Có thể thấy, trầm cảm đang trở thành một hiện thực đáng sợ trong xã hội thời hiện đại. Nhưng đáng ngại hơn nữa, ấy là ngày càng có nhiều người trẻ mắc trầm cảm, nặng đến mức sẵn sàng tự tay kết liễu cuộc đời của mình.
Theo như số liệu thống kê, cứ mỗi 100 phút lại có một bạn trẻ tuổi teen tự sát. Tự tử cũng là nguyên nhân thứ 3 trong những nguyên nhân gây chết người hàng đầu đối với người trẻ trong độ tuổi từ 15 - 24.
Và bạn biết không, rất nhiều nghiên cứu còn chỉ ra một số liệu rất khủng khiếp: rủi ro bị trầm cảm của con gái còn cao gấp 3 lần con trai.
Con gái tuổi teen có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gấp 3 lần so với con trai
Những con số cho thấy hiện thực đáng sợ
Tháng 5/2017, tạp chí Translational Psychiatry đã cho đăng tải một nghiên cứu mang tính chất báo động, khi có đến 1/3 nữ sinh tuổi teen của Mỹ đang ở trong giai đoạn đầu của chứng trầm cảm, và tỉ lệ này cao hơn gần gấp 3 lần so với con trai.
Cụ thể hơn, kết quả của nghiên cứu xuất phát từ bản khảo sát trong giai đoạn 2009 - 2014, cho thấy 36,1% nữ sinh tham gia nghiên cứu có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, trong khi nam sinh chỉ là 13,6%.
Trên thực tế thì ở người trưởng thành, có sự chênh lệch nhất định về tỉ lệ trầm cảm giữa nam và nữ. Nhưng theo như nghiên cứu, sự phân tách này đã được thể hiện từ rất sớm - ngay ở năm 11, 12 tuổi, và khoảng cách ấy tăng dần khi chạm đến tuổi dậy thì, và rủi ro hướng về phía con gái nhiều hơn.
Vấn đề là tại sao?
Theo Rebecca Schwartz-Mette, phó giáo sư tâm lý học tại Phòng thí nghiệm Peer Relations của ĐH Maine: "Nghiên cứu đã xét đến những nguyên nhân khiến rủi ro tăng lên - như gene di truyền, cảm xúc, nhận thức, hành vi, tương tác xã hội."
"Và sự thật đáng buồn là con gái trải nghiệm những cảm xúc căng thẳng nhiều hơn con trai, và điều đó làm tăng nguy cơ trầm cảm."
Trong một nghiên cứu vào năm 2006, Amanda Rose - giáo sư tâm lý từ ĐH Missouri (Mỹ) đã thử tìm hiểu về sự khác biệt giữa quan hệ xã hội của các nữ sinh và nam sinh. Kết quả, các nữ sinh dường như thân thiện, hoạt bát hơn. Nhưng đồng thời, các em có quá nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm nếu phải so sánh với con trai:
- Con gái nhạy cảm và dễ cảm thấy căng thẳng.
- Con gái rất coi trọng vị trí của mình trong mắt bạn bè.
- Con gái không thích khái niệm "tình bạn xã giao", nhưng các em lại rất nhạy cảm với các dấu hiệu ấy.
- Con gái có xu hướng nghĩ quá nhiều khi gặp tình huống căng thẳng.
- Con gái khó lòng áp dụng sự hài hước để vượt qua khó khăn.
Tóm lại, bản chất của con gái là nhạy cảm và hay suy nghĩ, và điều đó khiến họ dễ gặp nguy hiểm với căn bệnh trầm cảm, đặc biệt là các em gái tuổi mới lớn trong xã hội hiện đại ngày nay.
Chúng ta ngày nay được bao bọc trong một bể thông tin. Mọi thông tin tốt, xấu đều xuất hiện, trong đó có những thông tin mang tính định hướng: cả về ngoại hình lẫn vật chất. Vô tình, chúng áp lực khiến các em có nhu cầu trở thành một thứ gì đó phi thực tế, vượt quá khả năng của bản thân. Và khi không đạt được, các em bắt đầu chán nản, buồn bã và có những suy nghĩ tiêu cực - tất cả là khởi nguồn cho trầm cảm.
Ở độ tuổi mới lớn, các em gái còn có áp lực từ trường học nữa. Nỗi ám ảnh về điểm số, niềm khao khát xây dựng hình ảnh của bản thân, rồi nạn bắt nạt trường học - tất cả đều là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái bức bối, lo lắng và tuyệt vọng.
Và cuối cùng là chính áp lực từ gia đình, thậm chí là vấn nạn bạo hành, bạo lực của các bậc cha mẹ. Nỗi sợ không thể nói với ai cũng là nguyên nhân gây trầm cảm.
Bạo lực, bạo hành cũng là nguyên nhân gây trầm cảm
Sự lây lan của chứng trầm cảm
Trầm cảm có thể lây lan, và điều này đúng cả với độ tuổi mới lớn. Rose và Schwartz-Mette đều đã thực hiện nghiên cứu về hiện tượng này, và họ nhận ra rằng bạn bè của những bạn trẻ bị trầm cảm đều có xu hướng tâm lý "xuống dốc" dần theo thời gian.
"Điều này hoàn toàn có lý. Khi bạn bè lúc nào cũng chia sẻ về cảm xúc tiêu cực về các vấn đề trong cuộc sống, bản thân cũng khó lòng cảm thấy tích cực được. Họ cũng có xu hướng thu mình lại, không còn tiếp xúc với những thứ khiến cho bản thân cảm thấy thoải mái hơn, như thử một môn thể thao mới chẳng hạn." - Schwartz-Mette chia sẻ.
Hơn nữa, bản chất của con gái luôn có sự đồng cảm, chia sẻ tốt hơn - điều này vô tình tạo điều kiện để chứng trầm cảm có thể lây lan. Và khi trầm cảm lây lan, nó tạo ra một hiện thực đáng báo động, đó là tỉ lệ tự hoại và tự tử cũng tăng thêm.
Trong nghiên cứu trên Translational Psychiatry, 60% các trường hợp tự hoại cho biết họ có bạn bè làm như vậy trước; 40% chia sẻ họ có ý tưởng như vậy là từ bạn bè mình. Ngoài ra, 20% có bạn bè từng tự tử, và 60% chia sẻ họ biết bạn bè mình có người định làm điều đó.
"Đây là những con số đáng báo động, nó thậm chí cho thấy hiện tượng "tự tử hàng loạt"" - Schwartz-Mette cho biết
"Với người lớn thì không quá đáng ngại, nhưng ở trẻ vị thành niên, bạn bè là yếu tố ảnh hưởng rất lớn."
Đâu là dấu hiệu của một người trẻ bị trầm cảm?
"Còn rất nhiều điều cần nghiên cứu, nhưng nhiệm vụ của người lớn là phải nhận định được các dấu hiệu sớm của trầm cảm, và hướng các em đến một giải pháp điều trị hợp lý" - Elizabeth Miller, giám đốc Viện nhi Pittsburgh cho biết.
"Đừng chỉ đứng đó và mong chờ mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn mà không có ai giúp đỡ. Quên đi."
Nhưng trên thực tế, việc nhận ra một người trẻ có những dấu hiệu của việc bị trầm cảm là không hề dễ dàng. Bạn có thể nghĩ sẽ thấy những phản ứng tiêu cực, nhưng thực ra trầm cảm là một lĩnh vực rất khác. Nó có thể thay đổi tính cách, hành vi, tâm trạng của con người, nhưng là trong dài hạn. Thế nên, không dễ để xác định được chúng đâu.
Tuy vậy, không phải là không có cách. Theo Miller, một số dấu hiệu trầm cảm ở người trẻ có thể bao gồm:
- Luôn ủ rũ, sầu bi.
- Sống tách biệt ra khỏi gia đình, bạn bè. Đột nhiên không còn làm những việc thường ngày nữa.
- Thay đổi thói quen ăn, ngủ theo hướng tiêu cực.
- Luôn mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Khó tập trung.
- Dễ rơi lệ, khóc thường xuyên.
- Luôn cảm thấy dằn vặt, chỉ trích bản thân.
- Có những suy nghĩ về cái chết.
- Thường xuyên cảm thấy cô đơn, không hạnh phúc.
Khi thấy những người có dấu hiệu như vậy, nhiều khả năng họ đang rơi vào trạng thái trầm cảm. Tốt nhất, hãy đưa họ đến gặp một bác sĩ tâm lý để có lời khuyên phù hợp nhất.
Đó là lúc họ cần đến sự giúp đỡ của bạn bè và người thân, những người họ có thể tin tưởng mà chia sẻ mọi chuyện.
Hãy nhớ rằng trầm cảm là căn bệnh của sự cô đơn. Mọi áp lực đều có thể được giải quyết, miễn là họ không phải làm nó một mình.