Với điều kiện sống như hiện nay, nhiều gia đình chỉ lựa chọn sinh một con và cố gắng nuôi dạy thật tốt. Là đứa trẻ duy nhất trong nhà, nên tất cả người lớn dường như đều chiều chuộng và dỗ dành con như bảo bối, nhưng họ không biết rằng chính cách nuôi dạy con như vậy lại đang dạy hư chúng. Bởi khi được nuông chiều quá đà, trẻ dần sẽ sinh hư và không biết làm cách nào để kiềm chế cảm xúc, hành vi của mình. Bất cứ khi nào nhu cầu không được đáp ứng, chúng lại có phản ứng đầy tiêu cực như gào thét, lăn ra ăn vạ thậm chí là chửi tục.
Trong trường hợp này, mỗi bậc phụ huynh sẽ có những cách phản ứng khác nhau. Người sẽ nhún nhường, đáp ứng yêu cầu của con cho xong chuyện, nhưng cũng có người giữ nguyên tắc nhất quán, quyết xử lý để con hiểu ra vấn đề đến cùng.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện khoảnh khắc hai mẹ con đang giận dỗi nhau trên đường phố. Người mẹ đưa con trai đi mua sắm. Vì thích một món đồ trong cửa hàng nên cậu con trai vòi vĩnh đòi mua, nhưng người mẹ đã từ chối yêu cầu của con. Trước lời khước từ của mẹ, câu bé ngay lập tức phản ứng bằng cách nằm xuống đường và lăn lộn ăn vạ nhằm "đe dọa" mẹ.
Đứa trẻ nằm ra đất để ăn vạ
Hành động của đứa trẻ nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người qua đường. Trước cách hành xử đó, đa phần nghĩ người mẹ sẽ thỏa hiệp với con để giữ thể diện cho mình, tránh lời dị nghị của netizen. Nhưng không, người mẹ lại chẳng có bất kỳ phản ứng nào. Cô chọn cách đứng cách đứa trẻ ba mét, nhìn con mình với biểu cảm đầy thờ ơ, hai bên cứ "đối đầu" với nhau như thế.
Mãi cho đến cuối cùng, đứa trẻ mới nhận ra rằng cách làm của mình dường như không hiệu quả và nó không thể thay đổi quyết định của mẹ. Vì vậy cậu bé phải đứng dậy và rời đi với mẹ một cách đầy chân thành và hối lỗi. Theo nhiều người, cách xử lý của mẹ trước sự ương bướng của con quả thực là hợp tình hợp lý.
Người mẹ giữ một thái độ cương quyết
1. Đừng nhượng bộ
Phần lớn lỗi của các bậc phụ huynh khi thấy con quấy khóc dỗi hờn chính là thể hiện sự quan tâm quá mức. Lúc này, mọi phản ứng dù là nhượng bộ hay phản đối hành động của trẻ đều khiến chúng nhận ra rằng bản thân đang được "được quan tâm" và cứ thế chúng càng tiếp tục quấy khóc. Hãy thử tỏ thái độ "phớt lờ" như người mẹ trên. Khi phát ra tín hiệu mà không thấy cha mẹ hồi đáp, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình.
Nhưng chúng ta cần hiểu rõ rằng phớt lờ bé lúc bé đang ở đỉnh điểm "ăn vạ" không có nghĩa là sẽ bỏ qua luôn chuyện này. Sau khi bé trở lại bình tĩnh, các mẹ nên ôm bé và giải thích cho bé hiểu hành động vừa rồi của bé là không tốt, tại sao mẹ lại không ủng hộ để bé hiểu được vấn đề.
2. Khen ngợi trẻ
Trẻ bị mất vài miếng xếp hình trong bộ đồ chơi yêu thích và bắt đầu mè nheo với mẹ đòi mua một bộ mới. Lúc này, phụ huynh có thể thử dùng biện pháp "khen ngợi": "Không xếp đủ thành ngôi nhà thì con thử xếp thành cái khác đi. Bé của mẹ thông minh lắm mà". Con đòi ăn kẹo trước khi ngủ mặc dù đã đánh răng: "Con của mẹ giữ răng đẹp thế này cơ mà. Có giống như mấy bạn ăn nhiều kẹo để sâu hết răng đâu". Lời khen có thể là cách đánh lạc hướng vòi vĩnh hiệu quả vì trẻ con luôn thích được khen ngợi.
Khi trẻ đòi hỏi mà không được đáp ứng, chúng có thể sẽ phản ứng gay gắt và cư xử càng khó chịu. Đừng vì thế mà nhượng bộ, hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước những giọt "nước mắt cá sấu" hay những tiếng la hét đau đầu cả tiếng đồng hồ của con nhé.
Ảnh minh họa
3. Cha mẹ "mẫu mực"
Khi con quấy khóc, bản thân phụ huynh cũng bực bội, la hét và khó chịu? Như vậy, bạn đã vô tình xây dựng hình tượng xấu trong con. Thay vì thế, hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy bảo con lúc con "ăn vạ". Nếu cảm thấy không thể kiềm chế cảm xúc, hãy thử ra ngoài thư giãn một chút nhưng đảm bảo bé vẫn ở trong tầm kiểm soát. Sau khi tâm trạng đã ổn định, phụ huynh có thể quay lại và nói chuyện tiếp với trẻ.
Đặc biệt là khi ra ngoài, nhiều trẻ biết rằng vì sợ người ngoài đánh giá nên cha mẹ thường sẽ dỗ dành con mình bằng cách đáp ứng yêu cầu của chúng cho xong chuyện. Khi con đã "nắm thóp" được thói quen này của bố mẹ, rất có thể chúng sẽ ăn vạ nhiều hơn ở nơi đông người. Vì thế, hãy luôn kiên định thực hiện các phương pháp dạy con cả ở nhà lẫn bên ngoài. Hơn nữa, cha mẹ không được để người khác xen vào cách dạy con của mình, không mọi thứ sẽ thành công cốc đó.
Dù cho bé có ăn vạ dai dẳng như thế nào, bố mẹ nhất định không được đáp ứng những đòi hỏi vô lý của bé. Chỉ cần bạn nhượng bộ một lần, bé sẽ nghĩ rằng chỉ cần "ăn vạ" là sẽ có mọi thứ mà bản thân muốn.
Theo Toutiao