Ranh giới giữa “xuề xòa” và “giản dị” đôi khi rất mong manh, cũng rất khó để phân biệt, vì còn tùy vào từng hoàn cảnh. Một bộ đồ cũ có vài vết rách mà mình chỉ mặc ở nhà, chẳng ai thấy, đó có thể coi là giản dị. Nhưng vẫn bộ đồ ấy mà mặc đi làm, chắc chắn sẽ thành ra xuề xòa.
Đương nhiên, đó chỉ là một ví dụ để bạn hình dung được ranh giới giữa “xuề xòa” và “giản dị”, chứ hiếm có ai mặc đồ rách ra đường hay đi làm. Tuy nhiên, một bộ phận Gen Z cũng đang dùng cách gần như tương tự để “đối phó” với vấn đề mài mặt đi làm nhưng lương chẳng đủ sống.
Dạo gần đây, các nền tảng MXH ở Trung Quốc bỗng xuất hiện một xu hướng mới: Thay vì đăng những tấm ảnh #ootd chỉn chu khi đi làm, hội nhân viên văn phòng lại khoe trang phục có phần “giản dị quá đỗi”. Những bộ đồ trong các bài đăng này thường là đồ ngủ bên trong cùng 1 chiếc áo len, áo khoác rộng bên ngoài.
Không cần đầu tư tiền bạc cho trang phục đi làm nữa, thay vào đó, cứ có gì mặc nấy. Những bạn trẻ tham gia trào lưu này coi đây là một “sự bình thường mới”.
Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng đây là hoạt động phản ánh cuộc “nổi loạn” của thế hệ nhân sự trẻ, nhằm chống lại các quy tắc cứng nhắc về vấn đề trang phục chốn công sở; hoặc cũng có thể là một phản ứng ngầm với mức lương không đủ sống.
Bộ từ khóa và hashtag #grossoutfitsatwork (Gross outfit at work - Tạm dịch: Mặc xuề xòa đi làm) đã và đang lọt top xu hướng trên 2 nền tảng MXH lớn nhất ở Trung Quốc, là Douyin và Xiaohongshu.
Trong một video đã lọt top xu hướng trên Douyin, một người dùng đã quay ngẫu nhiên 5 người đồng nghiệp của mình và cả 5 người đều ăn vận xuề xòa như nhau: Đi dép bông, mặc áo phông, quần pyjama kẻ sọc và áo khoác ngoài.
Khi được hỏi bạn có ngại khi mặc như thế này đi làm hay không, một người đã vừa cười vừa trả lời: “Sếp của tôi cũng có góp ý nhưng thú thật, tôi không quan tâm” .
Trong một video khác, một cô gái lại khẳng định việc ăn mặc thoải mái đi làm có rất nhiều lợi ích.
“Tôi có thể leo lên giường và đi ngủ ngay khi từ công ty trở về nhà, chỉ cần lột cái khoác bên ngoài ra là xong. Về cơ bản, có lẽ tôi đã đạt đến trạng thái mà đến văn phòng làm việc cũng giống như ở nhà, và ngược lại”.
Công ty tư vấn hướng nghiệp Red Ant Asia cho biết thế hệ trẻ ở Trung Quốc đang dùng MXH để chia sẻ cảm xúc của họ về mọi thứ trong cuộc sống, bao gồm cả chuyện đi làm từ 9h sáng đến 5h chiều.
Khảo sát của Red Ant Asia cho thấy những chia sẻ xoay quanh chủ đề đời sống công sở thường là cảm giác uể oải sau 1 ngày làm việc dài. Đây được cho là nguyên nhân của xu hướng “mặc đồ ngủ đi làm” của giới trẻ xứ Trung.
Nhiều người đã chia sẻ trên MXH rằng họ sẽ không mặc những bộ trang phục đẹp đẽ, chỉn chu mà họ vô cùng yêu thích để đi làm, vì họ không muốn bộ đồ của mình bị nhuốm màu mệt mỏi cùng những cảm xúc tiêu cực ở chốn công sở. Đồ đẹp là phải mặc tới những nơi thú vị, tràn ngập niềm vui chứ không phải mặc đi làm.
Candise Lin - Nhà sáng tạo nội dung, chuyên khám phá các xu hướng văn hóa ở Trung Quốc, đã phân tích xu hướng lan truyền này trong một video gần đây. Cô lấy ví dụ về một blogger nói rằng họ chỉ mặc quần áo có lỗ thủng khi đi làm để phản ánh "công việc tồi tệ và mức lương tồi tàn" của họ.
Lin nói: “Cư dân mạng Trung Quốc cho biết những bộ trang phục te tua này là cách họ thể hiện sự kiệt sức và chán nản vì phải làm những công việc “trăm ngày như một”, với mức lương bèo bọt”.
Điều bất ngờ chính là những người thường xuyên mặc đồ ngủ đi làm lại là những người không ngại trưng diện và “lên đồ cực chất” trong các hoạt động đời sống khác. Đây là lời khẳng định của Jack Porteous - Chuyên viên nghiên cứu tại TONG Global, sau khi tìm hiểu xu hướng văn hóa của giới trẻ Trung Quốc.
“Trang phục đi làm đối nghịch hoàn toàn với trang phục đi chơi, đi ăn hay đi dự tiệc là cách mà giới trẻ đang làm nổi bật sự khác biệt giữa cuộc sống cá nhân và cuộc sống chốn công sở của mình. Mặc những bộ trang phục xuề xòa đi làm có lẽ là cách duy nhất mà thế hệ nhân sự trẻ có thể làm để thể hiện và giải tỏa những bất bình của mình, mà không cần phải bỏ việc ngay lập tức” - Jack Porteous nói.
Theo BI