Covid-19 có thể không lây nhiễm cho tất cả, nhưng để lại những con người bị quên lãng tới chết

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 23/11/2020

Cái chết đáng sợ nhất là khi con người ta bị quên lãng. Và nó đang xảy ra giữa đại dịch Covid-19 tại Mỹ.

Khi Covid-19 tấn công vào nhà dưỡng lão của Donald Wallace, ông là một trong những người may mắn không nhiễm bệnh. Dẫu vậy, ông vẫn qua đời, với một cái chết còn đáng sợ hơn thế.

Là một con người vui vẻ và lạc quan trước khi xảy ra đại dịch, người tài xế xe tải 75 tuổi đã về hưu tại Alabama sau đó sụt đến gần 45kg, suy dinh dưỡng và mất nước trầm trọng. Ông sốt cao vì nhiễm trùng đường tiết niệu mà không được điều trị, trong khi khuẩn E. coli được tìm thấy trong phân cho thấy tình trạng vệ sinh cũng không ổn một chút nào.

"Bố thậm chí còn chẳng thể dựng đầu lên, vì cơ thể đã quá yếu," - con trai ông Wallace, Kevin Amerson cho biết. "Họ đã ngưng chăm sóc ông ấy. Ông đã bị bỏ rơi."

Covid-19 có thể không lây nhiễm cho tất cả, nhưng để lại những con người bị quên lãng tới chết - Ảnh 1.

Những con người bị lãng quên đến chết

Mỹ có hơn 90.000 người tại các viện dưỡng lão đã chết vì đại dịch, và con số ấy đẩy các nhân viên ở đó tới giới hạn. Bên cạnh các trường hợp tử vong vì Covid-19, một số nhà hoạt động cho biết có tới hàng vạn người khác tử vong một cách thầm lặng, chủ yếu là vì nhân viên bị quá tải và không thể chăm sóc cho họ thêm nữa.

Trung tâm giám sát viện dưỡng lão giờ ngập tràn các báo cáo về việc người già sống trong điều kiện quá tồi tệ. Chẳng hạn, có người phải dùng tã bẩn lâu đến mức da bong tróc, lở loét đến tận xương, hoặc bị bỏ mặc trong đói khát. Hơn nữa, có những trường hợp qua đời vì rơi vào trạng thái tuyệt vọng sau khi bị cách ly xã hội quá lâu.

Phân tích từ các chuyên gia trên 15.000 cơ sở dưỡng lão cho thấy, cứ 2 nạn nhân của Covid-19 ở đó lại có 1 người tử vong vì nguyên nhân khác. Đó là những cái chết vượt quá tỉ lệ thông thường, có thể lên tới trên 40.000 kể từ tháng 3/2020. Nó cao hơn khoảng 15% so với hàng chục ngàn cái chết họ phải đối mặt mỗi tháng hồi trước đại dịch.

Covid-19 có thể không lây nhiễm cho tất cả, nhưng để lại những con người bị quên lãng tới chết - Ảnh 2.

"Hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã vận hành ở mức tối đa, do đó nếu có khủng hoảng, chúng ta không thể tải nổi," - trích lời Stephen Kaye, giáo sư tại ĐH California, San Francisco. "Không có đủ nhân lực để chăm sóc cư dân tại đó."

Kaye cho biết, khi so sánh tỉ lệ tử vong vì Covid-19 với những người bị lãng quên, ông nhận ra rằng khi virus càng tấn công mạnh mẽ, số người chết vì những nguyên nhân khác càng tăng thêm. Tại một số nhà dưỡng lão với tỉ lệ 3:10 người nhiễm virus, mức độ tử vong vì các nguyên nhân bên lề cũng tăng lên gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch.

Điều này cho thấy, việc chăm sóc cho những người không nhiễm virus đã bị ảnh hưởng trầm trọng. Có thể vì bận chăm lo cho người nhiễm bệnh, hoặc do chính các nhân viên cũng bị nhiễm. Nhìn chung, dù không nhiễm bệnh, nhiều người đã thực sự bị bỏ rơi tới chết.

Một hệ thống kiệt quệ và sự thật bị chối bỏ

Việc thiếu hụt nhân viên tại các nhà dưỡng lão đã là vấn đề hết sức nổi bật kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công vào nước Mỹ. Một số nơi thậm chí buộc phải di tản, bởi có quá nhiều nhân viên dương tính với virus corona. Trong số 20 tiểu bang có ổ dịch lớn, số liệu cho thấy tỉ lệ 1:4 nhà dưỡng lão rơi vào tình trạng này.

Dawn Best là người đã tận mắt chứng kiến hiện thực ấy kinh khủng như thế nào tại Long Island (New York). Trước dịch Covid-19, cô rất hài lòng với dịch vụ chăm sóc cho người mẹ 83 tuổi - Carolyn Best tại nhà dưỡng lão Gurwin Jewish. Nhưng sau lệnh phong tỏa và virus bắt đầu chạm đến đây, Best nhận ra rằng các nhân viên không thể cáng đáng nổi.

Covid-19 có thể không lây nhiễm cho tất cả, nhưng để lại những con người bị quên lãng tới chết - Ảnh 3.

Covid-19 không phải là thứ duy nhất khiến các nhà dưỡng lão trở nên kiệt quệ

Trong lần gọi FaceTime thứ 2 để kiểm tra tình hình, mẹ cô trông tệ một cách kinh khủng. Mắt bà nhắm nghiền, miệng rên rỉ chữ "không", tay không thể giơ lên quá đầu. Cô lập tức thúc giục các bác sĩ tới kiểm tra. Và vài giờ sau, họ gọi lại và bảo rằng bà chỉ còn ít phút để nói lời trăng trối thôi.

Cuối cùng, có 59 cư dân tại Gurwin chết vì virus, nhưng bà Carolyn thì không. Bà qua đời vì mất nước, bởi các nhân viên quá bận rộn chăm lo cho bệnh nhân Covid-19 mà quên mất rằng bà cần được uống nước đầy đủ.

"Từ một người nhận được sự chăm sóc cực tốt đến lúc qua đời, tất cả chỉ diễn ra trong 3 tuần," - Best cho biết. "Mọi thứ thay đổi nhanh đến mức chẳng ai tưởng tượng nổi."

Covid-19 có thể không lây nhiễm cho tất cả, nhưng để lại những con người bị quên lãng tới chết - Ảnh 4.

Tuy nhiên, những người đứng đầu tại các viện dưỡng lão lại không thừa nhận sự thật này. Người phát ngôn của Trung tâm Y tế và Phục hồi West Hill ở Birmingham (Alabama), nơi ông Wallace từng sống trước khi tử vong ngày 29/8, cho biết ông được chăm sóc bằng sự tận tuỵ cao nhất. Trong khi đó, con trai ông lại đưa ra được các tài liệu y tế về sức khỏe của cha.

Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ cũng bác bỏ chuyện nhân viên không đủ khả năng chăm sóc cư dân cao tuổi, đồng thời khẳng định những ước tính về việc có hàng chục ngàn người chết vì nguyên nhân không phải Covid-19 chỉ là "đồn đoán" mà thôi.

Câu chuyện đau lòng

Tháng 6/2020, khi June Linnertz đến thăm cha - James Gill - tại nhà dưỡng lão Cherrywood Pointe (Plymouth, Minnesota) sau 3 tháng, cô như bị đánh quỵ bởi luồng khí nóng tạt vào người. Nhiệt kế trên tường chỉ mốc 29 độ C. Tấm ga trải giường của cha cô đẫm mồ hôi, tóc bết trong khi người bầm tím do bị ngã nhiều lần. Móng tay ông dài không ai cắt, trong khi mắt nhiều gỉ đến mức không thể mở ra.

Covid-19 có thể không lây nhiễm cho tất cả, nhưng để lại những con người bị quên lãng tới chết - Ảnh 5.

Ông James Gill tại nhà dưỡng lão Cherrywood Pointe

Ông Gill đã 78 tuổi, liên tục gào thét cho rằng mình đã bị mù. Linnertz thay tã cho cha và nhận ra tấm tã ấy nhuốm máu, lớp da bên trong bong tróc, trượt hẳn ra.

2 ngày sau, ông Gill qua đời vì chứng Mất trí nhớ thể Lewy - giấy chứng tử ghi nhận. Linnertz từ lâu đã nghĩ cha sẽ khó qua khỏi, nhưng không phải là một cái chết quá đau đớn như vậy.

Ebenezer - công ty mẹ của cơ sở dưỡng lão cho biết: "Chúng tôi phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cư dân," đồng thời cho rằng các nhân viên đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định đúng với pháp luật. Tuy nhiên Chery Hennen - thanh tra viên chia sẻ bà đã nhận được rất nhiều khiếu nại về việc người cao tuổi bị mất nước, sút cân trong tình trạng nằm liệt giường.

Dorothy Ann Carlone cũng phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng xảy ra với Maxine Schwartz - người mẹ 92 tuổi của mình. Bà đã tử vong tại nhà dưỡng lão Absolut Care (New York). Trước khi lệnh phong tỏa bắt đầu vào ngày 13/3, Carlone vẫn cùng mẹ dùng bữa, đi dạo và ca hát mỗi ngày. Nhưng khi lệnh phong tỏa bắt đầu, cô đã sợ rằng mọi chuyện sẽ không còn ổn nữa.

"Nếu không để tôi cho bà ăn, bà sẽ không ăn đâu. Mẹ sẽ chết đói mất," - Carlone nhớ lại mình đã khẩn khoản cầu xin như thế nào với nhân viên chăm sóc. Ngày 25/3, các nhân viên nhà dưỡng lão gửi ảnh mẹ cho Carlone, và cô đã bị sốc khi thấy mẹ gầy đi như thế nào. Họ bảo rằng mẹ cô không ăn uống gì, thậm chí là những món ưa thích nhất.

2 ngày sau, Carlone nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ nhà dưỡng lão. Khi tới nơi, Carlone thấy da mẹ như bợt đi, hơi thở gấp gáp, mặt hốc hác tới mức không thể nhận ra. Chỉ sau đó 1h, bà ra đi mãi mãi.

Dawn Harsch - phát ngôn viên của công ty sở hữu Absolut Care thông báo quá trình điều tra không tìm ra sai sót gì, đồng thời cho rằng việc bà Schwartz qua đời chỉ là một tiến trình tự nhiên.

Nhưng Carlone, cô không chấp nhận điều đó. "Bà vẫn rất ổn trước khi chúng tôi bị chia tách. Bà sẽ nghĩ gì khi tôi không tới nữa? Tôi đã bỏ rơi bà? Hay tôi đã chết?"

"Tôi nghĩ, mẹ đã bỏ cuộc rồi," - cô cảm thán.

Nguồn: AP

Covid-19 có thể không lây nhiễm cho tất cả, nhưng để lại những con người bị quên lãng tới chết - Ảnh 6.