người, thực hiện bản tin truyền hình trực tiếp kéo dài 20h trong ngày diễn ra sự kiện lịch sử ấy.
Tại Hàn Quốc trong thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, sự cạnh tranh của truyền thông là rất lớn
Ngày hôm nay, trong Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội, chúng ta cũng được chứng kiến cuộc chạy đua về thời gian giữa các đài báo và thông tấn xã nước ngoài. Không khó để thấy được cảnh tượng các phóng viên nước ngoài phải tác nghiệp lúc nửa đêm giữa thủ đô Hà Nội. Với họ, đó mới là thời điểm bận rộn nhất, vì khi đó các nước tại châu Âu và Mỹ mới là trưa và đầu giờ chiều.
Dẫn lời ông Charles Pellegrin - phóng viên France 24h trả lời báo điện tử Zing.vn như sau: Vì bản chất kênh của ông là thời sự 24h, nên Pellegrin cần đảm bảo thu thập đủ thông tin trong cả ngày hội nghị, sau đó sản xuất tin để phát sóng vào khung giờ 18h tại Pháp.
Đáng chú ý, không ít phóng viên thậm chí đã phải tự mình sản xuất và biên tập tin chỉ bằng một chiếc điện thoại di động.
Ảnh minh họa
Do tính chất công việc đòi hỏi sự gấp gáp, cộng thêm việc nhân sự được điều động sang không nhiều, họ buộc phải làm tin theo kiểu "cây nhà trồng được". Nhưng đó chỉ là bề nổi, vì thực ra câu chuyện sản xuất bằng smartphone có rất nhiều lợi điểm.
Sản xuất tin bằng smartphone - xu hướng sẽ cực kỳ phổ biến trong tương lai
Xu hướng làm tin bằng điện thoại di động không phải mới xuất hiện. Với việc smartphone và công nghệ nói chung đang ngày càng phát triển, việc sản xuất và biên tập truyền thông đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn.
Như Leonor Suarez - phóng viên của một kênh truyền hình tại Tây Ban Nha đã từng đạt giải phóng sự vào năm 2016, với một bài phóng sự dài 50 phút được thực hiện hoàn toàn bằng điện thoại di động.
Suarez và bộ phim tài liệu thực hiện bằng smartphone
"Tôi chọn làm phóng sự bằng điện thoại, vì với nó tôi có thể tự mình quay, dựng và chỉnh sửa mọi thứ - hoàn toàn tự do về địa điểm và cách thức làm việc." - nữ phóng viên cho biết. Cô thực hiện tất cả chỉ bằng, một chiếc iPhone 6s +, một chiếc micro không dây, tripod và ứng dụng quay phim. Mọi thứ diễn ra trong 6 ngày.
"Khi bắt đầu quay, chỉ có tôi và chiếc điện thoại mà tôi phải quay đến 20 người. Khá là vất vả."
Cũng theo Suarez, làm truyền thông bằng điện thoại sẽ trở thành xu hướng cho tương lai. "Chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng với ngân sách eo hẹp. Việc này dành cho tất cả, bao gồm các phóng viên, nhà báo, thậm chí cả các nhà làm phim."