Cứ 10 nhân công thì bị thay thế bằng 1 robot, vì sao Trung Quốc làm vậy dù giá lao động rất rẻ?

THÙY AN, Theo Nhịp sống thị trường 14:27 03/10/2022
Chia sẻ

Dân số già hóa là một chuyện, Trung Quốc còn muốn thâu tóm dây chuyền sản xuất những sản phẩm tinh vi, cao cấp hơn nhờ robot.

Năm vừa qua, số lượng robot Trung Quốc triển khai lắp đặt trong các nhà máy nhiều bằng cả thế giới gộp lại.

Theo thống kê của Liên đoàn Robot học Quốc tế (IFR, viết tắt của International Federation of Robotics), số lượng robot công nghiệp được giao tới Trung Quốc tăng 45% trong năm 2021 so với năm 2020. Các robot này là những thiết bị đa ứng dụng có thể lập trình, chuyên dùng để tự động hóa sản xuất ô tô, thiết bị điện, phụ tùng nhựa và kim loại.

Cứ 10 nhân công thì bị thay thế bằng 1 robot, vì sao Trung Quốc làm vậy dù giá lao động rất rẻ? - Ảnh 1.

Thống kê từ Wall Street Journal

Trung Quốc lấy robot từ đâu?

Trung Quốc chủ yếu nhập robot từ Nhật Bản, một trong những nơi sản xuất robot công nghiệp quy mô nhất thế giới. Một số đối tác thường xuyên của các nhà máy Trung Quốc có thể kể đến là tập đoàn Yaskawa, công ty FANUC và Kawasaki Robotics. Ngoài ra cũng có một vài công ty ở châu Âu tham gia vào chuỗi cung ứng này.

Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tự lực. Các dữ liệu cho thấy tỉ lệ robot sản xuất và lắp đặt nội địa đang tăng lên theo từng năm. Chính phủ Trung Quốc cũng tỏ ra rất ưu ái với ngành này.

Một robot có thể thay thế bao nhiêu người?

Các robot công nghiệp Trung Quốc sử dụng bao gồm các loại máy móc lớn có khả năng hàn, cắt, nhấc tải vật nặng, và cả các loại máy móc chính xác. Tất cả đều đa ứng dụng, khá tinh vi và có thể lập trình nên sử dụng được ở nhiều nơi khác nhau. Một con robot có thể thay thế từ một vài đến cả chục công nhân.

Cứ 10 nhân công thì bị thay thế bằng 1 robot, vì sao Trung Quốc làm vậy dù giá lao động rất rẻ? - Ảnh 2.

Công nhân cần trình độ cao để làm việc phối hợp với robot. Ảnh: Wall Street Journal

XCMG là một công ty sản xuất máy móc hạng nặng thuộc sở hữu nhà nước tại Giang Tô, Trung Quốc. Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất máy xúc lật của nhà máy này đã dùng một robot để thay thế công việc của cả mười người.

Vì sao Trung Quốc lại đầu tư vào robot công nghiệp?

Những máy móc tinh vi, hiện đại này hẳn sẽ rất đắt tiền, trong khi giá nhân công ở Trung Quốc thường rẻ có tiếng. Tại sao họ vẫn chọn đầu tư vào robot?

Trước đây thì đúng là vậy, một doanh nghiệp có thể mở nhà máy, thuê vài nghìn nhân công, trả lương bèo bọt mà vẫn không thiếu người xếp hàng chờ xin việc.

Tình hình ở Trung Quốc nay đã thay đổi do dân số già đi, lực lượng lao động ngày một hạn hẹp, số người muốn đi làm việc chân tay ngày càng ít. Các công ty đang vật lộn tìm nhân lực và trả lương cao hơn để người ta chịu chuyển đến nhà máy ở và làm việc. Robot bỗng dưng trở thành khoản đầu tư tuyệt vời. Vốn ban đầu có thể khiến người ta ngần ngại nhưng chỉ vài năm sau sẽ thấy rõ được mất.

Mặc dù vậy, các nhà máy vẫn phải tuyển một số nhân lực trình độ cao với mức lương tốt để thực hiện các công việc phức tạp hơn như sửa chữa hay phối hợp với robot. Việc sử dụng robot trong nhà máy được cho là chưa chắc đã gây ra làn sóng thất nghiệp ở Trung Quốc.

Cứ 10 nhân công thì bị thay thế bằng 1 robot, vì sao Trung Quốc làm vậy dù giá lao động rất rẻ? - Ảnh 3.

Dân số Trung Quốc ngày một già hóa, thống kê của CGTN, Trung Quốc

Mật độ robot tính trên mười nghìn công nhân trong một dây chuyền sản xuất ở các nền kinh tế hiện đại như Mỹ, Nhật, Hàn và Singapore vẫn cao hơn hẳn Trung Quốc. Đất nước tỉ dân này đang gấp rút chạy đua để không chỉ dừng lại ở việc tự định hình là "công xưởng làm thuê giá rẻ" của thế giới, mà còn để thâu tóm quy trình sản xuất của những sản phẩm công nghiệp tinh tế, phức tạp hơn.

Ngoài ra, còn một lý do ngắn hạn xuất phát từ đại dịch COVID-19. Trong mấy năm qua, người dân phải giãn cách xã hội hoặc làm việc từ nhà. Do thiếu nhân công nên các nhà máy ở Trung Quốc phải khai thác triệt để các loại máy móc để bù đắp. Nhờ đó, họ vẫn có thể duy trì sản xuất và vận hành một cách bình thường trong mùa dịch.

Có điều gì thế giới nên lo ngại?

Việc Trung Quốc gấp rút triển khai sử dụng robot công nghiệp dấy lên lo ngại về tình trạng lạm phát đang tiếp diễn.

Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã đóng góp lực lượng lao động giá rẻ cho thị trường quốc tế, phần nào giúp kìm hãm lạm phát toàn cầu. Nhưng với việc sử dụng robot trên quy mô lớn như thế này, liệu giá lao động và sản phẩm có tăng lên và khiến lạm phát toàn cầu tồi tệ hơn?

Người ta sẽ còn phải quan sát một vài năm nữa để có câu trả lời xác đáng.

Tham khảo từ: Wall Street Journal

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày