Phạm Kim Thành sinh ra trong một gia đình làm nghề nông ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ở độ tuổi 33, cô vẫn chưa tìm được công việc phù hợp và vẫn sống dựa dẫm vào cha mẹ mặc dù đã có tấm bằng đại học từ 10 năm trước.
Trong suốt ngần ấy năm, thời gian đi làm của cô vỏn vẹn chưa đến nửa năm. Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống đều do gia đình chi trả. Cô không biết áy náy, thậm chí còn đổ thừa lỗi lầm của bản thân do gia đình không chịu ủng hộ giấc mơ kinh doanh.
Được biết, phía trên Kim Thành còn có một chị gái. Gia đình sinh ra Kim Thành khi Trung Quốc đang áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình (chính sách một con). Sức ép quá lớn khiến bố của cô bị mất việc, phải quay lại làm nông. Dẫu vậy gia đình vẫn rất trông mong vào cô con gái thứ hai và người cha đã đặt tên con là "Kim Thành" với ước mơ một ngày nào đó cô sẽ thành công.
Nhưng trái ngược với mong ước của cha mẹ, Kim Thành lại trở thành "gánh nặng" và không chịu làm việc tử tế, khiến cho gia đình vô cùng thất vọng.
Kim Thành thất nghiệp 10 năm, sống dựa dẫm vào gia đình
Khi vừa tốt nghiệp đại học, Kim Thành trở về quê hương lập nghiệp do không thể thích nghi với cuộc sống thành phố. Với ý định mở cửa hàng ở quê, Kim Thành vay tiền cha mẹ nhưng lập tức bị từ chối bởi lý do: "Kinh doanh bán hàng không phải chuyện nhỏ. Chưa kể con thiếu kinh nghiệm xã hội, nếu đầu tư vào mở cửa hàng rất dễ bị thua lỗ".
Nỗi lo lắng của cha mẹ Kim Thành là có lý, song con gái họ đã rất sốc và cho rằng gia đình không ủng hộ và tin tưởng mình. Sự việc đó khiến Kim Thành rất tổn thương và bị trầm cảm suốt một thời gian.
Sau đó, cô dự định chuyển hướng kinh doanh nuôi cá nhưng cũng bị mẹ phản đối.
Một thời gian sau, Kim Thành thấy quảng cáo tuyển dụng chuyên gia tâm lý trên TV nên đã xin ba mẹ cho đi học chương trình tư vấn tâm lý. Nhưng đến khi nhận chứng chỉ và được trung tâm giới thiệu một số khách hàng, Kim Thành lại đột ngột từ chối tất cả vì lý do "tâm trạng không tốt, không hợp đi trò chuyện với khách".
Đến lúc này, gia đình Kim Thành đã thực sự bùng nổ những cuộc tranh cãi. Trong khi đó, cô con gái lại nhất quyết tin rằng chính sự giáo dục hà khắc của cha mẹ đã biến bản thân trở nên thất bại như hiện tại.
Thực tế, chuyện gì trong quá khứ đã ảnh hưởng tiêu cực đến Kim Thành đến vậy?
Gia đình Kim Thành luôn ngập tràn những cuộc cãi vã vì cô con gái mãi không chịu đi làm
Mọi chuyện bắt đầu từ khi Kim Thành còn nhỏ.
Cha mẹ cô rất kì vọng vào cô con gái thứ hai nên ngay từ bé, họ đã luôn mong mỏi ngày con thành công. Điểm số của Kim Thành ở trường tiểu học khá tốt, nhưng vẫn khác xa những gì cha mẹ mong đợi. Mặc dù cô luôn được giáo viên khen ngợi nhưng khi về đến nhà lại chỉ nhận được sự cau mày từ gia đình.
Trong mắt cha mẹ, Kim Thành chưa bao giờ đủ giỏi giang hay làm việc chăm chỉ.
Lên cấp 2, Kim Thành dần thu mình, sống nội tâm và thường ngồi một góc vẽ tranh lẫn thiết kế. Những tác phẩm được bạn bè khen ngợi nên Kim Thành dần trở nên tự tin hơn. Nhưng về nhà, cô như bị "tạt gáo nước lạnh" khi chỉ nhận được ánh mắt lạnh nhạt của mẹ.
Mẹ cô quát: "Những bức vẽ này có tác dụng gì? Con có thể tập trung vào học hành, thay vì suốt ngày vẽ những thứ đâu đâu này không?". Sau đó, mẹ cô liên tục đánh và mắng chửi mỗi khi phát hiện con gái lén vẽ.
Gia đình rất ít khi khen ngợi hay động viên Kim Thành
Trước những trận đòn roi của cha mẹ, Kim Thành dần trở nên tự ti và biến thành người nhạy cảm.
Lên cấp 3, Kim Thành gặp áp lực học hành, không thể kết bạn mới. Điểm số của con gái ngày càng giảm sút, nhưng cha mẹ không tìm hiểu nguyên nhân thực sự mà chỉ biết trách Kim Thành không chịu nỗ lực. Cha mẹ cũng liên tục so sánh với con nhà người ta khiến cô gái ngày càng tự ti hơn.
Thành tích vẫn không hề khá khẩm khi Kim Thành học lên cao. Cô bị trượt đại học và sau 3 năm ôn luyện, Kim Thành thi đỗ vào chuyên ngành mong ước là Thiết kế. Tưởng chừng cuộc đời sẽ tốt hơn, song cô dần nhận ra khoảng cách với các bạn trong đại học quá lớn. Nhiều lần Kim Thành không khỏi khóc thầm và suy nghĩ có phải bản thân thực sự "vô tích sự" giống như lời cha mẹ hay nói.
Kim Thành trở nên tự ti sau khi nhận nhiều trận đòn roi và chê bai từ cha mẹ
Kim Thành cũng nhận được một số công việc nhưng bị sa thải vì sống quá nội tâm, thiếu kinh nghiệm xã hội và không phù hợp với ngành.
Áp lực lại càng đè nặng khi cha mẹ liên tục đánh đập và mắng chửi, đòi đuổi Kim Thành ra khỏi nhà. Cô càng lao đầu vào những trò tiêu khiển giết thời gian như chơi game, xem TV suốt ngày… để mong chọc tức cha mẹ.
Năm 2017, những vấn đề tâm lý và tranh cãi trong gia đình Kim Thành cuối cùng cũng được biết đến khi cả nhà tham gia một chương trình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Khi đó, Kim Thành đã 33 tuổi, trải qua 10 năm thất nghiệp và đang sống bám cha mẹ.
Ngay trên sóng truyền hình, Kim Thành vẫn liên tục tranh cãi với gia đình và người mẹ cũng không thể giữ được bình tĩnh nên đã mắng con trước mặt khán giả.
Các chuyên gia tâm lý đưa ra giải pháp là mỗi lần cha mẹ đổ lỗi cho Kim Thành, cô con gái sẽ bị quấn 1 lớp vải. Dần dần, vải trên người càng nhiều khiến cô phải thốt lên: "Mỗi ngày tôi như bị một ngọn núi đè lên người, không thở được".
Kim Thành (ngoài cùng bên phải) và gia đình tham gia một chương trình tâm lý trên sóng truyền hình
Sau cùng, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên và giải pháp tâm lý cho cả Kim Thành và cha mẹ. Sau vài giờ trò chuyện, Kim Thành dần hiểu ra và hứa sẽ tìm việc ngay khi trở về nhà, đồng thời tìm cách thích nghi với cuộc sống.
Sự thất bại của Kim Thành đã để lại nhiều bài học và cho thấy tầm quan trọng của giáo dục con cái. Nếu ngay từ nhỏ, những ý tưởng của Kim Thành được cha mẹ coi trọng hơn thì có lẽ cô đã không trở nên tự ti, sống khép mình và trở thành người nhạy cảm đến vậy.
Kim Thành cũng là điển hình cho không ít trường hợp giáo dục con cái hà khắc ngày nay.
Biết là cha mẹ yêu thương và luôn mong những điều tốt nhất cho con, nhưng đừng biến những tình yêu đó trở thành gánh nặng trên vai con cái. Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc, dễ khiến con trở nên áp lực và căng thẳng, không thể phát triển tâm sinh lý giống như những đứa trẻ bình thường.
Việc tạo bầu không khí gia đình hòa thuận cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên thường xuyên bày tỏ tình cảm với con, khen ngợi mỗi khi trẻ làm đúng, hạn chế việc phê bình và làm xấu mặt con ở nơi đông người để bé được phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nguồn: Toutiao