Cay đắng cuối đời
Không có gì đau đớn hơn việc người chồng phát hiện ra người vợ đầu ấp tay gối bao năm đã ngoại tình với một người lạ ở trên mạng, nhưng trớ trêu hơn cả là kẻ đó lại là một tên lừa đảo ranh ma đang cố bòn rút hết từng đồng thay vì có tình cảm thật sự.
Đó là câu chuyện của một người đàn ông trung niên ở San Antonio, Mỹ, người phát hiện ra vợ mình là nạn nhân của một kẻ lừa đảo trực tuyến. Thế nhưng, khi tìm hiểu kỹ ngọn ngành, mọi chuyện hóa ra còn tồi tệ hơn.
Người vợ này không phải chỉ bị lừa theo cách thông thường, mà là rơi vào lưới tình của một kẻ đã dàn dựng kịch bản từ trước, đồng thời sẵn sàng đưa hết tiền cho tình nhân.
Giờ đây, người vợ đang khốn đốn trong việc việc trả nợ và thanh toán thẻ tín dụng - với số tiền khoảng 50.000 USD - vào thời điểm mà lẽ ra cặp đôi đang tận hưởng những năm tháng vàng son của cuộc đời.
Người vợ đã gửi một khoản tiền mặt cho kẻ lừa đảo thông qua thẻ tín dụng và thẻ quà tặng, tổng trị giá từ 9.000 đến 10.000 USD. Bà cũng bị thuyết phục vay hai khoản vay trả góp với trị giá 23.500 và 17.500 USD.
“Có rất nhiều người khuyên tôi hãy ly hôn với cô ấy, nhưng tôi sẽ không vứt bỏ 25 năm hôn nhân”, người chồng cao thượng nói trên chương trình Ramsey Show.
Thay vào đó, cả hai sẽ đi trị liệu tâm lý và người chồng đang “nỗ lực xoay chuyển vấn đề về mặt tài chính và tình cảm”.
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang, các vụ lừa đảo tình cảm phổ biến một cách đáng ngạc nhiên. Vào năm 2022, khoảng 70.000 người đã báo cáo về việc họ là nạn nhân của lừa đảo tình cảm, với tổng thiệt hại lên tới 1,3 tỷ USD. Con số này thậm chí còn nhiều hơn, vì nhiều người quá xấu hổ để thừa nhận nó.
Tình cảnh của cặp vợ chồng trong vụ việc trên cũng hết sức hy hữu. Cả ông và vợ đều đã nghỉ hưu và ở độ tuổi ngoài 70. Bên cạnh tiền tiết kiệm hưu trí, thu nhập hộ gia đình hàng năm của họ trung bình khoảng 69.000 USD.
Hiện tại, người chồng đang trả dần từng khoản nợ nhỏ như một cách để chữa lành cho chính cuộc hôn nhân.
Không chỉ giúp tránh được tiền lãi cộng dồn, điều này cũng tốt hơn cho trạng thái tinh thần của người chồng, vì mỗi lần ông viết séc để trang trải các khoản nợ cho vợ, vết thương lại nhói đau khi nhớ về chuyện ngoại tình.
Cũng có những lời khuyên người vợ nên quay lại làm việc nếu vẫn còn sức khỏe tốt, nhằm trả hết hai khoản vay trả góp. Những gì người vợ phải trả giá lúc này mang lại nhiều sự thương cảm.
Đa phần những người đã về hưu và ngoài 70 tuổi, không ai còn muốn vất vả cho công việc. Tuy nhiên, đây sẽ là cách để người vợ thể hiện trách nhiệm về chuyện tình cảm và lấy lại lòng tin của bạn đời.
Thủ đoạn lừa đảo tình cảm
Những người già ly hôn và góa phụ không phải là những người duy nhất trở thành con mồi của những trò lừa đảo tình cảm. Bất kỳ ai cô đơn hoặc dễ bị tổn thương đều có thể là mục tiêu, kể cả những người đang gặp vấn đề trong hôn nhân.
Những kẻ lừa đảo tình cảm thường sử dụng xã hội để thu thập thông tin chi tiết về các mục tiêu tiềm năng. Sau đó, chúng tạo danh tính trực tuyến giả mạo.
Đó là phiên bản trực tuyến của một kẻ lừa đảo, nơi chúng sử dụng ảo tưởng về tình yêu hoặc sự lãng mạn để lôi kéo nạn nhân gửi tiền (hoặc, trong một số trường hợp, gửi những bức ảnh nhạy cảm mà sau này có thể được sử dụng để tống tiền nạn nhân).
Một số kẻ thường sử dụng các trang web hẹn hò trực tuyến, nhưng hầu hết các vụ lừa đảo đều bắt đầu bằng những tin nhắn riêng tư trên mạng xã hội. Thông thường, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển cuộc trò chuyện sang một ứng dụng nhắn tin như WhatsApp hoặc Google Chat.
Chúng thường nói với con mồi rằng bản thân hiện đang ở nước ngoài. “Điều đó giúp tránh việc phải gặp mặt trực tiếp cũng như trở thành lý do hợp lý khi yêu cầu chuyển tiền cho trường hợp khẩn cấp về y tế hoặc phí pháp lý đột xuất”, theo mô tả của FBI.
Ví dụ, kẻ lừa đảo có thể khai đang đóng quân tại một căn cứ quân sự ở nước ngoài hoặc làm việc tại một giàn khoan dầu ngoài khơi. Hoặc, trong một kiểu lừa đảo tình cảm mới hơn, chúng có thể tự xưng là nhà đầu tư tiền điện tử, lôi kéo con mồi đầu tư bằng tiền điện tử như Bitcoin hoặc Ethereum (thứ không thể truy vết).
Các dạng AI như ChatGPT sẽ giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng tung hứng nhiều nạn nhân hơn, thậm chí viết các tập lệnh được cá nhân hóa.
Tuy nhiên, có một điểm chung trong tất cả các vụ lừa đảo này: Kẻ lừa đảo lên kế hoạch gặp trực tiếp nạn nhân - và thậm chí có thể cầu hôn - nhưng luôn viện lý do để khiến cuộc gặp mặt đó không thể diễn ra vào phút chót.
Cách ngăn chặn lừa đảo tình cảm
Đừng đăng quá nhiều chi tiết cá nhân trên mạng. Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng thông tin đó để nhắm mục tiêu.
Nếu một người lạ gửi tin nhắn trực tiếp riêng tư, hãy thận trọng.
Thực hiện tìm kiếm hình ngược ảnh hồ sơ của người đó để xem các chi tiết có khớp không.
Hãy cảnh giác nếu người đó luôn viện lý do tại sao không thể gặp mặt trực tiếp.
Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền hoặc gửi tiền điện tử cho bất kỳ ai chỉ mới gặp trên mạng.
Trong trường hợp của cặp vợ chồng nói trên, sẽ ít ai ngờ rằng chuyện ngoại tình lại xảy ra ở đối tượng người lớn tuổi và khi người chồng phát hiện ra điều đó thì đã quá muộn.