Sau khi lên thành phố lập nghiệp, ông Cao (Giang Tô, Trung Quốc) kết hôn với người phụ nữ cùng quê. Trải qua 15 năm chung sống, 2 người có được 4 người con. Cho đến năm 1995, gia đình ông tan vỡ. Vợ cùng các con của ông chuyển đến nơi ở khác và cắt đứt toàn bộ liên lạc. Một mình ông sống trong căn nhà cũ và cũng không đi thêm bước nữa.
Cho đến năm 78 tuổi, ông Cao bị đột quỵ sau lần tai nạn trượt chân ngã. Ban đầu, ông có được sự hỗ trợ của anh chị em ruột. Tuy nhiên, do hoàn cảnh của mọi người cũng không mấy khá giả nên ông buộc phải xoay xở nhờ cậy cả những người hàng xóm gần xa.
Thấy bản thân khiến mọi người phải bận rộn, ông Cao quyết định ký một thỏa thuận với ủy ban khu phố mang tên “thừa kế và phụng dưỡng” dưới chứng kiến của anh chị trong nhà. Theo đó, ủy ban khu phố sẽ có trách nhiệm chăm sóc, cung cấp cho ông Cao chi phí sinh hoạt hàng tháng, thăm khám khi ông đau ốm và lo cả chuyện tang lễ sau này. Đổi lại, sau khi qua đời, tài sản của ông Cao sẽ thuộc về ủy ban khu phố.
Với thỏa thuận đã được kí kết, ông Cao nhận được sự chăm sóc tận tình của các thành viên thuộc ủy ban khu phố. Những lúc tỉnh táo, ông còn thừa nhận đây là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời mình.
Sau 5 năm được mọi người chăm sóc, cho đến năm 83 tuổi, ông Cao qua đời. Ủy ban khu phố đã đứng ra chi trả 60.000 NDT nhằm lo tang lễ cho ông cụ một cách trọn vẹn. Đúng như giao ước từ trước, căn nhà của ông Cao từng sinh sống thuộc về ủy ban khu phố.
Đúng thời điểm đó, ngôi nhà này lại nằm trong khu vực cần giải phóng để phục vụ mục đích mở đường. Theo quy định, nhà của ông Cao sẽ nhận được 2 triệu NDT (gần 7 tỷ đồng) tiền đền bù. Do quyền sở hữu căn nhà đã thuộc về ủy ban khu phố. Nên số tiền này cũng sẽ thuộc những người đã chăm sóc ông cụ.
Cùng thời gian đó, đột nhiên, 4 người con của ông Cao xuất hiện và đòi quyền thừa kế số tiền 2 triệu NDT. Họ khẳng định ông cụ không để lại bản di chúc nào. Song theo luật di chúc, ở hàng thừa kế thứ nhất, căn nhà này vẫn thuộc 4 người họ.
Trước phản ứng của nhóm người này, ủy ban khu phố đưa bản thỏa thuận đã ký kết trước đó với ông Cao. Người đại diện cũng khẳng định 4 người con chưa từng chăm sóc ông cụ ngày nào nên cũng không thể đòi quyền thừa kế ở đây.
Tuy nhiên, các con của ông Cao cho biết đã mất liên lạc với cha mình suốt thời gian dài. Nên họ hoàn toàn không biết đến bệnh tình cha mình để kịp thời chăm sóc. Chỉ đến khi ông cụ qua đời và được một vài người thân thông tin, các con của ông mới nắm được tình hình. Song mọi chuyện đã quá muộn.
Dẫu đưa ra lập luận thế nào, ủy ban khu phố cũng từ chối trao trả lại tài sản cho các con của ông Cao. Nhận thấy không thế đàm phán để đạt được thỏa thuận, nhóm người này quyết định nhờ tòa án địa phương phân xử.
Sau quá trình xem xét vụ việc, Tòa án sơ thẩm cho rằng thỏa thuận “thừa kế và phụng dưỡng” giữa ông Cao và ủy ban khu phố được xem như một bản di chúc. Ủy ban khu phố đã hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc, và mai táng cho ông lão. Vì thế, toàn bộ tài sản của ông cụ để lại sẽ thuộc về phía ủy ban. Các con của ông không được nhận bất kỳ tài sản nào.
Phán quyết này đương nhiên không thể khiến những người con của ông Cao hài lòng. Ngay sau đó, họ tiến hành kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn nhằm giành lại tài sản của gia đình. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm đã rõ ràng nên giữ nguyên phán quyết ban đầu. Cuối cùng, toàn bộ số tiền 2 triệu NDT được trao cho ủy ban khu phố.
Theo QQ, sau khi vụ việc này được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người ủng hộ quyết định của tòa án. Khi biết được số tiền để lại của ông Cao được ủy ban khu phố dùng để chăm sóc những người già neo đơn trong vùng, tất cả lại càng đồng tình cách làm này.
(Theo QQ)