Covid 19: Chiến thắng "không tưởng" ở khu ổ chuột gần 1 triệu dân

Kiều Anh, Theo VOV 22:29 25/06/2020

Thành công chống Covid-19 ở 1 trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á đã để lại những kinh nghiệm quý giá trong việc ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Chiến thắng "không tưởng"

Khi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Dharavi, khu ổ chuột chỉ rộng hơn 2,5 km vuông với gần 1 triệu người sinh sống tại Ấn Độ, các nhà dịch tễ học đã lo ngại rằng, dịch bệnh sẽ vượt tầm kiểm soát bởi giãn cách xã hội dường như là điều bất khả thi ở đây.

Covid 19: Chiến thắng không tưởng ở khu ổ chuột gần 1 triệu dân - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế kiểm tra miễn phí cho người dân ở Dharavi, Ấn Độ. Ảnh: AP

Tuy nhiên, 3 tháng sau, các nhà chức trách ở Mumbai đã chứng kiến một điều kỳ diệu hay ít nhất là một kết quả không ai nghĩ đến.

Sau khi ghi nhận số ca mắc kỷ lục với 491 trường hợp vào tháng 4 và 1.216 ca vào tháng 5, Dharavi chỉ ghi nhận 274 ca mắc mới và 8 ca tử vong trong 2 tuần tháng 6. Các nhà dịch tễ học nhận định rằng một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á này đã kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 thậm chí ngay giữa lúc những nơi khác ở Mumbai cũng như Ấn Độ chứng kiến sự gia tăng của các ca mắc mới.

Làm thế nào điều này xảy ra? Câu chuyện về cuộc chiến chống Covid-19 ở Dharavi đã trở thành bài học về cách đối phó với dịch bệnh cho những khu vực đói nghèo và có mật độ dân số cao trên thế giới.

Ramanan Laxminarayan, người sáng lập CDDEP (Center for Disease Dynamics, Economics & Policy) ở Washington nhận định: "Dharavi đã tiến hành rất tốt việc theo dõi tiếp xúc cùng với các biện pháp cách ly. Có thể không gian chật hẹp giúp mức độ hợp tác ở đây cao hơn so với những nơi khác nhưng vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng".

Dharavi ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19 và 79 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với phần còn lại của Mumbai - một siêu đô thị với khoảng 20 triệu dân sinh sống hiện là tâm chấn dịch bệnh tại Ấn Độ.

Sự khởi đầu quan trọng

Dịch Covid-19 đã khiến hệ thống y tế công cộng ở Mumbai bị quá tải và dẫn đến một số bệnh viện phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Từ khi ca mắc đầu tiên ở Dharavi được phát hiện ngày 1/4 là một chủ cửa hàng quần áo 56 tuổi, người đã tử vong ngay trong ngày hôm đó, các nhà chức trách thành phố đã tập trung vào 5 khu vực mà họ cho là có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao do xuất hiện các ca mắc mới và liên quan đến lịch sử tiếp xúc của các bệnh nhân. Thành phố cũng cử 2.450 nhân viên y tế đến Dharavi.

Hầu hết các bệnh viện tư nhân ở Mumbai đều phải đóng cửa do thiếu các trang thiết bị bảo hộ. Tuy nhiên, tại Dharavi, thành phố này đã tập hợp được các nhóm bác sĩ tư nhân, trong đó bao gồm những người chuyên chăm sóc y tế có quan hệ lâu dài với các bệnh nhân của họ, trong đó bao gồm cả các lao động di cư và các chủ cửa hàng.

"Thay vì để mọi người báo cáo, chúng tôi bắt đầu theo dõi đường đi của virus", Kiran Dighavkar, trợ lý ủy viên khu vực Mumbai, bao gồm cả Dharavi nhận định.

Khoảng 100.000 lao động di cư và gia đình họ đã rời Dharavi sau khi có lệnh phong tỏa toàn quốc, phần nào làm giảm quy mô dân số ở đây. Trong tuần thứ 2 của tháng 4, các nhà chức trách và các bác sĩ tư nhân đã kiểm tra cho 47.500 người ở các khu vực có nguy cơ cao. Trong số những người có triệu chứng, 20% được phát hiện mắc Covid-19 và ngay lập tức được cách ly.

"Điều đó đã cho chúng tôi một khởi đầu quan trọng. Nếu những trường hợp này bị bỏ qua, chúng tôi sẽ đối mặt với rắc rối lớn", Anil Pachanekar, một bác sĩ tư nhân đồng thời là người đứng đầu Hiệp hội bác sĩ ở một địa phương cho hay.

Các nhà chức trách trong thành phố cũng chuyển đổi các trường học, trung tâm hội nghị thành các cơ sở cách ly tiến hành kiểm tra hàng ngày và xét nghiệm miễn phí cho người dân.

Ngoài ra, người dân cũng được tuyên truyền rằng việc mắc Covid-19 không phải là tội phạm, vì thế, họ sẽ không còn lo lắng và sẵn sàng thông báo về các triệu chứng của mình.

Khi ai đó mắc Covid-19, các nhà chức trách sẽ phong tỏa nhà và khu vực xung quanh nơi sinh sống của người đó. Các "chiến binh Covid-19" là những tình nguyện viên đảm bảo rằng các khu vực bị phong tỏa nhận được lương thực và thuốc men cần thiết.

"Chúng tôi cũng kiểm tra xem liệu các nhà vệ sinh công cộng có được vệ sinh đúng cách hay không", Simon Raja, một nhân viên xã hội cho hay.

Mặc dù Ấn Độ đã dừng lệnh phong tỏa nhưng các nhà chức trách cảnh báo cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Việc mùa mưa hàng năm bắt đầu diễn ra tạo nên những thách thức mới, trong đó có nguy cơ bùng phát dịch sởi và sốt rét có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải. Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có thể được duy trì hay không.

"Xét nghiệm, theo dõi, ngăn chặn lây lan và lặp lại những điều này" đã trở thành chìa khóa cho thành công của Dharavi.

Dighavkar cho biết việc kiểm tra miễn phí và các trung tâm cách ly vẫn sẽ được duy trì. Ông cũng bày tỏ rằng ông ít lo ngại về số ca mắc gia tăng hơn là việc xác định các ca mắc từ ban đầu.

"Chúng ta nên tập trung vào việc điều trị và tỷ lệ tử vong chứ không phải số lượng các ca mắc. Tôi không hỏi các nhân viên của mình rằng có bao nhiêu người dương tính ngày hôm nay. Tôi chỉ hỏi họ liệu ngày hôm nay có ai tử vong không"./.