Kể cả trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Yemen đã đứng trên bờ vực của nạn đói do 5 năm nội chiến và dịch Covid-19 đang khiến tình hình tồi tệ hơn.
Một nước Hồi giáo vào mùa dịch Covid-19. Ảnh: al Jazeera.
Yemen cùng với Syria và Sudan là những quốc gia đối mặt với nhiều nguy cơ nhất liên quan đến vấn đề an ninh lương thực. Lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn virus lây lan đã tác động đến chuỗi nguồn cung nhân đạo cho người dân. Nguồn thu nhập chính của người dân Yemen là do những người Yemen làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia Vùng Vịnh gửi về. Tuy nhiên dịch Covid-19 đang khiến khoản thu nhập này giảm đi đáng kể.
Đại diện khu vực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc Abdessalam Ould Ahmed nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng Yemen một lần nữa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất, đối mặt với nhiều thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Điều này đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc y tế vốn đã quá tải. Ngoài ra Covid-19 cũng ảnh hưởng đến người dân, hoạt động vận chuyển hàng hóa và tác động đến khả năng hỗ trợ của Liên Hợp Quốc cho người dân”.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết cần phải chuẩn bị cho những viễn cảnh xấu nhất và Liên Hợp Quốc đang nỗ lực để ngăn chặn kịch bản này xảy ra.
Theo chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen, có 128 trường hợp nhiễm Covid-19 tại quốc gia này với 20 người tử vong tại những khu vực do chính phủ kiểm soát.
Nhóm vũ trang Houthi, kiểm soát phần lớn các khu vực thành thị, thông báo 2 trường hợp nhiễm với 1 người tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, số trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 tại Yemen có thể cao hơn con số thông báo do năng lực xét nghiệm hạn chế, đặt gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đã suy kiệt do xung đột./.