Bài viết là câu chuyện của ông Lý Kiến Quốc (Bắc Kinh, Trung Quốc). Khi còn sống, cụ ông này nổi tiếng giàu có nhất vùng. Tuy nhiên, không phải là khối tài sản có được, điều khiến người đàn ông này tự hào là đã nuôi dạy được 1 người con trai ưu tú.
Gặp ai, ông cũng khoe rằng anh con trai có sự nghiệp thành công ở nước ngoài với mức lương “khủng”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do công việc và cuộc sống, con trai ông Lý hiếm khi về nhà thăm bố. Ông hiểu những khó khăn về khoảng cách địa lý của con trai nhưng bản thân không tránh khỏi cảm giác thất vọng và đôi chút buồn vì cuộc sống chỉ có 1 mình.
Vào cuối năm 2022, 2 cha con ông có một cuộc điện thoại chỉ vỏn vẹn 1 phút. Anh con trai đề cập sẽ không về nhà đón Tết. Đó cũng là năm thứ 15 kể từ khi con trai ông sang nước ngoài và không về thăm nhà.
Sau khi cúp điện thoại, ông ngồi suy nghĩ 1 hồi lâu rồi chậm rãi đi đến bàn làm việc, lấy trong ngăn kéo ra 1 cuốn sổ và một cây bút. Bàn tay ông run rẩy di chuyển trên trang giấy như thể đang cố gắng viết từng chữ. Ông nghĩ rằng đây có thể là lời cuối cùng ông để lại cho con trai mình.
Nội dung bản di chúc này không quá phức tạp. Ông dành toàn bộ số tiền tiết kiệm và bất động sản trị giá lên đến 4,5 triệu NDT (khoảng 15,7 tỷ đồng) cho quỹ từ thiện địa phương. Ông không thừa kế lại bất kỳ một tài sản giá trị nào cho con trai của mình.
Tuy nhiên, trong bản di chúc này, ông có để lại 1 lời nhắn cho con trai. Ông viết: “Con trai, cha biết con làm việc chăm chỉ để mong cầu 1 tương lai tốt đẹp ở phía trước. Nhưng hãy nhớ rằng, dù con có đi xa hay bay cao đến đâu, gia đình vẫn luôn là bến đỗ bình yên nhất dành cho con. Bố mong con hãy trân trọng gia đình lớn, gia đình nhỏ và cả những người thân xung quanh. Đừng để đến khi mất đi rồi mới hối hận về những gì đã xảy ra”.
Ảnh minh họa
Viết xong di chúc, ông Lý thở dài. Ông cảm thấy nhẹ nhõm, như thể vừa gỡ bỏ được gánh nặng trong lòng. Ông biết rằng mình đã hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của 1 người cha. Nên việc ông không chia tài sản cho con trai của mình là 1 việc hết sức bình thường.
Những ngày sau đó, cuộc sống của ông Lý diễn ra bình thường. Ông vẫn dậy sớm tập thể dục buổi sáng, xem TV hoặc đọc báo. Thời gian rảnh, ông lại lục ảnh hồi nhỏ của con trai để ngắm nhằm vơi đi nỗi nhớ.
Ít lâu sau đó, cụ ông vô tình bị ngã và phải nhập viện. Trên giường bệnh, ông luôn mong muốn sẽ được gặp con trai. Tuy nhiên khi con hỏi ở nhà có chuyện gì không, ông cụ đều gạt đi và nói rằng chỉ cảm thấy hơi khó chịu trong người nên đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Trong những ngày nằm viện, ông Lý thường lấy di chúc ra và đọc thầm. Ông tưởng tượng con trai mình sẽ phản ứng như thế nào sau khi đọc những lời cuối cùng này. Ông không biết liệu cậu con trai có hiểu được những suy nghĩ và mong đợi của mình hay không.
Sau thời gian nằm viện, cụ ông trở về nhà. Không lâu sau đó, do tuổi cao sức yếu, ông Lý qua đời. Vào những giây phút cuối cùng, ông đã ôm chặt cuốn di chúc, trong lòng tràn ngập tình yêu thương và lời chúc phúc dành cho con trai mình.
Sau khi biết tin bố qua đời, anh con trai vội trở về nhà để lo tang lễ. Khi mọi chuyện đã ổn thỏa, anh bình tâm ngồi trong phòng của bố để đọc toàn bộ cuốn di chúc.
Anh hoàn toàn không bất ngờ khi bố dành toàn bộ tài sản của mình cho quỹ từ thiện địa phương. Bởi anh biết bố mình là 1 người thích làm từ thiện nên hoàn toàn tôn trọng quyết định của ông cụ. Anh không trách cứ gì về việc không được thừa hưởng tài sản gì từ bố mình. Anh hiểu rằng ngoài kia có những người kém may mắn hơn mình.
Tuy nhiên, khi đọc đến những lời nhắn của bố về việc phải trân trọng tình cảm gia đình, anh đã òa khóc như một đứa trẻ. Lúc này, anh nhận ra rằng, cuộc điện thoại ngày hôm đó là lần cuối bố gọi anh trở về nhà. Thấy con luôn lấy lý do công việc, ông không bao giờ đề cập về chuyện này nữa.
Đọc đến dòng cuối cùng của bản di chúc, con trai ông Lý dần nhìn nhận ra cách sống vô cảm và thờ ơ đến gia đình của chính mình. Dẫu biết là muộn song anh vẫn đang học cách cân bằng giữa công việc và sự quan tâm dành cho những người thân thiết xung quanh. Anh nghĩ rằng chỉ bằng cách vun đắp từng chút một, gia đình mới có thể trở thành bến đỗ ấm áp nhất trong cuộc đời cũng như mang lại cho mỗi người sức mạnh và lòng can đảm để đối mặt với những thử thách của cuộc sống.