Nghiên cứu này cũng cho thấy virus lây lan qua khí dung - các giọt bắn chứa virus lơ lửng trong không khí và chúng ta có thể hít phải chúng, vốn có thể lây lan do hoạt động của điều hòa cũng như việc mở hoặc đóng cửa nhà, cửa sổ.
Do đó, việc kiểm tra hệ thống không khí lưu thông ở các phòng cách ly bệnh nhân Covid-19 cũng như việc khử khuẩn những khu vực này nên được tăng cường thực hiện.
Nghiên cứu trên được công bố ngày 20/8 trên tuần báo của CDC Trung Quốc - một nền tảng học thuật do Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) thành lập. Nghiên cứu này được đóng góp chung bởi các nhà nghiên cứu CDC Trung Quốc và các nhân viên kiểm soát dịch bệnh địa phương ở tỉnh Quảng Đông.
Hồi tháng 5, một bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông bị nghi ngờ đã mắc Covid-19 qua các giọt khí dung từ một bệnh nhân khác, người ở một tòa nhà khác trong cùng một bệnh viện. Cả hai đều là những hành khách đến từ nước ngoài.
Trước khi được chẩn đoán, 2 bệnh nhân này ở 2 tòa nhà riêng biệt, cách nhau khoảng 50cm và có cùng trần nhà bên ngoài.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm tại bệnh viện. Họ sử dụng các hạt vi cầu (microsphere) huỳnh quang để tái tạo mô hình và quan sát sự khuếch tán của các phân tử khí dung trong không khí, rồi sau đó xác định con đường lây nhiễm của chúng.
Kết quả thí nghiệm cho thấy hoạt động của các máy điều hòa, việc đóng và mở cửa nhà, cửa sổ, cũng như các hoạt động thường ngày của con người đều có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của các hạt khí dung giữa các tòa nhà ở gần nhau.
"Hệ thống thông gió càng hoạt động tốt thì sự lây nhiễm diễn ra càng nhanh", báo cáo này kết luận.
Những phát hiện trên đã cho thấy cần duy trì một khoảng cách phù hợp giữa các phòng cách ly và các khu vực của bệnh nhân ngoại trú tại bệnh viện.
Ngoài ra, hệ thống không khí trong các phòng cách ly nên được kiểm tra và tăng cường áp dụng các biện pháp khử khuẩn nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus qua khí dung./.