Giày dép hay sneakers nói chung đã trở thành một phần không thể thiếu của giới trẻ ngày nay.
Cũng như bất cứ thú chơi hay đam mê nào khác, sneakers cũng có cộng đồng riêng của nó. Không thiếu những bạn trẻ luôn vỗ ngực nói sneakers là đam mê, là nguồn sống và có thể kiếm tiền từ việc mua bán những đôi sneakers đắt giá.
Thói đời là vậy, sneakers hay đơn giản là những đôi giày - có thể đem lại giá trị cho chính chúng ta và cộng đồng. Ngược lại, có không ít người lại mượn sneakers để làm bàn đạp cho chính mình, không quan tâm xem đam mê của mình ra sao và đi đến đâu.
Cùng bàn luận về vấn đề này, mới đây, Nam Quản - một trong những người Việt trẻ có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng đam mê giày nói chung, Retro-Runner nói riêng - đã có những chia sẻ rất thật về vấn đề "Sneakerhead chuyên nghiệp" và cộng đồng sneakers ở Việt Nam. Dù là quan điểm cá nhân nhưng chia sẻ của Nam Quản đã nhận được 500 lượt likes, gần 100 shares và sự đồng tình của người dùng Facebook.
Nam Quản
Là một trong những người được công nhận là 'sneakerhead' chân chính, bằng vốn kiến thức phong phú về thời trang cũng như đam mê mãnh liệt dành cho nền văn hóa sát mặt đất - những gì Nam Quản chia sẻ đều nhận được sự ủng hộ của người yêu giày.
Nam Quản nói rõ ngay từ đầu rằng "bài viết có nội dung tiêu cực, lại là quan điểm cá nhân". Sự tiêu cực ở đây chính là, anh dám nói ra sự thật dù sẽ động chạm đến một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ.
Mở đầu, anh chỉ ra những "cạm bẫy" mà người chơi sneakers ngày nay dễ dàng mắc phải:
Phải thừa nhận một điều là hiện tại phần lớn sneaker game thế giới nói chung & Việt Nam nói riêng đang trở nên rất "contemporary" - tạm dịch là "đương đại", "tạm thời"... nhưng hiểu theo nghĩa tiêu cực như trong bài viết này, thì mình dịch là "tạm bợ"...
Những sản phẩm & các thiết kế sneakers ngày nay các bạn đang tiêu thụ đều là những sản phẩm của PR/marketing hết, là hệ quả của việc nhu cầu về sneakers trong vài năm qua trở nên quá cao, khiến các brand ồ ạt ra thiết kế mới để moi tiền người mua như chúng ta.
Sự sai lầm trong cách nhận định sneakers của giới trẻ ngày nay:
Hãy nhìn lại những thiết kế được cho ra đời trong 5 năm trở lại đây, được quảng bá rầm rộ để người ta đổ xô nhau đi mua, chắc mẩm là bản thân mình bắt kịp với thời đại và xu hướng, để rồi những dòng giày này đã chết ỉu một cách nhanh chóng. Sự thật mất lòng nhé, có những dòng giày nếu bây giờ mang lên chân thì sẽ bị coi như là hơi quê, có khi người ta còn xem mình không phải người thuộc về văn hoá sneaker game nữa...
Những cái tên nói đâu xa, như adidas thì có ZX Flux, gia đình Tubular, springblade, Ultra BOOST Uncage... và tiên đoán của mình là 1 dòng giày mới đây mà adidas vừa giới thiệu cũng sẽ chịu chung số phận, không tin thử 1 năm nữa Facebook remind (nhắc lại) post này moi lên đọc xem sao nhé.
adidas Tubular
Không phải vì mình là fan Nike nên liên tục nêu ra những cái tên như thế đâu, Nike cũng có những thiết kế như Roshe Run, hoặc những dòng giày lifestyle được phát triển song song với các thế hệ signature performance của Lebron, Kobe, KD... các mẫu giày lifestyle phát triển từ giày đá banh... cũng là những số phận khá bi thảm tương tự.
"Sneakerhead chuyên nghiệp", trong ngoặc kép:
Nói không sợ các bạn buồn chứ nếu hiện tại các bạn vẫn đang sở hữu và suy nghĩ về việc mua những dòng giày như trên thì có lẽ các bạn đang bị rớt lại phía sau nền văn hoá sneakergame rồi... phải xem xét và cân chỉnh lại cuộc chơi của mình đi. Thử hỏi một vòng xem giờ đây có ai còn nhớ đến những cái tên này không? Những dòng giày này không còn giá trị sưu tầm.
Và chưa biết chừng, những cái tên đang rất điên cuồng ngày nay như NMD, Flyknit Racer, LunarCharge, Kayano Knit, thậm chí là Yeezy... nếu không tìm được các bước phát triển bền vững thì cũng khó nói 3 năm, 5 năm tới sẽ đi về đâu lắm.
Chưa biết chừng, những cái tên đang rất điên cuồng ngày nay như NMD, Flyknit Racer, LunarCharge, Kayano Knit, thậm chí là Yeezy... nếu không tìm được các bước phát triển bền vững thì cũng khó nói 3 năm, 5 năm tới sẽ đi về đâu lắm.
Đọc đến đây thì những bạn đang xem nhẹ sneakers game và những người không rành lắm văn hoá sneaker, đơn giản mua giày để đẹp... có thể dừng đọc được rồi, vì có thể các bạn sẽ thấy mình nói hơi quá. Riêng những ai vẫn quan tâm sneakergame và muốn đi đường dài với cuộc chơi thì hãy đọc tiếp nhé.
Bởi mới nói sneakergame ngày nay rất dễ mà cũng rất khó. Dễ đối với người mới nhập cuộc và muốn cảm thấy bản thân mình nhanh chóng trở thành một phần của cộng đồng. Nhưng khó cho những người theo đuổi đã lâu và muốn giữ cho cuộc chơi của mình phát triển chất lượng, lâu dài.
Mình tự nêu ra một khái niệm nghe rất tếu nhưng cũng rất nghiêm túc - "sneakerhead chuyên nghiệp" – bạn có muốn trở thành "sneakerhead chuyên nghiệp" không? Cụ thể là gì, là có một collection (bộ sưu tập) chỉn chu, có giá trị, có kiến thức, hiểu biết, có trình độ trong cuộc chơi của mình, và đương nhiên, có sức ảnh hưởng để đóng góp cho cộng đồng những người giống bạn.
Thậm chí bạn có thể mường tượng bản thân mình trong 5 năm, 10 năm, 15 năm tới – khi đã 30/40 tuổi - vẫn sưu tầm giày? Nếu có thì xem như bạn đang theo đuổi con đường trở thành "sneakerhead chuyên nghiệp" rồi đấy.
(Xin phép không đề cập vấn đề buôn bán ở đây vì cái đó mình đánh giá không ảnh hưởng nhiều đến việc này, nhất là ở VN hiện nay có quá nhiều seller không phải là sneakerhead, họ đến với việc buôn bán thuần vì lợi nhuận.)
Các ông bà nào đọc đến đây đang cười khái niệm đó thì cứ cười đi, chứ tôi không thể xem nhẹ một thứ tiêu tốn mỗi năm gần 200 triệu của mình được.
Mình xem sneakergame của mình nghiêm túc không thua gì công việc nhiếp ảnh, làm phim… hay các công việc khác. Đơn giản vì mình muốn khi 40, 50 tuổi, mình vẫn chơi giày mạnh. Nói cho vuông!
Và một khi đã hướng cuộc chơi của mình theo hướng "chuyên nghiệp" thì các bạn hiểu rồi đấy, phải có những động tác như là công việc luôn… ngoài mua sắm và lượm lặt ra thì còn phải tìm hiểu, đọc, xem, nghiên cứu, trao đổi thông tin, tự update (cập nhật) kiến thức, thử nghiệm bản thân… gần như phải làm việc full-time (toàn thời gian) với thú chơi của mình (phần "profession" trong từ "professional" – chuyên nghiệp – phát huy đúng nghĩa ở ngữ cảnh này), và đương nhiên bạn sẽ gặt hái được nhiều hơn là những đôi giày.
Các bạn cứ nhìn những sneakerhead máu mặt của thế giới trên Instagram – như Hichem OG, kollsenbracker, DJ Davy James, Ugly Mely, Dylan Ratner… - các bạn cứ tự hỏi và tìm hiểu xem 5, 10 năm qua họ đã làm gì để được như ngày hôm nay. Chắc chắn những gì họ đạt được ngày hôm nay không phải một sớm một chiều rồi, đó là một quá trình dài, đòi hỏi nỗ lực và làm việc mỗi ngày với thú chơi của mình.
Hichem OG
DJ Davy James
Đó, mình nghĩ họ chính là những người có thể gọi là "sneakerhead chuyên nghiệp". Bởi cuộc chơi của họ đã lên một tầm khác, và họ còn làm được nhiều thứ hơn là "chơi" cho bản thân họ, và chắc chắn 10 năm, 20 năm tới, họ vẫn sẽ như vậy.
Nhìn lại ở Việt Nam, cũng có 2 trường hợp dễ thấy trong sneakergame những năm gần đây, 1 là những người chơi đã lâu nhưng cũng không có sự đầu tư, thiếu tầm nhìn, không nghiêm túc trong cuộc chơi… để rồi họ, phần vì thiếu kiên định, phần vì khi 25/30 tuổi, kinh tế bản thân có sự thay đổi… dần dần cũng bị tuột lại phía sau và đã không còn nằm trong cuộc chơi nữa. Mình đang nhớ lại những cái tên mình có quen biết giai đoạn 2013/2014, giờ mấy anh em chẳng biết còn ai chơi giày…
Trường hợp thứ 2 là những bạn vội vàng nhập cuộc nhưng chưa định hướng được mình sẽ làm gì, vội vàng bỏ rất nhiều tiền để xây dựng một collection khủng trong một quãng thời gian ngắn, chiếm lấy sự ngưỡng mộ của cộng đồng, sau đó thì không biết làm gì tiếp, cứ nghĩ mình đã chạm ngưỡng của cuộc chơi. Mình hay gọi những người này là "những ngôi sao mới của sneakergame Việt Nam", giờ thì họ cũng vội vàng nghỉ cuộc chơi nhanh như cách họ đến.
Đó là những trường hợp để lại cho mình nhiều suy nghĩ, và tiếc nuối, đương nhiên, vì sneakergame Việt Nam cứ mãi lèn èn và non trẻ như vậy. Đến một thời điểm khi nhìn lại, sneakergame đã tồn tại ở VN nhiều năm, thì những người như chúng ta không nên nhìn nó một cách quá đơn giản nữa.
Những ai thật sự quan tâm sneakergame nếu đọc đến đây hãy nhìn lại cuộc chơi của mình, định hướng và xem xét việc phát triển trong tương lai sẽ đi về đâu nhé. Đừng nghĩ đây là một thú chơi cho con nít, hoặc là một thú chơi của tuổi trẻ, đôi khi nó không đơn giản như thế đâu. Bạn đam mê và xem xét điều gì một cách nghiêm túc, thì nó là một việc nghiêm túc. Bạn thực hiện nó một cách tận tâm, có sự ràng buộc, thì chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn những giá trị nhất định.
Kết bài hơi vội, vì ở đây mình muốn nêu lên một số thực tế như vậy, mà cũng không rõ có ai đọc đến đây.
Có lẽ, cộng đồng sneakers tại Việt Nam cần nhiều hơn những người dám đứng lên nói thẳng, nói thật như thế này. Đam mê có thể không theo bạn cả đời, nhưng đã chơi, đã đam mê... thì hãy biến chúng trở thành điều gì đó tích cực, làm cho chúng phát triển chứ không phải "tạm thời" hay "lấy số".