Mới đây, bà mẹ người Singapore là Serene Eng-Yeo đăng lên Facebook bức thư gửi Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung phàn nàn rằng, đề thi Toán trong kỳ thi hết cấp 1 của con trai chị quá khó, khiến đứa trẻ bị suy sụp rất nhiều sau khi làm bài.
Bức thư gửi Bộ trưởng giáo dục của phụ huynh vì đề toán khó
"Thưa Bộ trưởng, chúng ta vẫn thường nói đến sự gia tăng các vấn đề bệnh lý về sức khỏe tinh thần. Nhiều báo cáo gần đây cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ tự tử ở lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt là nam giới. Có phải thế hệ trẻ của nước ta yếu đuối đến nỗi phải tìm đến cái chết chính vì quá áp lực bởi việc học hành?", chị Yeo nêu.
Theo chị, Singapore tự hào là quốc gia "thống trị" bảng xếp hạng PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) hàng năm trong lĩnh vực toán và khoa học. Nhưng để mang về những danh hiệu cao quý, minh chứng cho sự thành công của nền giáo dục tiên tiến nước nhà, học sinh phải đánh đổi rất nhiều thứ.
Phụ huynh này lấy ví dụ về kỳ thi PSLE 2019 (kỳ thi lên cấp 2) được tổ chức vừa qua tại trường cấp 1 của con trai cô. Theo Yeo, đó là một cuộc thi "tàn khốc và bi thảm" đến nỗi mà những đứa trẻ 11, 12 tuổi hoàn toàn bị đánh bại, gục ngã và xuống tinh thần sau khi làm bài xong.
"Thôi nào, đó chỉ là một kỳ thi. Vấn đề lớn ở đây là gì? Ngài Bộ trưởng và tôi sẽ không bao giờ có thể hiểu được sự nỗ lực của những đứa trẻ can đảm này. Chúng dành phần lớn thời gian tại ngôi trường của mình để ôn luyện cho kỳ thi, học hành chăm chỉ, bù đầu giữa đống bài vở với sự cố gắng không ngừng nghỉ", cô Yeo bức xúc.
Cuối bức thư, cô Yeo nhấn mạnh tất cả những gì cô và con trai mong muốn chỉ đơn giản là làm được những điều mà chúng nỗ lực để đạt được, ít nhất là hoàn thành bài thi và được mọi người khuyến khích vì những nỗ lực đó.
Bức thư của người mẹ ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý của cộng đồng mạng. Áp lực thi cử không chỉ là vấn đề tồn tại ở Singapore mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều vụ án đau lòng xảy ra chỉ vì những đứa trẻ không đạt được thành tích cao trong kỳ thi, cùng với tác động từ phía gia đình, xã hội, chúng buộc phải lựa chọn con đường cùng để giải thoát khỏi những áp lực bủa vây.
Ngày nay, nhiều cha mẹ phàn nàn con phải học những kiến thức quá khó ở lứa tuổi đáng ra phải được dành nhiều thời gian để vui chơi. Việc nhồi nhét kiến thức vào đầu con trẻ khiến tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh lý về sức khỏe tâm thần tăng cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ tương lai sau này.