Câu chuyện đã xảy ra rất lâu về trước, nhưng vẫn là một trong những vụ án khó hiểu khiến cộng đồng mạng Trung Quốc liên tục bàn tán.
Chiếc hộp sắt bí ẩn của mẹ
Một ngày năm 2013, Lưu Hải Bân ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vừa tan làm thì nhận được điện thoại của bố, báo mẹ anh ở bệnh viện đang trong cơn nguy kịch. Lưu Hải Bân tức tốc chạy đến bệnh viện để gặp mẹ. Lúc này bà đã rất yếu và chỉ kịp trăng trối với con trai mấy lời cuối cùng.
Trong hơi thở ngắt quãng, mẹ Lưu Hải Bân cho anh biết bà có một chiếc hộp sắt cất những món đồ quý giá được để trên căn gác xép ở nhà. Tất cả đều là những thứ bà dành dụm cả đời để lại cho anh.
Sau khi mẹ ra đi, vì quá đau buồn và bận rộn với tang sự, Lưu Hải Bân dần quên mất câu chuyện về chiếc hộp sắt bí ẩn mà mẹ để lại.
Bẵng đi 3 năm sau, trong một lần dọn dẹp nhà cửa, Lưu Hải Bân phát hiện ra chiếc hộp cũ kỹ năm nào trong trong gác xép. Anh không thể ngờ được rằng thứ được cất giấu nhiều năm trong hộp lại mang đến cho cả nhà một bất ngờ không thể tưởng tượng nổi.
Bên trong hộp sắt đã gỉ sét nặng nề có một chiếc phong bì, nhưng đó không phải là một bức thư mà là biên lai gửi tiền ngân hàng, trên đó viết rõ ràng con số 6 triệu NDT (khoảng 21 tỷ đồng).
Theo thông tin trên biên lai, mẹ của Lưu Hải Bân là bà Hoàng Tiểu Muội đã từng gửi 6 triệu NDT (21 tỷ đồng) tiền tiết kiệm vào một ngân hàng ở địa phương cách đây nhiều năm. Lưu Hải Bân run rẩy cầm tờ biên lai trên tay, vô cùng hoang mang vì đây là một số tiền quá lớn, nếu có trong tay thì cả gia đình anh sẽ bỗng chốc trở nên cực kỳ giàu có chỉ sau 1 đêm.
Lưu Hải Bân lúc đó cũng đang làm việc trong ngân hàng, anh liền thử kiểm tra và phát hiện tờ biên lai không có vấn đề gì, không thấy có dấu hiệu làm giả. Ngoài ra, Lưu Hải Bân cũng cảm thấy ngạc nhiên vì biên lai được bảo quản rất tốt, các thông tin được in bên trên vẫn còn rất rõ ràng. Hơn nữa, đây là biên lai ghi rằng đây là khoản tiền gửi có thời hạn một năm, với lãi suất 10%. Điều này có nghĩa là mẹ anh gửi tiết kiệm 6 triệu NDT, cộng thêm tiền lãi sẽ lên đến gần 8 triệu NDT (hơn 28 tỷ đồng).
Tuy nhiên, khi Lưu Hải Bân mang chuyện này kể với bố và vợ mình, bố anh lại tỏ ra ngỡ ngàng, vì chung sống hàng chục năm, ông chưa từng thấy bà Hoàng Tiểu Muội có nhiều tiền như vậy. Gia đình họ cũng chỉ là một gia đình bình thường, không thuộc dạng giàu có.
Vì đã làm việc lâu năm trong ngân hàng, Lưu Hải Bân có sự nhạy cảm hơn về vấn đề này. Anh và vợ mình quyết định dành 1 tuần để thu thập đủ giấy tờ và tài liệu có thể cần khi làm thủ tục rút một số tiền lớn như vậy. Sau đó, hai vợ chồng đưa toàn bộ tài liệu liên quan đến cho nhân viên ngân hàng và chờ đợi phản hồi.
Nhân viên ngân hàng nói với hai người rằng số tiền quá lớn và biên lai đã cũ nên không thể hoàn thành thủ tục ngay được. Họ cần thời gian để xác minh nên yêu cầu vợ chồng Lưu Hải Bân về nhà chờ đợi thông báo của ngân hàng. Nhưng ngày hôm sau, khi hai vợ chồng anh quay lại thì nhận được câu trả lời cực sốc của nhân viên: “Biên lai gửi tiền này là giả, có vẻ hai người có ý định lừa đảo, chúng tôi sẽ báo cáo với cảnh sát về vụ việc này”.
Loạt nghi vấn khó giải đáp
Khi cảnh sát vào cuộc điều tra, không có bằng chứng trực tiếp nào chứng minh Lưu Hải Bân và gia đình có ý định lừa đảo tiền từ ngân hàng. Bên cạnh đó, tất cả các giấy tờ mà anh chuẩn bị đều rất chặt chẽ, không có dấu hiệu giả mạo.
Cảnh sát đã gửi biên lai gửi tiền do Lưu Hải Bân cung cấp đến Trung tâm Xác thực Pháp y của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Nam (Trùng Khánh), để có thể đưa ra kết quả chắc chắn nhằm xác định độ tin cậy của tờ biên lai. Theo kết quả từ Trung tâm Xác thực Pháp y, có một số nghi vấn xung quanh tờ biên lai gửi tiền.
Thứ nhất, không thể xác định được thời điểm ký biên lai gửi tiền có đúng là vào ngày gửi tiền không, hay được ký sau đó. Thứ hai, mặc dù chữ viết còn rõ nhưng con dấu trên biên lai đã bị mờ đến mức không thể nhận ra. Cuối cùng, con dấu trên chứng chỉ tiền gửi này từ hơn 10 năm trước, khác với con dấu mà ngân hàng sử dụng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, điều này cũng có thể là do tác động của thời gian, không thể hoàn toàn khẳng định đó là giả, nhưng cũng rất khó để xác định biên lai này là thật.
Về phía ngân hàng, họ cho rằng Lưu Hải Bân đã làm việc tại ngân hàng hơn 20 năm, có đủ mọi điều kiện và hiểu biết để lừa đảo bằng cách giả mạo biên lai gửi tiền và cả con dấu. Do đó, cảnh sát đã mở cuộc điều tra kéo dài hai năm đối với Lưu Hải Bân, điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và gây nhiều trở ngại cho cuộc sống bình thường của ông. Trong khoảng thời gian này, Lưu Hải Bân đã cũng đã đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội, sự việc ngay lập tức tạo ra một làn sóng thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.
Bên cạnh đó, Lưu Hải Bân vẫn kiên quyết muốn chứng minh tờ biên lai gửi tiền của mẹ mình là thật. Anh bắt đầu điều tra, thăm dò khắp nơi và tìm được những manh mối quan trọng. Lưu Hải Bân tìm hiểu được rằng mẹ anh có sở thích giao dịch chứng khoán và đã âm thầm kiếm tiền từ đó trong nhiều năm qua. Đó là cơ sở khiến anh càng thêm tin tưởng vào số tiền mà mẹ để lại là có thật.
Đến năm 2016, đã 6 năm kể từ khi mẹ của Lưu Hải Bân qua đời, vụ án được gọi là gian lận tài chính này vẫn không có tiến triển gì đáng kể. Dưới áp lực từ dư luận, tòa án đã bác bỏ đơn tố cáo lừa đảo của ngân hàng đối với Lưu Hải Bân.
Sau đó, Lưu Hải Bân tiếp tục kiện tòa án vì bôi nhọ danh tiếng của mình, đồng thời kiên quyết muốn chứng minh tính xác thực của tờ biên lai. Tuy nhiên, anh không dành phần thắng trong vụ kiện này. Cuối cùng, giữa những nghi vấn không có lời giải, Lưu Hải Bân vẫn không thể tìm được câu trả lời mà mình mong muốn.
(Theo Baijiahao)