Hình ảnh máu tụ 2 bên sọ bệnh nhi (Ảnh: BVCC)
Theo gia đình bệnh nhi, 2 anh em đang chơi trong phòng thì nghe tiếng khóc, người lớn chạy vào thấy bé đã nằm trên sàn nhà cạnh giường tầng, đầu sưng nhiều.
Gia đình cho bé đi khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành (Đồng Nai), phát hiện xuất huyết não và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhi bắt đầu giảm tri giác, da đầu sưng rất nhiều kèm đau đầu. Các xét nghiệm được chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp phải phẫu thuật.
Bệnh nhi được chụp cắt lớp kiểm tra lại, phát hiện xương sọ bị vỡ, kèm chảy máu trong hộp sọ nhiều, chèn ép não.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Pi Doanh, phẫu thuật viên chính ca mổ, đây là trường hợp chấn thương sọ não nặng, phức tạp. Vùng chấn thương nằm cả 2 bên, toác khớp sọ dọc giữa, lượng máu chảy nhiều và vị trí chảy máu nằm ngay xoang dọc trên, có nguy cơ chảy máu ồ ạt. Bệnh nhi có thể tử vong nếu không kiểm soát được.
Ca mổ được tiến hành ngay trong đêm, lấy ra hơn 200ml máu giải phóng chèn ép não và cầm máu để ngăn ngừa chảy máu tái phát. Sau 2 giờ, ca mổ diễn ra thành công.
2 ngày sau mổ, bệnh nhi đã tỉnh táo, phim chụp kiểm tra lượng máu chảy đã được lấy hết và não đã được giải phóng khỏi chèn ép.
Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận rất nhiều dạng bệnh lý, trong đó có chấn thương sọ não. Hầu hết các trường hợp chấn thương đều nhẹ, không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên chủ quan vì có thể bỏ qua các dấu hiệu nặng, ảnh hưởng tới tính mạng trẻ.
Khi trẻ bị va chạm vào đầu, nếu có các dấu hiệu: ói nhiều lần, đau đầu, tri giác ngủ gà (hoặc ít chơi như mọi ngày), da đầu sưng nhiều, nhìn hoặc sờ thấy da đầu lõm vào, cơ chế chấn thương nặng (bé bị văng ra xa, té cao…), chảy dịch từ mũi, tai, yếu liệt tay chân, co giật… phải đưa bé tới ngay cơ sở y tế gần nhất.
Bên cạnh đó, cần chú ý rà soát lại môi trường xung quanh trẻ để hạn chế nguy cơ té ngã từ giường, tủ, bàn ghế, cấu thang, lan can, bếp… kết hợp giáo dục trẻ từ sớm để trẻ nhận biết sự nguy hiểm xung quanh.