Trong thông báo đăng trên Facebook ngày 14/3, CEO Mark Zuckerberg cho biết, đợt cắt giảm mới nhất sẽ diễn ra trong một vài tháng tới.
“Chúng tôi dự kiến việc tái cấu trúc và cắt giảm trong các nhóm công nghệ sẽ diễn ra vào cuối tháng 4, sau đó đến các nhóm kinh doanh vào cuối tháng 5”, Zuckerburg viết. Cũng theo thông báo, “một số lượng nhỏ nữa sẽ bị cắt giảm trong thời gian từ tháng 5 đến hết năm để hoàn thành kế hoạch thay đổi”.
“Nhìn chung, chúng tôi dự kiến giảm khoảng 10.000 người, và khoảng 5.000 vị trí bổ sung mà chúng tôi chưa tuyển”, Zuckerburg cho biết.
Tính đến tháng 9/2022, Meta báo cáo tổng số 87.314 nhân sự. Với việc giảm 11.000 vị trí thông báo từ tháng 11 năm ngoái và 10.000 vị trí vừa thông báo, số lượng nhân sự của Meta sẽ giảm xuống còn khoảng 66.000.
Meta không phải hãng công nghệ lớn duy nhất cắt giảm nhân sự trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nỗi lo về suy thoái và nhu cầu giảm sau giai đoạn đại dịch. Trong những tháng đầu năm nay, Amazon, Alphabet và Microsoft đều xác nhận việc cắt giảm ảnh hưởng đến hàng ngàn nhân viên kỹ thuật của họ.
Giá cổ phiếu Meta tăng hơn 4% trong phiên giao dịch sáng 14/3, sau khi có thông báo về kế hoạch giảm nhân sự.
Khi thông báo đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái, Zuckerburg nhận lỗi đã tuyển quá nhiều người trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Meta tăng gần gấp đôi số lượng nhân sự trong thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 9 năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nhu cầu sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số tăng mạnh.
Tuy nhiên, tình hình thay đổi nhanh chóng đối với gã khổng lồ mạng xã hội này và các hãng công nghệ khác, sau khi đại dịch giảm dần và mọi người quay lại cuộc sống bình thường. Hoạt động kinh doanh lõi của Meta cũng chịu tác động sau khi Apple triển khai chính sách thay đổi quyền riêng tư và các hãng quảng cáo siết hầu bao trong nỗi lo suy thoái.
Báo cáo lợi nhuận quý gần đây nhất cho thấy doanh thu của Meta giảm mạnh và liên tục 3 quý. Tuy nhiên, Zuckerburg hứa hẹn với các nhà đầu tư rằng 2023 sẽ là “năm hiệu quả” của công ty, sau khi đã đầu tư mạnh vào tăng trưởng và phát triển một phiên bản hấp dẫn hơn của internet mang tên metaverse.
Nguồn: CNN