Không quan trọng đó là giữa một chàng nhện treo ngược
và cô bạn gái thuở nhỏ, hay hai anh chàng cao bồi trên miền núi, hoặc cặp vũ
công ballet trên giường, nụ hôn là một
trong những khoảnh khắc kì diệu quan trọng nhất trong một bộ phim.
Lịch sử 120 năm của những nụ hôn trên màn ảnh
Nụ hôn trên màn ảnh ngày nay cũng đã trải qua một lịch
sử phát triển lâu dài, từ thời bình minh của điện ảnh trong những thước phim của
nhà phát minh Thomas Edison năm 1896. 25 giây ngắn ngủi của nụ hôn đầu tiên được
ghi lại trên màn ảnh không được nồng nàn và ướt át như những nụ hôn hiện đại.
Nữ
chính xoay mặt nghiêng 45 độ về phía máy quay, còn người đàn ông quay hẳn nửa mặt
lại, khóe miệng chạm nhau của họ bị chia cắt bởi những lời thoại liên tục. Cuối
cùng, nam chính chỉnh lại bộ râu hoàn hảo của mình và đặt lên môi người phụ nữ
một vài cái hôn gọn ghẽ. Dư luận đương đại xôn xao cả lên với cảnh phim táo bạo
này, khiến tên tuổi của nhà phát minh và công ty của ông trở nên nổi đình nổi
đám.
Hai thập kỉ sau, trong Behind the Screen năm 1916, nụ
hôn của Charlie Chaplin và Edna Purviance trong bộ đồ nam giới cho đến tận giờ
vẫn làm xao xuyến nhiều người. Nụ hôn đầu tiên trên phim hài lạ lùng thay, lại
bị nhân vật của Eric Campbell hiểu lầm rằng đó là một nụ hôn đồng tính.
Chẵn 10 năm sau, trong Flesh and the Devil, sắc đẹp
Greta Garbo và người tình ngoài đời kiêm bạn diễn John Gilbert đã trao nhau nụ
hôn kiểu Pháp đầu tiên trên màn ảnh. Đây cũng là bộ phim Mỹ đầu tiên có cảnh
hôn nằm (horizontal position) được thực hiện hoàn hảo bởi hai diễn viên "phim
giả tình thật".
Chỉ một năm sau đó, điện ảnh chứng kiến sự ra đời của
Oscar với giải Phim xuất sắc nhất được trao cho Wings. Nụ hôn trong phim giữa cận
kề cái chết của Rogers và Arlen thực sự thuần khiết nhưng đầy ý nghĩa vì đây là
cảnh chạm môi đầu tiên giữa hai nhân vật nam trên màn ảnh.
Năm 1929, Pandora's Box đã đưa Louise Brooks trở
thành nữ diễn viên hàng đầu nước Đức. Tác phẩm là câu chuyện cảnh tỉnh rằng một
nụ hôn có thể đẩy một người đàn bà cao quý vào tội lỗi, và cuối cùng bị coi như
đĩ điếm. Cũng từ đây, nụ hôn đánh mất ý nghĩa trinh nguyên của nó trên màn ảnh
để thâu tóm những biểu đạt phức tạp hơn.
Morocco năm 1930,
đánh dấu sự ra mắt công chúng của ngôi sao Marlene Dietrich. Ngay lập tức,
người phụ nữ này thách thức những thói thường của Hollywood khi vui vẻ trao cho
bạn diễn nữ nụ hôn môi đầu tiên trên màn ảnh.
Walt Disney đem đến cho thế giới thứ gọi là hoạt
hình, nhưng ít ai nhận ra nụ hôn giữa hoàng tử và Bạch Tuyết cũng là khúc dạo đầu
mở đường cho các cảnh lãng mạn giả tưởng trong thế giới hoạt họa.
Nhưng không phải tất cả mọi phụ nữ đều đợi để được
hôn, nhất là khi đó là Lauren Bacall. Năm 1944 trong To Have and Have Not,
"Slim" đã uyển chuyển đặt môi của mình lên khuôn mặt anh chàng Steve, đánh thẳng
vào quan điểm bất bình đẳng giới khi đó rằng chỉ có đàn ông mới nên là người chủ
động trong những hành vi lãng mạn như thế.
Thập kỉ 60 màn ảnh rộng khuấy động với những tác phẩm
đấu tranh cho quyền con người. Nụ hôn giữa hai con người thuộc hai chủng tộc
trong Guess Who's Coming to Dinner? không phải là nụ hôn khác màu da đầu tiên
trên màn bạc, nhưng là một trong những khoảnh khắc tinh tế nhất trong suốt sự
nghiệp đạo diễn của Stanley Krammer.
Nụ hôn giữa hai người đàn ông đã xuất hiện trong những
năm rất sớm của điện ảnh, nhưng phải chờ đến nửa đầu thập kỉ 70 với Sunday Bloody
Sunday; người ta mới thấy hết vẻ đẹp của tình yêu đồng tính qua cái trao môi thắm
thiết và thoải mái giữa hai nhân vật nam.
Cùng với sự phát triển của điện ảnh, ý nghĩa của cái
hôn cũng thay đổi dần theo thời gian. Không còn chỉ là biểu tượng của tình yêu
thuần khiết, đôi khi trao nhau nụ hôn còn hơn một sự hoài nghi về những lời hứa
hẹn. Trong Some Kind of Wonderfull năm 1987, người ta thấy một nụ hôn như thế.
Vai trò của cái hôn trên màn ảnh cũng được coi là một
trong những nhân tố gây tranh cãi với 9½ Weeks. Bộ phim khiến chia rẽ sâu sắc
trong giới phê bình, kẻ yêu người ghét mối tình giữa một trợ lý phòng triển lãm
nghệ thuật và một thương nhân phố Wall. Cảnh làm tình nóng bỏng trong phim phản
ánh thứ chủ nghĩa tân tự do nhuốm màu sắc dục với những màn khóa môi cuồng nhiệt
và ngọt ngào.
Velvet Goldmine, 1989. Ewan McGregor đã có một màn
khóa môi đáng nhớ cùng với Jonathan Rhys Meyers trong bối cảnh đồng tính luyến
ái vẫn là một đề tài bị né tránh trong điện ảnh. Tương tự như thế là Jake
Gyllenhall và Heath Ledger trong Brokeback Mountain năm 2003.
Năm 2008 Michael Fassbender vào vai một doanh nhân
New York thành đạt, đẹp trai với chứng nghiện tình dục khổ sở. Trong Shame, cảnh
làm tình của nhân vật này đã thu lại một trong những nụ hôn đớn đau và hổ thẹn
nhất, dù rằng đó không phải là những dày vò xác thịt. Shame cùng với Michael
Fassbender, đã đưa định nghĩa về nụ hôn lên một trong những khái niệm phức tạp
nhất của cảm xúc trên màn ảnh hiện đại.
Trải qua hàng thập kỉ, ý nghĩa của hôn trên màn ảnh
đã đi rất xa so với mục đích ban đầu là công cụ để biểu đạt tình yêu. Từ những
khoảnh khắc hẹn yêu của cặp trai gái cho tới bằng chứng của hành động tán tỉnh,
từ một công cụ để điều khiển người khác cho tới một mối tình nay đã hờ hững, từ
vũ khí chống lại nạn phân biệt giới tính và chủng tộc cho tới tiếng thét gào của
cái tôi cá nhân lạc lõng trong xã hội phương Tây; lịch sử nụ hôn trên màn ảnh
là một hành trình dài song song với sự phát triển của nền công nghiệp phim thế
giới.