Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đồng thời đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan.
Lực lượng cảnh sát khám cửa hàng điện thoại Nhật Cường tại số 33 phố Lý Quốc Sư của ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy (Ảnh: Huy Thanh)
Theo kết luận, Công ty Nhật Cường thành lập năm 2001 và đến năm 2019 có vốn điều lệ 38 tỉ đồng, do Bùi Quang Huy làm Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật. Trong quá trình hoạt động, Nhật Cường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có kinh doanh mua bán điện thoại di động, thiết bị điện tử.
Từ năm 2013 đến năm 2019, Công ty Nhật Cường kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác dưới các hình thức: Nhập mua hàng hóa trong nước có hóa đơn giá trị gia tăng (hàng công ty); mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử mới, có hóa đơn hợp pháp của các nhà cung cấp trong nước (hàng có VAT); nhập mua hàng hóa trong nước không có chứng từ nguồn gốc (không có VAT); mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử của các nhà cung cấp trong nước (hàng trôi nổi, không có VAT); nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp như mua điện thoại di động và các thiết bị điện tử mới và cũ của các nhà cung cấp nước ngoài (hàng nhập lậu) rồi thông qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội để bán.
Kết luận điều tra xác định, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, Nhật Cường đã bán hơn 250.000 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với giá trị hơn hơn 2.927 tỉ đồng của 16 chủ cửa hàng có địa chỉ ở Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)… Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy bỏ ra hơn 72,9 tỉ đồng để vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam phân phối. Từ đó, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỉ đồng.
Về việc vận chuyển được Bùi Quang Huy giao cho Công ty Nhật Cường Quảng Châu (ở Trung Quốc) phụ trách. Điện thoại, hàng điện tử được chuyển từ Hồng Kông (Trung Quốc) về Quảng Châu (Trung Quốc) và từ đó tập kết tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc để nhập cảnh trái phép rồi đưa về kho của Công ty Nhật Cường tại số 39, phố Lý Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Ngoài ra, có số hàng lậu trị giá 307 tỉ đồng được chuyển trực tiếp từ Hồng Kông về cảng Hải Phòng trước khi được giao tới tay Bùi Quang Huy ở Hà Nội.
Đặc biệt, theo kết luận điều tra, Bùi Quang Huy thuê 3 đường dây để đưa hàng lậu qua sân bay Nội Bài. Theo đó, 3 nhóm này do bị can Nguyễn Bảo Trung, Đoàn Mạnh Phong và người tên Yến (chưa rõ lai lịch) cầm đầu.
Từ tháng 1-2016 đến tháng 11-2017, đường dây của Nguyễn Bảo Trung dùng thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan, vận chuyển trót lọt hơn 40.000 sản phẩm (trị giá gần 550 tỉ đồng) từ Hồng Kông về Việt Nam qua Sân bay Nội Bài. Sau phi vụ, Trung được Bùi Quang Huy và đồng phạm thanh toán gần 14 tỉ đồng phí vận chuyển.
Từ cuối năm 2017 đến tháng 9-2018, đường dây do Yến cầm đầu tiếp nhận gần 17.000 loại hàng hóa (trị giá hơn 307 tỉ đồng) của nhà cung cấp tại Hồng Kông để gửi về Việt Nam theo đường hàng không.
Khi hàng về đến sân bay Nội Bài, nhóm của Đoàn Mạnh Phong dùng thủ đoạn lập công ty "ma" để lấy pháp nhân khai báo hải quan bằng mặt hàng khác. Sau đó, nhóm này mở tờ khai hải quan để nhận hàng lậu từ sân bay đưa về trung tâm Hà Nội giao cho Huy và đồng phạm. Sau khi nhận hàng, Huy trả phí vận chuyển cho 2 đường dây này với số tiền hơn 7,9 tỉ đồng.