Đại dịch COVID-19 có thể là thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đó là khi nhiều ngành kinh tế gây ô nhiễm giảm hoạt động, khi người dân các quốc gia giảm thiểu hoạt động đi lại, sinh hoạt - vốn xả nhiều khí thải ô nhiễm ra môi trường. Tuy nhiên, khi đã phải chịu quá nhiều tổn thất vì dịch bệnh và cả thế giới phải tìm cách khôi phục kinh tế, người ta có xu hướng lãng quên điều đó. Ưu tiên cho khí hậu xếp sau những lợi ích kinh tế.
Tại Canada, tỉnh Alberta đang đầu tư 1,1 tỷ USD vào một đường ống dẫn dầu mới, được coi là cần thiết để phục hồi kinh tế. Queensland của Australia đang thăm dò một mỏ than mới để giúp tiểu bang phục hồi sau những tác động của COVID-19. Và Ấn Độ đang mở hàng chục mỏ than cho khu vực tư nhân để biến cuộc khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội. Đây là ba trong số nhiều khu vực trên thế giới mà con người đang phải giằng co giữa việc bảo vệ môi trường, giảm khí thải ô nhiễm với việc duy trì sinh kế cho người dân địa phương.
Chăn nuôi cũng góp phần khiến biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn.
Knurow là một trong bốn mỏ thuộc công ty JSW quốc doanh của Ba Lan, là nhà sản xuất than luyện cốc chất lượng cao lớn nhất EU, nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành thép. Không chỉ mang lại lợi ích cho các nhà khai thác, hàng chục nghìn người dân Ba Lan sống dựa vào khai thác vàng đen, ngay cả trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát. Thậm chí, Ba Lan đang quyết liệt chống lại những lời kêu gọi loại bỏ khai thác và sử dụng than đá. Nước này là quốc gia thành viên EU duy nhất từ chối cam kết giảm lượng khí thải carbon về bằng 0 vào năm 2050.
Nhưng không chỉ công nghiệp nặng, mà lĩnh vực khác như chăn nuôi cũng góp phần khiến biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn.
Báo cáo của tổ chức Hòa bình Xanh cách đây hai ngày cho biết, lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động chăn nuôi tại các nước EU chiếm tới 17% tổng lượng phát thải loại khí này tại châu Âu. Chúng thậm chí gây ra nhiều tổn hại đối với khí hậu hơn tất cả các loại ô tô đang lưu hành tại lục địa già này.
Báo cáo chỉ rõ việc chăn nuôi, chế biến thực phẩm từ gia cầm, gia súc, hoạt động trồng trọt, phá rừng khiến tổng lượng khí thải từ hoạt động chăn nuôi lên khoảng 704 triệu tấn CO2 mỗi năm. Con số này còn tăng cao hơn khi châu Âu tiếp tục bảo vệ hoạt động sản xuất công nghiệp đối với các sản phẩm thịt và sữa, những mặt hàng xuất khẩu cả trong và sau đợt dịch COVID-19.