Thời gian qua, liên tiếp xuất hiện các thông tin, hình ảnh về các giao dịch mua bán lan đột biến, với mức giá "khủng", lên đến hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ như thương vụ mua bán "Lan đột biến" Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh gây xôn xao trong dư luận. Hay ngày 12/3/2021 trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng thành công cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với gần 19 tỷ đồng tại Hà Nam.
Thực tế, lan đột biến cũng có những giá trị cao về tính độc đáo, quý hiếm và thẩm mỹ nên thường được người chơi lan yêu thích, dẫn đến nhu cầu tăng cao và vì vậy, mức giá của lan đột biến cũng tăng theo là điều bình thường. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam với phóng viên VOV, cho đến giờ phút này lan đột biến chưa được cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một giống lan chính thức. Bởi, trong luật Trồng trọt, tại chương 2 từ Điều 19, Điều 35 và đặc biệt là Điều 22, trước khi kinh doanh, sản xuất một loại giống cây trồng nào thì nó phải được công nhận là giống được lưu hành trong thị trường. Và cho đến giờ phút này chưa có giống lan đột biến nào của Việt Nam được đăng ký chính thức, được công nhận hoặc để tự công bố.
Theo ông Long, có thể một số nơi nộp đơn bảo hộ các loài lan này, nhưng cho đến giờ phút này chưa được cấp bằng bảo hộ giống lan đột biến. Do đó, về mặt pháp lý, bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào đó muốn sản xuất và kinh doanh giống, giống đó phải được công nhận hoặc phải được tự công bố chất lượng và được cơ quan có thẩm quyền cho công bố lưu hành trong toàn quốc thì lúc đó mới có tư cách pháp nhân để buôn bán thương mại.
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty luật TGS, đoàn luật sư Hà Nội, các giao dịch mua bán lan đột biến là quan hệ dân sự (về mua bán tài sản, hàng hóa), được thực hiện theo sự thỏa thuận và thống nhất giữa người bán và người mua. Nhà nước không thể ngăn cấm hoặc can thiệp "thái quá" vào các quan hệ này. Tuy nhiên, với những mức giá quá "phi thực tế" thì các giao dịch này đã thể hiện sự "bất thường", không đảm bảo tính minh bạch và đã đặt ra nhiều vấn đề về mặt pháp lý.
Trước hết, nếu các giao dịch này là có thật thì có thể phát sinh nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành, nếu các bên tham gia giao dịch là cá nhân, thì các cá nhân đó sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng với mức 1% và thuế thu nhập cá nhân là 0,5% trên tổng giao dịch; còn nếu là doanh nghiệp thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trên tổng số lợi nhuận, và 10% thuế giá trị gia tăng giá trị đầu vào. Tuy nhiên, nếu bên bán trực tiếp trồng hoặc tự gây giống lan đột biến để bán thì họ sẽ thuộc trường hợp không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng; còn nếu mua đi bán lại thì họ vẫn phải chịu thuế theo các quy định nêu trên.
Tuy nhiên, việc xác định và chứng minh nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch mua bán lan đột biến là hết sức khó khăn, bởi các giao dịch này thường không có hợp đồng, thanh toán bằng tiền mặt, các bên trong giao dịch cũng có thể tìm nhiều cách khác nhau để lách thuế, qua mặt các cơ quan chức năng. Ngay cả đối với các giao dịch đã có hình ảnh, clip thể hiện rõ người bán đã giao cây cho người mua và người mua đã thanh toán tiền cho người bán, với những chồng tiền "khủng" đã được trao tay, thì họ vẫn có thể đưa ra rất nhiều các lý do khác nhau để không phải nộp thuế như: Lan đột biến là do bên bán tự trồng và nhân giống nên không phải nộp thuế; hoặc các bên chưa chính thức giao kết hợp đồng mà mới chỉ dừng lại ở việc bắt tay, thỏa thuận; hay hợp đồng vẫn chưa được thực hiện vì những lý do nào đó...).
Trong trường hợp các giao dịch này là giả, được các bên cố tình dàn dựng trái sự thật, luật sư Hùng cho rằng, đã có dấu hiệu của hành vi lợi dụng mạng xã hội để "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật". Đây là những hành vi trái pháp luật, sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, với mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người vi phạm là tổ chức, còn đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 (một nửa) mức phạt tiền đối với tổ chức nêu trên. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
Trường hợp các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật nêu trên ở mức độ nghiêm trọng (thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên), gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì có thể bị xử lý hình sự về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" (Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Giao dịch "khác thường" tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế, lừa đảo hoặc rửa tiền
Bên cạnh đó, theo luật sư Hùng, các giao dịch "khác thường" này cũng tiềm ẩn nguy cơ của các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc rửa tiền... Do đó, các cơ quan chức năng (Công an, thuế và quản lý thị trường) cũng cần phải kiểm tra, xác minh, làm rõ tính xác thực, giá trị thực, nguồn tiền, cũng như động cơ, mục đích của các bên trong các giao dịch này là như thế nào, để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi trái pháp luật có liên quan (nếu có), phòng, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Về góc độ quản lý Nhà nước, những thương vụ rất "khó tin" này có bản chất là hành vi kinh doanh không lành mạnh, đe dọa đến tính ổn định, cân bằng và sự phát triển lành mạnh của thị trường. Do đó, những vấn đề được đặt ra qua các vụ việc này đã không chỉ còn là câu chuyện riêng biệt của thị trường lan đột biến mà chúng có thể phát sinh và gây bất ổn thị trường đối với nhiều lĩnh vực hoặc loại hàng hóa khác. Trong khi đó, các quy định pháp lý của chúng ta trong việc phòng, chống và xử lý các hiện tượng tiêu cực này là còn rất thiếu và có quá nhiều "lỗ hổng". Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu và xây dựng được các hành lang pháp lý và các cơ chế quản lý đồng bộ và chặt chẽ, để có thể quản lý, giám sát và xử lý hiệu quả nhất đối với các vụ việc tương tự trong tương lai và đối với các lĩnh vực kinh doanh và các loại hàng hóa khác nữa.