"Con tôi ở nhà ngoan lắm nhưng lên mạng nói bậy như hát hay"

Đông, Theo Phụ nữ mới 14:00 24/10/2024
Chia sẻ

Tôi đã rất sốc khi phát hiện ra điều này ở con.

Ở nhà con tôi nói: "Cái áo này đẹp thế".

Ra đường con tôi nói: "** cái áo này đẹp v*".

Nếu con bạn lúc "ở nhà" và "ra đường" cũng thế, thì bạn không cô đơn đâu. Bởi học sinh thời nay "lạ" lắm, nói bình thường không chịu mà phải chêm thêm vài câu chửi thế nó mới được. Không biết do thói quen hay vì lý do nào khác.

Theo kết quả khảo sát tháng 12/2017 của Bộ GD&ĐT cho thấy có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự báo cáo rằng mình thường xuyên nói tục chửi bậy. Con số này theo các chuyên gia giáo dục chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 7 năm trôi qua, tuy không thêm khảo sát quy mô lớn nào khác được thực hiện nhưng những con số chắc chắn đã tăng lên khi mà độ tuổi trẻ nói bậy đang ngày một giảm xuống, trong khi môi trường cho ngôn ngữ thiếu chuẩn mực phát triển ngày một mở rộng.

Cũng liên quan đến chủ đề này, mới đây một bà mẹ đến từ TP.HCM cũng đã có bài đăng trong hội nhóm cha mẹ học sinh trên Facebook và nhận về nhiều đồng cảm của các phụ huynh khác. Nguyên văn bài chia sẻ như sau:

Nếu một ngày bạn phát hiện ra đứa con ở nhà "ngoan như cún" của mình, ra ngoài lại văng tục chửi bậy như hát hay, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Với tôi thì đó là cảm giác ngạc nhiên xen lẫn chút hoang mang.

Con trai tôi hiện đang học lớp 6 tại một trường THCS có tiếng, nói không ngoa chứ con chính là “con nhà người ta” chính hiệu trong mắt của nhiều người. Từ lớp 1 đến bây giờ, tôi chưa bao giờ phải lo lắng bất kỳ thứ gì về con cả.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như một ngày nọ, tôi không vô tình đọc được những tin nhắn con trò chuyện với bạn (con có điện thoại riêng nhưng dữ liệu trong điện thoại con được đồng bộ sang điện thoại tôi để tiện kiểm soát). Đoạn tin nhắn đó giữa con và bạn chỉ vỏn vẹn 8 câu nhưng cả 8 câu đều có từ bậy, thậm chí có những từ ngữ chỉ cần đọc lên thôi đã khiến tôi ngượng chín mặt.

Hai đứa trẻ trách nhau sau một trận game thua. Thua game dễ cáu, tâm lý này tôi hiểu, đến người lớn chơi giải trí còn hay “nóng máu” nữa là mấy đứa trẻ đang độ tuổi ganh đua. Nhưng vấn đề ở đây là không chỉ với người bạn đó, tôi kiểm tra thêm các tin nhắn khác, ở các nhóm chat khác của con và phát hiện tình trạng xuất hiện những câu nói tục tĩu vẫn ở tần suất rất cao. Một đám trẻ ở độ tuổi 11-12 mà lại vô tư nói bậy như thể đó là câu cửa miệng.

"Con tôi ở nhà ngoan lắm nhưng lên mạng nói bậy như hát hay"- Ảnh 1.

Nếu một ngày bạn phát hiện con mình ở nhà thì ngoan, ra ngoài lại văng tục chửi bậy như hát hay, bạn sẽ cảm thấy thế nào? (Ảnh minh họa)

Tôi tự hỏi, các con đã học những ngôn ngữ này ở đâu? Hành vi nói bậy thoải mái đó liệu có phải là sản phẩm của môi trường các con sinh hoạt hàng ngày? Hay do tiếp xúc với các nội dung trực tuyến không kiểm soát?

Đi sâu vào vấn đề, tôi nhận thấy hình ảnh này không chỉ diễn ra trong cuộc sống thực. Mạng xã hội, với sự phát triển mạnh mẽ và sự giám sát lỏng lẻo, đã trở thành một nơi mà ngôn ngữ tục tĩu không chỉ được sử dụng mà còn được khuyến khích như một phần của “văn hóa trẻ”.

Tôi đã thảo luận với nhiều phụ huynh khác và hầu hết đều khẳng định rằng con cái họ cũng có biểu hiện tương tự. Có phải chúng ta, những bậc làm cha mẹ, đang đối mặt với một thách thức mới trong việc giáo dục con cái trong kỷ nguyên số?

Tôi quyết định đối thoại trực tiếp với con trai mình, và phản ứng đầu tiên của thằng bé là tức giận vì tôi đã "xâm phạm quyền riêng tư". Mặc dù vậy, tôi cảm thấy việc này cần thiết để hiểu và giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

Câu chuyện của tôi chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện tương tự khác đang diễn ra khắp nơi. Tôi nhận ra rằng, việc các con nói tục chửi bậy không chỉ là hành vi cá biệt mà nó đã trở thành một hiện tượng. Nó không chỉ xuất hiện trong các cuộc trò chuyện mặt đối mặt nữa, mà còn lan rộng trên không gian mạng. Nhiều bạn trẻ còn coi đó là "trend" và thi nhau "đu" theo. Ngôn từ thô tục - ở giai đoạn của tôi từng được coi là biểu hiện của sự thiếu văn hóa, nay dường như đã trở thành một phần "bình thường" trong cách giao tiếp của cả con tôi, và nhiều bạn bè đồng trang lứa khác.

Nếu không tin, bạn có thể ra đứng ở một hàng bán đồ ăn sáng, hay trà sữa ở cổng trường, chỉ 30 phút thôi cũng đủ để bạn nghe thấy nhiều em học sinh còn đang đeo khăn quàng đỏ liên tục "đệm" các từ bậy khi nói chuyện với nhau. Còn trên không gian mạng, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn.

Tôi biết có những group dành riêng cho học sinh cấp 1, cấp 2, mà ở đó, 10 bài đăng thì có đến 6-7 bài xuất hiện các ngôn từ không lành mạnh, dẫu đôi khi chỉ theo hướng đùa vui. Không chỉ trong các group kín, mà ngay kể cả những bài đăng công khai, nhiều em cũng sẵn sàng bình luận với những ngôn ngữ… không thể chấp nhận nổi. Rồi thu hẹp hơn là ở trong những nhóm chat bạn bè, như chuyện của con tôi, thì việc thỉnh thoảng "văng" vài câu nói tục lại càng "như cơm bữa".

"Con tôi ở nhà ngoan lắm nhưng lên mạng nói bậy như hát hay"- Ảnh 2.

Đọc nhiều ngôn từ trong tin nhắn của con với bạn đến tôi cũng thấy nóng mặt (Ảnh minh họa)

Mức độ nghiêm trọng của vấn đề này không chỉ được thể hiện qua số lượng các em nhỏ nói bậy ngày càng tăng mà còn qua tính chất và hậu quả của hành vi này đối với cá nhân và cộng đồng. "Nói bậy" ở đây không còn chỉ là việc sử dụng những từ ngữ tục tĩu nữa, mà còn thể hiện qua thái độ thiếu tôn trọng khi giao tiếp. Việc sử dụng ngôn từ thô tục đã trở nên quen thuộc đến mức được coi là bình thường, thậm chí là một phần của văn hóa giao tiếp hàng ngày của các con.

Và thật đáng buồn làm sao khi những lời nói tục tĩu ấy không chỉ là cách giao tiếp thông thường mà còn là phương tiện để các con làm tổn thương người khác, từ miệt thị, xúc phạm bạn bè một cách cay nghiệt đến thể hiện sự bất kính và thiếu tôn trọng đối với người lớn tuổi.

Trước tình trạng này, tôi đang cùng với các phụ huynh khác đối mặt với nhiều trăn trở và bất an. Chúng ta phải làm thế nào để giáo dục con cái về cách ứng xử phù hợp trên không gian mạng, nơi mà sự kiểm soát dường như không hề tồn tại? Liệu việc chấp nhận hay phớt lờ có thực sự là giải pháp, hay chúng ta cần một hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa từ cả gia đình và nhà trường, cũng như cộng đồng lớn hơn?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày