Con số chấn động: Hơn một nửa nữ biên kịch Hollywood lẫn Hàn Quốc thừa nhận từng bị quấy rối

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 21:00 28/07/2018

Theo nghiên cứu của Hội những nhà biên kịch Mỹ (Writers Guild of America – viết tắt: WGA), có tới 64% nữ biên kịch khi được hỏi thừa nhận họ đã bị quấy rối tình dục khi làm việc.

Vào dịp tháng 2 năm nay Hội những nhà biên kịch Mỹ (Writers Guild of America – viết tắt: WGA) gửi tới 9000 thành viên của mình một bản khảo sát về trải nghiệm đối với hiện tượng quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Sau hơn nửa năm thu thập và tổng hợp, kết quả thu được thật đáng báo động: có tới 64% số nữ biên kịch thừa nhận từng bị quấy rối tình dục ở một mức độ nào đó, và một tỉ lệ khá lớn các vụ việc diễn ra ngay tại chính văn phòng của họ. Trong khi đó, 11% số biên kịch là nam cũng bị quấy rối trước mặt rất nhiều đồng nghiệp.

Con số chấn động: Hơn một nửa nữ biên kịch Hollywood lẫn Hàn Quốc thừa nhận từng bị quấy rối - Ảnh 1.

Tỉ lệ khá lớn này đã khiến tổ chức biên kịch Mỹ bắt tay vào hành động ngay lập tức bằng cách tạo ra những cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm biện pháp ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục công sở và tạo ra văn phòng làm việc an toàn, lành mạnh cho thành viên của mình.

Con số chấn động: Hơn một nửa nữ biên kịch Hollywood lẫn Hàn Quốc thừa nhận từng bị quấy rối - Ảnh 2.

Không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng là nạn nhân của quấy rối tình dục.

Hollywood không phải là trường hợp cá biệt trong "văn hoá" quấy rối xấu xí này. Vào tháng 3 năm 2018 Hội đồng phim ảnh Hàn Quốc và Liên đoàn phụ nữ trong ngành điện ảnh Hàn đã chỉ ra có tới 62% phụ nữ (trong tổng số 749 người gồm nữ diễn viên, biên kịch nữ và nhân viên nữ đoàn làm phim) từng là nạn nhân của quấy rối tình dục ở nhiều cấp độ, từ đùa cợt cho tới tấn công tình dục. Tương tự Hollywood thì tỉ lệ nam giới thừa nhận bị quấy rối thấp hơn, rơi vào khoảng 17% nhưng cũng là một con số đáng để lưu tâm.

Con số chấn động: Hơn một nửa nữ biên kịch Hollywood lẫn Hàn Quốc thừa nhận từng bị quấy rối - Ảnh 3.

Nằm trong xu hướng vận động của phong trào #MeToo, báo cáo của Hội biên kịch Mỹ cũng như Hội đồng phim ảnh Hàn Quốc đã chứng minh thêm về tình trạng quấy rối đáng báo động hiện nay. Thực tế là vấn đề này đã bắt rễ quá sâu trong cộng đồng và không chỉ ngày một ngày hai có thể giải quyết. Thế nhưng bằng cách thiết lập quy trình điều tra chặt chẽ những người bị cáo buộc, phạt thích đáng những kẻ phạm tội và khuyến khích phụ nữ cất lên tiếng nói, hy vọng rằng tình trạng quấy rối nơi công sở sẽ dần chấm dứt không chỉ trong ngành công nghiệp điện ảnh.

Tiếng nói của các nạn nhân đã được xã hội lắng nghe, vụ án của Harvey Weinstein đang dần đi đến hồi kết khi yêu râu xanh này đang đối mặt với bản án liên quan đến các vụ cưỡng hiếp và quấy rối tại Hollywood. Nếu bị tuyên bố là có tội, Harvey Weinstein có thể nhận án tù nặng nhất là chung thân. Còn tại Hàn Quốc, các "cây cao bóng cả" như nhà thơ Ko Un, đạo diễn Kim Ki Duk, những cái tên nổi tiếng trong làng điện ảnh như Cho Jae Hyun, Jo Min Ki, Kim Tae Hoon... đều đang phải điêu đứng trước cơn bão phẫn nộ của dư luận.