21h ngày 26/2, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đặt chân xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), để chuẩn bị cho cuộc họp Thượng đỉnh với chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Đó là một chuyến bay thực hiện bằng chuyên cơ riêng Air Force One, bay thẳng không cần quá cảnh tại bất kỳ đâu trên thế giới và được tiếp nhiên liệu ngay trên không. Chi phí nhiên liệu, hộ tống và đảm bảo an ninh cho chuyến bay thẳng đến Việt Nam của chuyên cơ Air Force One lên tới cả triệu USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ cánh xuống sân bay Nội Bài tối ngày 26/2
Nhưng đây là tiêu chuẩn chỉ dành riêng cho tổng thống Mỹ. Còn các nhân viên thông thường, đi công tác đối với họ là một câu chuyện khác hẳn.
Khi bạn phải đi công tác mà không phải là tổng thống
Hãy cùng đến với câu chuyện của Kar Chu - một nhân viên kỳ cựu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Ông làm việc trong một trụ sở quân đội tại Yokosuka (Nhật Bản), nhưng năm 2016 được chuyển công tác đến Đức. Có điều, vấn đề khiến Chu lo lắng nhất chính là việc di chuyển.
Tin tốt là chính phủ Mỹ có những điều khoản dành cho công chức chính phủ khi phải đi công tác. Các khoản chi phí cũng không hoàn toàn được lấy từ công quỹ và thuế, mà có những quy định cho phép nhân viên chính phủ mua vé ở mức rẻ hơn.
Còn tin xấu, đó là các quy định ấy không thực sự rõ ràng - ít nhất là với trường hợp của Chu khi đến Đức.
Đầu tiên, Chu đã không được bay thẳng từ sân bay Narita (Nhật Bản) đến Frankfurt (Đức) - đúng hơn là chính phủ không đồng ý chi tiền. Thay vào đó, họ đưa ra một số lựa chọn với giá vé rơi vào khoảng $1.200 - $1.400, trong đó Chu sẽ quá cảnh tại 2 thành phố của Mỹ rồi mới bay đến Đức.
Đại khái thì với các lựa chọn này, ông sẽ phải mất 2 ngày mới có thể yên vị tại điểm tập kết.
Các lựa chọn khác của Chu là một vài hãng hàng không sang hơn, với mức giá khoảng $2000 - $2400, chỉ mất 1 lần quá cảnh. Với chuyến bay thẳng, mức giá sẽ là $4.300.
Không phải ai cũng được bay thẳng như ngài tổng thống
Đến đây nhiều người sẽ tự hỏi tiền bao nhiêu thì có quan trọng gì, khi chính phủ sẽ chi trả hết? Ồ không, chưa đến mức này đâu!
Thông thường ở các công ty tư nhân, công nhân viên khi đi công tác sẽ phải tự bỏ tiền túi ra chi trả, lấy hóa đơn, sau đó về điền ti tỉ giấy tờ để được hoàn tiền. Với nhân viên chính phủ Mỹ, họ có một thẻ tín dụng du lịch do chính phủ cấp, nên có thể bỏ qua được một vài công đoạn lằng nhằng.
Nhưng vấn đề là ở chỗ chính phủ thường không đồng ý chi trả cho bất kỳ khoản tiền nào vượt quá lựa chọn rẻ nhất mà họ đã đưa ra.
"Họ ưu tiên giá tiền hơn thời gian," - Chu chia sẻ. "Lần đó, tôi đã hỏi tìm chuyến bay tốn ít thời gian nhất vì phải mang theo chó và mèo - chúng không bay quá lâu được. Nhưng nếu tôi chọn bất kỳ lựa chọn nào cao hơn mức giá thấp nhất họ đưa ra, tôi có thể phải trả phần chênh lệch, thậm chí là toàn bộ tiền cho cái vé."
Quy định phải tuân thủ
Chính phủ Mỹ có hẳn một bộ quy định dành riêng cho công nhân viên khi đi công tác do Cơ quan Dịch vụ Công Hoa Kỳ (GSA) đưa ra. Trong đó có nêu rõ những trường hợp được phép sử dụng công quỹ, đó là khi nhân viên đi thực hiện các công việc cho chính phủ.
Với Chu, nếu muốn nhận được hỗ trợ từ chính phủ, ông sẽ phải chấp nhận bay ở mức rẻ nhất, nhưng điều đó là không khả thi. Hơn nữa kể cả khi không có chó mèo, chuyến đi ấy cũng kéo dài đến 2 ngày, và ông phải di chuyển qua 3 châu lục. Bởi vậy, ông đã phải hy vọng chính phủ sẽ chấp nhận đề xuất được bay ở mức giá cao hơn, và cũng... nhân văn hơn.
Nói một cách công bằng, nhân viên chính phủ Mỹ sẽ được tiếp cận một số dịch vụ khá đặc biệt so với công chúng thông thường. Như chương trình CPP của GSA cho phép họ đặt vé với mức giá rẻ hơn bình thường rất nhiều, qua hàng trăm thành phố lớn trên thế giới.
Tuy nhiên hệ thống ấy chưa hoàn hảo, vì có khá nhiều nhân viên làm việc tại nước ngoài không được hưởng nó. Trong đó có Chu, với chuyến công tác từ Nhật sang Đức.
Và những rắc rối khi bạn không phải là tổng thống
Quy định chung dành cho các nhân viên chính phủ: Về cơ bản thì tất cả các nhân viên khi đi công tác đều không được đi vé hạng nhất và hạng thương gia, ngoại trừ các trường hợp đang mắc bệnh, hoặc có khuyết tật sức khỏe.
"Tôi chưa từng được bay, cũng như chưa từng nghe có ai được bay ở hạng thương gia khi đi công tác cả, trừ ngài Trump và các thành viên đi cùng." - Chu chia sẻ.
Hay nói cách khác, có hội cho Chu được đi một chuyến bay khác đắt tiền nhưng thoải mái và nhanh hơn thực sự rất khó.
Cảnh này chỉ có trong phim thôi, hoặc với những quan chức cấp cao trong chính phủ
Một rắc rối khác dành cho các nhân viên chính phủ Mỹ khi đi công tác, đó là tấm thẻ tín dụng du lịch được cấp. Mọi thứ được chi trả qua đó, nhưng vấn đề nằm ở chỗ nó không hoàn toàn là một tấm thẻ tín dụng. Bởi lẽ, bạn không được phép có dư nợ, mà phải hoàn trả toàn bộ mỗi khi đến hạn sao kê.
Đến đây lại xuất hiện thêm một rắc rối khác, đó là các chi phí phát sinh. Theo quy định của GSA, chính phủ sẽ có công tác phí cho nhân viên - bao gồm tiền khách sạn, ăn ở và một vài chi phí khác - với mức trần dao động theo địa điểm và thời gian.
Tuy nhiên khi quay trở lại, thủ quỹ sẽ đánh giá các khoản chi phí này rất kỹ, và họ chỉ trả cho những khoản thực sự hợp lý, dù nó vẫn trong mức trần quy định.