Điều hòa là thiết bị làm mát có thể nói là thiết yếu đối với mọi gia đình, đặc biệt là tại các vùng có khí hậu nắng nóng. Điều hòa hoạt động chủ yếu dựa trên 2 bộ phận chính là cục nóng và dàn lạnh. Trong đó, nếu dàn lạnh chịu trách nhiệm chính ở công đoạn kết hợp với quạt gió, thổi khí lạnh ra ngoài, từ đó là mát không gian, thì cục nóng được dùng để chuyển hơi nóng từ bên trong phòng ra môi trường bên ngoài. Nói cách khác, cục nóng có tác dụng tản nhiệt.
Cục nóng của điều hòa có tác dụng tản nhiệt (Ảnh minh họa)
Trong quá trình sử dụng điều hòa, sẽ không ít lần người dùng gặp phải các sự cố bất thường xảy đến. Sự cố có thể xảy ra ở cả dàn lạnh và cả cục nóng. Có những sự cố được xem là rất hi hữu và ít khi xảy ra. Vì vậy khi gặp phải, nhiều người dùng sẽ tỏ ra bất ngờ và bối rối, không biết tình trạng xuất hiện từ đâu và nên giải quyết như thế nào. Dưới đây là một ví dụ như thế.
Video về câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội và thu hút gần 2 triệu lượt xem cùng hàng trăm bình luận từ người dùng trên khắp thế giới. Trong video là hình ảnh bộ phận cục nóng chiếc điều hòa của một gia đình bị đóng lớp băng tuyết dày đặc. Chính chủ còn phải nhận xét tình huống nay bằng cụm từ "Incredible!", có nghĩa là: "Thật đáng kinh ngạc!"
Bên dưới phần bình luận của video, nhiều người cũng tỏ ra ngạc nhiên giống như gia chủ bởi họ cũng chưa từng gặp hiện tượng như thế này. Số còn lại phỏng đoán nguyên nhân và đưa ra lời khuyên về cách xử lý.
Tình trạng cục nóng điều hòa đóng băng khiến gia chủ vô cùng bất ngờ (Ảnh Youtube)
Vì sao cục nóng điều hòa lại bị đóng băng tuyết? Nên giải quyết thế nào?
Các chuyên gia nhận định, tình trạng bộ phận cục nóng điều hòa ở nước các nước phương Tây bị đóng băng tuyết thường xuất hiện nhiều vào mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, thậm chí có lúc xuống tới âm độ, còn điều hòa lại chạy ở chế độ làm nóng không gian.
Lúc này, khi máy lạnh đưa hơi nóng ra ngoài và hút hơi lạnh từ môi trường vào bên trong, cộng với độ ẩm cao, sẽ gây ra tình trạng đóng băng tuyết. Lớp băng tuyết nhanh chóng được hình thành bám vào các dây dẫn, bộ phận quạt gió hay xung quanh thành của cục nóng điều hòa. Nếu không được xử lý kịp thời, cục nóng nói riêng hay toàn bộ quá trình hoạt động của chiếc điều hòa sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh yếu tố khách quan do thời tiết, các chuyên gia cũng chỉ ra 4 nguyên nhân khác nữa, dẫn tới việc cục nóng điều hòa bị đóng băng tuyết. Đó là điều hòa đang thiếu khí gas, có quá nhiều bụi bẩn bám vào bộ phận cục nóng, quạt ở dàn lạnh không chạy dẫn tới quá trình tản nhiệt của thiết bị bị gián đoạn và ống đồng đầu hút bị gập. Ở mỗi nguyên nhân lại có các phương án xử lý khác nhau, vì vậy người dùng trước khi tiến hành xử lý cần kiểm tra và xác định đúng nguyên nhân của tình trạng.
Ảnh minh họa
Đầu tiên với nguyên nhân thiếu hụt khí gas. Gas là chất dung môi quan trọng quyết định việc làm lạnh của điều hòa. Sau thời gian dài sử dụng, lượng khí gas sẽ bị hao hụt, khiến thiết bị hoạt động không đạt công suất tốt nhất. Khí gas sẽ không được đẩy trọn vẹn qua dàn lạnh ra môi trường mà sẽ bị đọng lại ở đầu đầy của cục nóng, từ đó sẽ xuất hiện tình trạng đóng băng tuyết.
Nếu nguyên nhân là nằm ở khí gas thì người dùng chỉ cần gọi thợ kỹ thuật đến và nạp thêm khí gas vào thiết bị là xong. Khi thiết bị có đủ khí gas, băng tuyết trên cục nóng sẽ tự động tan do quá trình trao đổi và tản nhiệt trên thiết bị đã diễn ra bình thường.
Thứ 2 với nguyên nhân ống đồng bị gập. Đây là bộ phận có nhiệm vụ lưu thông khí gas giữa cục nóng và dàn lạnh. Khi ống đồng bị gập, đồng nghĩa với việc quá trình lưu thông khí gas sẽ bị ảnh hưởng. Khi phát hiện ra tình trạng này, cách giải quyết được các chuyên gia khuyên là nên cắt bỏ chỗ bị gập và hàn lại đoạn ống đồng mới. Nếu không thể hàn lại, cần thay thế cả đường ống đồng mới.
Còn với nguyên nhân cục nóng điều hòa bị bám bụi bẩn hoặc không hoạt động. Người dùng nên khắc phục bằng việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh thiết bị định kỳ. Thời gian lý tưởng được các chuyên gia khuyên nên thực hiện công việc này là khoảng 3-4 tháng/lần. Nó không chỉ giúp hạn chế sự cố khi sử dụng thiết bị mà còn giúp đảm bảo tuổi thọ, thiết bị hoạt động được tối ưu và không gây lãng phí điện năng.
Cục nóng đóng tuyết có thể do ống đồng bị gập hoặc thiếu hụt khí gas (Ảnh minh họa)
Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dùng nên gọi các thợ sửa chữa chuyên nghiệp tới nhà để kiểm tra và xử lý triệt để nhất thay vì tự mình xử lý tại nhà. Do người dùng đôi khi không đủ chuyên môn và không nắm được các kỹ năng để đảm bảo an toàn nên quá trình thực hiện tiềm ẩn rủi ro xảy ra sự cố nguy hiểm.
Lớp băng tuyết sau đó nên xử lý như thế nào?
Sau khi đã xác định được nguyên nhân và phương án giải quyết, nhiều người dùng cũng thắc mắc rằng, nên làm thế nào với lớp băng tuyết đã đóng trước đó, làm thế nào để chúng nhanh chóng tan đi?
Ảnh minh họa
Như đã nói ở trên, khi nguyên nhân đã được khắc phục, người dùng có thể để cục nóng trong điều kiện tự nhiên và chúng sẽ tự động tan dần theo thời gian. Tuyệt đối không nên dùng máy sấy, nước nóng hay bất cứ vật sắc nhọn với lực mạnh nào, tác động lên lớp băng tuyết để chúng tan nhanh hơn. Chuyên trang Conditioned Air Solutions nói rằng, những hành động tác động để băng tuyết tan nhanh chóng thậm chí còn có thể khiến cục nóng điều hòa bị hỏng.