Cửa hiệu chế tạo đồng hồ cao cấp cuối cùng ở Mỹ: mỗi năm làm chưa đến 60 cái nhưng mỗi cái bán tới 2 tỉ đồng

Oct, Theo Helino 17:23 19/01/2018
Chia sẻ

Mỗi năm chỉ làm dưới 60 chiếc đồng hồ, nhưng thành quả đem lại cũng xứng đáng. Từng chi tiết tinh xảo cho phép đồng hồ của RGM được bán với mức giá lên tới $100.000.

Một góc tòa nhà của hạt Lancaster (Pennsylvania) là một ngân hàng. Đúng hơn, thứ nằm ở đó đã từng là ngân hàng. Giờ đây, đó là trụ sở của Công ty sản đồng hồ Roland G. Murphy (RGM) - nơi duy nhất có thể làm ra những chiếc đồng hồ cao cấp và độc quyền "từ A đến Z" trên đất nước đa sắc tộc này.

Cửa hiệu chế tạo đồng hồ cao cấp cuối cùng ở Mỹ: mỗi năm làm chưa đến 60 cái nhưng mỗi cái bán tới 2 tỉ đồng - Ảnh 1.

Hầu hết công ty đồng hồ của Mỹ hiện đã sử dụng máy của Thụy Sĩ và vỏ từ Trung Quốc

Đồng hồ hạng sang không phải là thứ có thể sản xuất đại trà, đặc biệt là ở một quốc gia như Hoa Kỳ. Nếu muốn tìm những chiếc đồng hồ sang trọng của các nghệ nhân cao cấp nhất, hãy đến Thụy Sĩ, còn Pennsylvania chỉ dành cho loại rẻ tiền thôi.

Cửa hiệu chế tạo đồng hồ cao cấp cuối cùng ở Mỹ: mỗi năm làm chưa đến 60 cái nhưng mỗi cái bán tới 2 tỉ đồng - Ảnh 2.

Roland G. Murphy

Khởi đầu, Murphy chỉ là một anh sửa đồng hồ cũ - giống như mọi nghệ nhân chế tạo đồng hồ khác. Ông trở nên say mê, bị cuốn hút bởi thứ vũ trụ thu nhỏ bên trong dàn máy móc đầy tinh tế của những chiếc đồng hồ cổ. 

Thế rồi, Murphy quyết định sang Thụy Sĩ thực tập ngành chế tạo đồng hồ, và nhận được chứng chỉ từ chương trình đào tạo tại Neuchâtel.

Trở về nước, ông làm cho Hamilton - thương hiệu đồng hồ rất nổi tiếng của Mỹ, rồi thăng tiến thành một trong những nhân vật đứng đầu công ty này.

Nhưng cần biết rằng, ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ của Mỹ có một vấn đề về "tính đặc trưng". Các công ty - bao gồm cả Hamilton, đều hoặc thuộc sở hữu của một công ty đồng hồ tại Thụy Sĩ, hoặc nhập khẩu máy từ các công ty con tại Thụy Sĩ. 

Cửa hiệu chế tạo đồng hồ cao cấp cuối cùng ở Mỹ: mỗi năm làm chưa đến 60 cái nhưng mỗi cái bán tới 2 tỉ đồng - Ảnh 3.

Từng chi tiết lắp ráp tinh xảo được thực hiện tại RGM

Trên thực tế, rất nhiều công ty đang sử dụng máy từ Thụy Sĩ và vỏ của Trung Quốc sản xuất. 

Chẳng có công ty nào muốn thử tạo ra những thứ gì đó phức tạp như bộ chuyển động Tourbillon có thể bù trọng lực, hay tích hợp lịch trăng lên đồng hồ chẳng hạn. 

Và đó chính là sự khác biệt của RGM do Murphy lập ra, với tham vọng mang đến những chiếc đồng hồ phức tạp và hoàn toàn thuộc về Mỹ. Không phải là bản sao của đồng hồ Thụy Sỹ, mà phải mang âm hưởng mạnh mẽ, rắn rỏi của ngành công nghiệp đường sắt Hoa Kỳ thời kỳ bấy giờ.

Những con số: 60 với 2000

Mỗi năm, RGM chỉ sản xuất dưới 60 chiếc. Để so sánh, Patek Philippe làm ra hàng chục ngàn chiếc/năm, còn Rolex là 2000 chiếc/ngày.

Cửa hiệu chế tạo đồng hồ cao cấp cuối cùng ở Mỹ: mỗi năm làm chưa đến 60 cái nhưng mỗi cái bán tới 2 tỉ đồng - Ảnh 4.

Sự chênh lệch này thực chất cũng không nói lên điều gì. Cần hiểu rằng, một chiếc Casio G-Shock có thể chạy chuẩn hơn cả Breguet có giá hàng chục ngàn đô. 

Một chiếc đồng hồ trẻ con đôi lúc đáng tin cậy hơn một chiếc đồng hồ có giá bằng cả căn nhà. Vấn đề là ở người sử dụng. Nghệ thuật của Murphy chẳng có giá trị với bất kỳ ai, ngoại trừ người mua nó.

Nhưng kể cả như vậy, chẳng ai dám nghi ngờ gì các sản phẩm của RGM, như bộ chuyển động Tourbillon Pennsylvania là minh chứng. Bất cứ ai am hiểu về đồng hồ cơ cũng hiểu rằng, một máy đồng hồ dù hoàn hảo đến đâu vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi trọng lực. Sự ảnh hưởng này không nhiều, nhưng nó khiến đồng hồ không chạy chính xác nữa theo thời gian, với một sai số dễ nhận thấy.

Đó là lý do cụm chuyển động Tourbillon ra đời - vô cùng tinh xảo và phức tạp, do Abraham-Louis Breguet đưa ra vào năm 1798 và được cấp bằng sáng chế vào năm 1801. Chế tạo ra Tourbillon cực kỳ khó - đương nhiên - và vì thể chẳng công ty nào ở Mỹ chịu làm nó. 

Ngay cả RGM, trong trụ sở vốn là ngân hàng cũ kỹ ấy chỉ có 2 nghệ nhân có thể chế tạo được Tourbillon mà thôi. Một người là Murphy, người còn lại là Benoît Barbé - một nghệ nhân chế tạo đồng hồ cao cấp khác. Chỉ có họ làm được, vì chỉ cần một sai sót rất nhỏ cũng đủ làm hỏng cả cỗ máy rồi.

Cuộc sống trong RGM

Hiện tại, RGM có 10 người làm việc. 8 người trong đó - gồm cả Murphy (nay đã 52 tuổi) - chịu trách nhiệm lắp ráp, sửa chữa, chế tạo đồng hồ. Họ vẫn sử dụng những công cụ xưa cũ, từ những năm đầu thế kỷ 20.

Trong bức hình dưới đây là Jake Weaver-Spidel - nghệ nhân chế tạo đồng hồ đang chỉnh sửa chiếc Caliber 801 - một trong những máy đồng hồ của RGM chế tạo. Quá trình cân chỉnh này có thể kéo dài 1 tuần, thậm chí cả tháng nếu cần ráp thêm các bộ phận khác. Nhìn chung, công sức bỏ ra cũng xứng với thành quả, khi tuổi thọ của những cỗ máy này được xem là vĩnh viễn.

Cửa hiệu chế tạo đồng hồ cao cấp cuối cùng ở Mỹ: mỗi năm làm chưa đến 60 cái nhưng mỗi cái bán tới 2 tỉ đồng - Ảnh 6.

Jake Weaver-Spidel - nghệ nhân chế tạo đồng hồ

Murphy cho biết: "Tôi không thích ý tưởng chế tạo bất kỳ thứ gì có cái gọi là "tuổi thọ"." 

"Chúng tôi thiết kế không dựa vào giới hạn. Thử nghĩ về cây cầu Brooklyn. Bạn nghĩ nó sẽ phải chịu tải trọng bao nhiêu khi người ta mới xây nó? Vài cỗ xe ngựa? Hay hàng dàn người đi bộ? Thực tế thì nó đang phải oằn mình với những cỗ xe tải nặng hàng tấn, nhưng vẫn không sao cả, vì thiết kế ngay từ đầu đã không có giới hạn rồi." - Murphy chia sẻ về tư tưởng của công ty.

Về cơ bản, một chiếc đồng hồ trở nên đắt đỏ vì 2 lý do. Đầu tiên là nguyên liệu thành phần - đồng hồ bằng vàng hay bạch kim và kim cương thì đương nhiên phải đắt hơn đồng hồ thép, bạc thông thường.

Và thứ 2, cũng là yếu tố quan trọng nhất, chính là con người. RGM chỉ sản xuất 60 chiếc mỗi năm, và tất cả đều được làm thủ công bởi những nghệ nhân đỉnh cao nhất nước Mỹ. 

Đồng hồ của RGM trước kia khởi đầu ở mức giá $3.000 (gần 70 triệu đồng), và giờ đây đã vượt mốc $100.000 (hơn 2,2 tỉ đồng) cũng bởi lý do ấy mà thôi.

Tham khảo: Pop Sci, Popular Mechanic
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày