Vừa qua, em Tô Thị Như Ngọc – sinh viên lớp Công nghệ sinh học K1 của trường Cao đẳng Đà Lạt nhận được 01 file hình ảnh Thông báo Trúng tuyển chương trình trao đổi sinh viên Việt Nam và Quốc tế Trường Cao đẳng Công nghệ TOKYO từ 01 tài khoản Zalo lạ.
Sau khi nhận được thông báo trên, một số đối tượng đã sử dụng nhiều số điện thoại để mạo danh là công an và là người của tổ chức giáo dục liên tục gọi điện đe dọa, uy hiếp với nội dung là số tài khoản ngân hàng của Ngọc có dấu hiệu rửa tiền, vi phạm pháp luật.
Các đối tượng yêu cầu để chứng minh trong sạch thì phải chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản của bọn chúng.
Do lo sợ nên Ngọc đã xin gia đình 10 triệu đồng và chuyển cho đối tượng lừa đảo. Khi bình tĩnh lại, Ngọc đã báo vụ việc trên cho gia đình và Trường Cao đẳng Đà Lạt.
Giấy trúng tuyển giả mà nữ sinh này nhận được từ các đối tượng lừa đảo
Tuy nhiên, qua nội dung và hình ảnh thực tế của thông báo mà sinh viên Tô Thị Như Ngọc cung cấp, Trường Cao đẳng Đà Lạt kết luận:
- Chữ ký của hiệu trưởng và con dấu của nhà trường đều là giả mạo, thể thức trình bày văn bản không đúng theo quy định.
- Hiện tại, Trường Cao đẳng Đà Lạt không ký kết hợp tác với Trường Cao đẳng Công nghệ TOKYO và không ban hành bất kỳ văn bản nào liên quan đến thông báo nêu trên.
Sự việc trên đã gây ảnh hưởng tới hình ảnh của Trường Cao đẳng Đà Lạt cũng như ảnh hưởng tiêu cực, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, sinh viên.
Trường Cao đẳng Đà Lạt đã báo cáo vụ việc trên cho Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành xác minh vụ việc. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho sinh viên của nhà trường về các thủ đoạn lừa đảo hiện nay. Quán triệt lãnh đạo các khoa chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo hiện nay.
Trước tình hình xuất hiện thủ đoạn lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội, Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và phụ huynh cần hết sức cảnh giác, cụ thể như sau:
Tuyệt đối không tin tưởng các văn bản, thông báo nhận được qua mạng xã hội từ người lạ, không mở hoặc chia sẻ các tệp đính kèm từ tài khoản Zalo, Facebook, email không rõ danh tính. Các văn bản thật thường có định dạng chuẩn, được công bố công khai trên trang web chính thức của trường hoặc tổ chức uy tín.
Không cung cấp số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, địa chỉ, thông tin người thân cho bất kỳ ai liên hệ qua điện thoại hoặc mạng xã hội, kể cả khi tự xưng là công an, viện kiểm sát, giáo viên hay cán bộ tổ chức.
Lực lượng Công an không làm việc qua điện thoại, không yêu cầu chuyển tiền để "chứng minh vô tội" nên tuyệt đối không thực hiện bất kỳ yêu cầu chuyển tiền, cung cấp mã OTP hay đăng nhập ngân hàng từ người tự xưng là lực lượng chức năng, nếu nghi ngờ, hãy đến trực tiếp cơ quan công an gần nhất để xác minh.
Cảnh giác với thủ đoạn "tạo áp lực tâm lý": Các đối tượng thường đe dọa, hù dọa bắt giam, khởi tố, phong tỏa tài khoản ngân hàng để khiến nạn nhân hoảng sợ, mất bình tĩnh. Khi nhận được các cuộc gọi đáng ngờ, giữ bình tĩnh, không trả lời vội vàng, ngắt máy ngay và báo cho người thân, nhà trường hoặc công an.
Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, sinh viên về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới.
Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gọi điện thoại đến trực ban hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng (SĐT: 02633 822 097) để được hỗ trợ kịp thời.