Cứ 5 cử nhân thì 1 người thất nghiệp: Xuất hiện 'tầng lớp vô dụng mới' khi học càng cao càng dễ thất nghiệp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mà công ty cần

Băng Băng, Theo Nhịp sống thị trường 19:18 11/10/2024
Chia sẻ

Tại những nước thu nhập thấp và trung bình thấp, hơn 1/5 số người dưới 30 tuổi có trình độ đại học đang thất nghiệp.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay trong suốt 20 năm qua, một cuộc cách mạng giáo dục đã lan rộng khắp các nền kinh tế đang phát triển. Hàng nghìn trường đại học mọc lên trên khắp các thành phố, trong khi nông dân, công nhân và những người nghèo dồn tiền cho con cái học đại học với giấc mơ trở thành kỹ sư, luật sư, bác sĩ...

Thế nhưng mọi chuyện lại không như mơ khi làn sóng sinh viên tốt nghiệp tràn ngập các nền kinh tế mới nổi, nơi đất nước không tạo đủ việc làm sang chảnh, những vị trí văn phòng nhàn hạ lương cao để theo kịp lượng cử nhân ra trường.

Hậu quả là hàng loạt sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp và chán nản, kìm hãm sự phát triển của tầng lớp trung lưu trong xã hội.

Cứ 5 cử nhân thì 1 người thất nghiệp: Xuất hiện 'tầng lớp vô dụng mới' khi học càng cao càng dễ thất nghiệp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mà công ty cần- Ảnh 1.

Tầng lớp vô dụng?

Báo cáo tháng 8/2024 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của những bạn trẻ có trình độ ở các nước đang phát triển cao gấp 2-3 lần so với các nền kinh tế giàu có.

Tại những nước thu nhập thấp và trung bình thấp, hơn 1/5 số người dưới 30 tuổi có trình độ đại học đang thất nghiệp.

Tổ chức ILO đánh giá tại những nước này, bạn trẻ tốt nghiệp đại học thậm chí có nhiều khả năng thất nghiệp hơn những lao động có trình độ học vấn cơ bản.

Nhiều chuyên gia đánh giá hiện tượng này còn nghiêm trọng hơn khi vô số trường đại học chất lượng kém được thành lập để đáp ứng mong mỏi có tấm bằng của nhiều gia đình với ước mơ vươn lên trong xã hội.

Những ngôi trường này đào tạo ra các sinh viên thiếu kinh nghiệm nhưng lại xếp hàng xin các vị trí "sang chảnh", họ không có những kỹ năng mà các công ty tìm kiếm và hậu quả là đi làm bán thời gian hoặc chấp nhận thất nghiệp.

"Kỳ vọng xin việc văn phòng tăng cao nhưng chúng không tương xứng với những kỹ năng mà các sinh viên có được khi ra trường", giáo sư kinh tế Karthik Muralidharan của Đại học California San Diego cho biết.

Khi tầng lớp lao động có trình độ nhưng không đáp ứng đủ kỹ năng mà doanh nghiệp cần này thất nghiệp, chán nản và trở thành tầng lớp vô dụng mới, họ thường từ bỏ ước mơ để sống vật vờ không mục đích, chấp nhận công việc nhàn hạ hoặc tìm đường ra nước ngoài dựng nghiệp.

Trong khi tầng lớp "nằm thẳng" tại Trung Quốc là ví dụ điển hình cho những lao động có trình độ nhưng khó xin được công việc trong mơ nên từ bỏ sự nghiệp thì Mỹ lại là điển hình cho địa điểm mà các cử nhân hướng đến để đổi đời.

Cứ 5 cử nhân thì 1 người thất nghiệp: Xuất hiện 'tầng lớp vô dụng mới' khi học càng cao càng dễ thất nghiệp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mà công ty cần- Ảnh 2.

Báo cáo của nhà nhân khẩu học Jeff Passel tại Viện Pew Research cho thấy 36% số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ năm 2022 ở độ tuổi 25-64 có bằng đại học trở lên, cao hơn so với chỉ 17% năm 2007.

Tệ hơn, những lao động có trình độ nhưng thất nghiệp đang trì hoãn việc sinh con hay kết hôn, góp phần gia tăng áp lực lão hóa dân số và thiếu lao động trên toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến sức tiêu dùng.

Tờ WSJ cho hay sau khi thất nghiệp thời gian dài, những cử nhân thường ổn định cuộc sống bằng các công việc lương thấp như bán lẻ, làm tài xế taxi, nơi họ đóng góp cực kỳ ít cho nền kinh tế toàn cầu.

Tại Trung Quốc, số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vào khoảng 15% trong năm nay và rất nhiều cử nhân đại học trở về nước ăn bám cha mẹ, chăm sóc gia đình để đổi lấy tiền trợ cấp từ phụ huynh.

Chất lượng giảm sút

Suốt nhiều năm, tầng lớp tri thức được coi là tinh hoa của quốc gia, cội nguồn của thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu chính phủ không tăng cường đội ngũ thanh niên có trình độ học vấn cao, họ sẽ bị bỏ lại phía sau.

Thế rồi các phụ huynh cũng quyết tâm cho con đi học đại học để mong đổi đời.

Đến thập niên 2000, các ngành sản xuất của nhiều nước đang phát triển đã giảm tốc hoặc suy thoái, một hiện tượng được gọi là "Phi công nghiệp hóa sớm" (Premature Deindustrialization).

Kết quả là những công việc tốt thường được tìm thấy trong chính phủ, trường học hoặc ngành công nghệ và tất cả đều yêu cầu trình độ đại học.

Với việc các trường đại học công bị hạn chế, chính phủ đã cho phép mở rộng đại học tư nhân. Các ngôi trường này nhận được rất ít hoặc không có bất kỳ khoản tài trợ nào từ chính phủ. Họ cũng không thể dễ dàng tăng học phí vì những sinh viên mà họ phục vụ thường là những người nghèo.

Cứ 5 cử nhân thì 1 người thất nghiệp: Xuất hiện 'tầng lớp vô dụng mới' khi học càng cao càng dễ thất nghiệp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mà công ty cần- Ảnh 3.

Thay vào đó, nhiều trường trong số họ kiếm tiền bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh và tăng tỷ lệ tuyển sinh. Hậu quả là chất lượng sinh viên giảm sút vì thiếu những kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Báo cáo của Higher Education Strategy Associates cho thấy trong khoảng 2006-2018, số lượng sinh viên ở các nước đang phát triển theo học giáo dục đại học đã tăng gần gấp đôi từ 79 triệu lên 150 triệu người.

Đến năm 2018, khoảng ba phần tư số sinh viên theo học giáo dục đại học sống ở các nền kinh tế mới nổi, cao hơn nhiều so với mức chỉ 50% của năm 2006.

Ví dụ điển hình nhất của việc sa sút chất lượng giảng dạy đại học phải kể đến Ấn Độ. Việc mở rộng chưa từng có các trường đại học tại đây suốt 20 năm qua đã làm gia tăng gấp 3 tỷ lệ người trẻ có bằng đại học.

Mặc dù rất nhiều cử nhân Ấn Độ là những kỹ sư, kỹ thuật viên có tay nghề xuất sắc nhưng cũng có vô số sinh viên ra trường thất nghiệp vì không đáp ứng được kỹ năng mà thị trường cần.

Báo cáo của ILO vào tháng 3/2024 cho thấy khoảng 29% số lao động dưới 30 tuổi có bằng cử nhân tại Ấn Độ thất nghiệp, cao gấp 9 lần tỷ lệ thất nghiệp của những lao động chỉ có trình độ tiểu học.

Anh Manikanta M là một nhân chứng trong số đó khi lấy bằng cử nhân công nghệ tại một trường cao đẳng ở Bengaluru với tham vọng trở thành kỹ sư điện tử. Thế nhưng suốt 1 năm qua, chàng trai 26 tuổi này đã gửi hàng chục đơn xin việc và đi phỏng vấn khắp nơi mà chẳng được nhận.

Cứ 5 cử nhân thì 1 người thất nghiệp: Xuất hiện 'tầng lớp vô dụng mới' khi học càng cao càng dễ thất nghiệp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mà công ty cần- Ảnh 4.

Cuối cùng, anh Manikanta phải làm điều phối viên vận tải tại một công ty công nghệ với mức lương sau thuế chỉ 350 USD/tháng.

"Gia đình tôi đã vật lộn kiếm tiền cho tôi học đại học để thành kỹ sư, thế nhưng việc không kiếm được công việc trong mơ đã trở thành điều tồi tệ nhất với một gia đình trung lưu như tôi", anh Manikanta buồn bã.

Giấc mơ của kẻ chăn bò

Tại Mông Cổ, nhiều gia đình chăn nuôi cũng mơ ước về tương lai con cái sẽ vươn lên thoát khỏi cuộc sống khó khăn.

Nghiên cứu của Orkhon Gantogtokh đang theo học tiến sĩ tại Đại học British Columbia cho thấy đến năm 2022, Mông Cổ là một trong những quốc gia có số lượng học viện giáo dục đại học bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Hậu quả là các trường đại học ở Mông Cổ tham gia cuộc chiến dìm giá, tìm cách giảm học phí để thu hút nhiều sinh viên hơn và đi kèm với đó là sút giảm về chất lượng.

"Các trường đại học trở thành những ‘lò cấp bằng’ mọc lên ở khắp mọi nơi", ông Orkhon buồn bã nói.

Mặc dù kinh tế Mông Cổ tập trung vào khai thác tài nguyên nhưng rất nhiều sinh viên nước này lại tốt nghiệp mảng báo chí hay luật, vốn không có nhiều việc làm.

Thế nhưng ngay cả các công ty luật ở đây cũng khó tìm kiếm đủ thực tập sinh có kỹ năng mà họ cần vì chất lượng giáo dục đại học quá kém.

Cô Azjargal Demberel là con của một gia đình chăn bò với tuổi thơ vắt sữa phồng tay trong những buổi sáng sớm giá lạnh. Thế rồi cô chuyển đến thủ đô Ulaanbaatar để học ngành báo chí, còn 2 người em của cô tốt nghiệp bằng y khoa và luật.

Tuy nhiên cả 3 bạn trẻ này đều chưa có việc làm trong ngành mình học. Cô Azjargal đã từng làm báo rồi lại nghỉ và hiện đang kiếm tiền bằng cách bán các sản phẩm gia dụng của Amway. Hai người em của cô thì đã sang Hàn Quốc du học cao hơn vì không kiếm được việc trong nước, đồng thời làm bán thời gian tại một công ty chuyển nhà tại đây.

Cứ 5 cử nhân thì 1 người thất nghiệp: Xuất hiện 'tầng lớp vô dụng mới' khi học càng cao càng dễ thất nghiệp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mà công ty cần- Ảnh 5.

Cô Camila Ortiz Caram

Tại Mỹ Latinh, nơi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã giảm 4,5 điểm phần trăm xuống còn 13,4% vào năm ngoái thì nhiều cử nhân vẫn mắc kẹt.

Cô Camila Ortiz Caram tốt nghiệp thiết kế công nghiệp tại Đại học Buenos Aires ở Argentina năm 2023 sau 6 năm học vẫn phải ở nhà cùng bố mẹ vì khó kiếm việc làm. Cuối cùng cô gái 26 tuổi này phải đi làm nhân viên bán nước hoa.

Để làm đẹp hồ sơ, cô Caram còn làm trợ giảng không lương tại một trường đại học.

"Tốt nghiệp xong tôi đã phải tự hỏi: ‘Bây giờ mình nên làm cái gì đây?’", cô Caram ngán ngẩm nói.

Tại Nam Phi, sinh viên tốt nghiệp đại học ít có nguy cơ thất nghiệp hơn so với tầng lớp lao động nói chung, thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân lại tăng gấp đôi kể từ năm 2021 lên 12%.

Ví dụ cô Rea Mokhoantle, cử nhân 27 tuổi không thể dùng tấm bằng chuyên ngành nhân lực của mình sau khi tốt nghiệp mà lại đang làm việc cho một nền tảng trực tuyến.

"Tôi thực sự kinh ngạc khi bằng cấp của tôi lại khó xin việc đúng ngành đến vậy, thế nhưng chẳng ai nói với chúng tôi điều đó khi còn đi học", cô Mokhoantle than thở.

Giáo sư Philip Altbach của trường đại học Boston nhận định cánh cửa đại học đang được mở ra quá nhanh mà không duy trì các tiêu chuẩn vốn có. Giờ đây muốn kìm hãm lại thì đã quá muộn.

*Nguồn: WSJ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày