Anh Erik Blutinger, một bác sĩ đang công tác trong một bệnh viện tuyến đầu chống dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) tại thành phố New York, Mỹ, đã ghi lại và chia sẻ những hình ảnh trên "chiến trường" cho thấy những khó khăn mà cả các nhân viên y tế và bệnh nhân đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng này.
Theo lời bác sĩ Blutinger chia sẻ ngay tại hiện trường: "Tình hình hiện tại thực sự khủng hoảng. Những người đứng đợi trong những hành lang kia đều dương tính với virus corona. Tất cả những gì bạn có thể nghe thấy ở đây chỉ toàn là tiếng máy thở".
Âm thanh ám ảnh bên trong một bệnh viện thuộc tuyến đầu chống COVID-19 ở New York
Được biết, anh Blutinger chưa phải là nhân viên chính thức, mà mới tham gia công việc tại bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York được khoảng 1 năm trong vai trò bác sĩ nội trú ở khoa cấp cứu.
Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Mỹ khiến thành phố New York trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nước này, bác sĩ Blutinger cũng đã tham gia vào cuộc chiến chống dịch cùng các đồng nghiệp của mình.
Sau đây là những lời chia sẻ (lược dịch) trong nhật ký chống dịch của bác sĩ Blutinger, được đăng tải trên trang ITV.
"So với vụ khủng bố ngày 11/9, thì [đại dịch này] thế nào ạ?" - một bệnh nhân trẻ với đôi mắt lờ đờ vì suy hô hấp hỏi tôi, mong muốn tìm kiếm hy vọng trong câu trả lời của tôi.
Tôi là một bác sĩ đang công tác tại New York, vùng tâm dịch COVID-19 ở Mỹ.
Mỗi ca trực của chúng tôi đều là cuộc chiến không ngừng nghỉ để chống lại một "kẻ địch" vô hình. "Kẻ địch" của chúng tôi khiến các bệnh nhân phải nhập viên trên cáng, với nhịp thở nặng nhọc, cô độc và không có người thân thích bên cạnh.
Người thân và bạn bè của bệnh nhân đều không được phép bước vào bệnh viện, và nếu ra đi, các bệnh nhân COVID-19 sẽ phải ra đi một mình.
Ngày 11/9/2001, thành phố New York bị khủng bố tấn công, và khi ấy người dân New York cũng có một kẻ thù chung sau khi chứng kiến gần 3.000 người thiệt mạng khi tòa Tháp đôi sụp xuống.
19 năm sau, một lần nữa thành phố New York và nước Mỹ lại phải đối mặt với một "kẻ địch" - một loại virus nguy hiểm đã khiến hơn 22.000 người thiệt mạng tại Mỹ, trong đó bao gồm hơn 10.000 ca tử vong tại New York (vào thời điểm tác giả viết bài).
Trên toàn cầu, số ca tử vong đã vượt mốc 100.000 người, và cả thế giới đang tê liệt vì nỗi sợ hãi khi chúng ta đang sống trong những ngày tưởng chừng chỉ có thể thấy trong những bộ phim bom tấn Hollywood.
Bây giờ, bạn hãy tưởng tượng rằng những đòn tấn công của "kẻ địch" được tung ra liên tiếp và dồn dập, và bạn phải chống đỡ mỗi giờ, mỗi ngày, trong nhiều tuần mà vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến này sắp kết thúc.
Đây chính là hiện thực mới.
Bác sĩ Blutinger. Ảnh: ITV
Những đường phố tấp nập của Manhattan trở nên vắng lặng, thế nhưng trong bệnh viện của chúng tôi, giường bệnh, máy thở, bình oxy lại tràn ra tận ngoài hành lang.
Những ngày này, chúng tôi khó mà đi được theo đường thẳng từ đầu đến cuối hành lang.
Các bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện của chúng tôi thường phải nằm ở ngoài hành lang như vậy trong vài ngày trước khi có giường trống trong phòng cấp cứu.
Mặc dù cổng bệnh viện chẳng tập trung nhiều người, nhưng các phòng cấp cứu tại New York đều đang quá tải với số bệnh nhân chúng tôi đã tiếp nhận.
Tại New York, chúng tôi có lẽ sắp chứng kiến khoảnh khắc "Trân Châu Cảng" rồi.
Thay vì nạp đạn cho những khẩu súng trường, chúng tôi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, khẩu trang và kính bảo hộ.
Trong tâm trí, chúng tôi cố gắng nhớ lại một cách tuyệt vọng xem bàn tay mình, bộ đồ bảo hộ của mình đã chạm vào những đâu, và vấn đề phơi nhiễm bệnh không còn là "nếu như", mà đã trở thành "khi nào".
Tiếng máy thở bao trùm khoa cấp cứu.
Trong khi đó, hệ thống phát thanh của bệnh viện liên tục gọi "mã 99" - mã số của các bệnh nhân bị ngưng tim.
Mặc dù số ca nhiễm bệnh có vẻ đã giảm xuống đôi chút trong tuần này, nhưng vẫn có rất nhiều bệnh nhân được chuyển đến khoa của chúng tôi.
Các bệnh nhân nhập viện chưa chắc đã có máy thở, do hệ thống y tế của Mỹ đã trở nên quá tải.
Thực tế, một số bệnh viện thậm chí đã phải mượn máy thở từ các bệnh viện thú y, và nhu cầu về máy thở sẽ chỉ tăng lên, chứ không giảm xuống trong những tuần tới.
Ảnh: ITV
Mặc dù sợ hãi là tâm lý không thể tránh khỏi, chúng tôi vẫn ngẩng cao đầu và trông đợi vào những tín hiệu đáng khích lệ.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân hồi phục và xuất viện, chỉ riêng bang New York đã có 4.200 trường hợp như vậy.
Ngày càng có thêm những "người sống sót", bao gồm một cựu chiến binh 104 tuổi vừa hồi phục kịp thời trước ngày sinh nhật của mình (và hy vọng là cả chú hổ ở Bronx cũng sẽ được chữa khỏi).
Những tín hiệu tích cực ấy đã tiếp thêm động lực để các nhân viên y tế tiếp tục chiến đấu chống lại dịch bệnh bằng chuyên môn của mình.
Đây chính là lúc chúng ta cần hành động, vượt lên mọi nhu cầu cá nhân để bảo vệ đất nước.