Con khóc nức nở vì bị bắt nạt, hot mom Hà Nội "bốc hỏa", suýt làm lớn chuyện: Người chồng có cách hành xử quá tuyệt vời

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 11:37 15/08/2024
Chia sẻ

Khi con gái vốn rất thích bóng rổ khóc lóc không chịu đi học tiếp, bà mẹ nhận ra vấn đề bất thường.

Khi lớp 1 bắt đầu, chị Hoàng Ngọc Diệp, một hot mom, tác giả các cuốn sách thiếu nhi Chúng Mình Là Bạn Thân Bốn Mùa Ươm Yêu, cùng chồng đã cùng bàn bạc và quyết định xem câu lạc bộ nào con gái (bé Mí) sẽ tham gia hàng tuần.

Ở độ tuổi tiểu học, việc vận động thể chất vẫn nên là top ưu tiên. Thế là cả nhà thống nhất cho con học bóng rổ. Chỉ sau một vài tuần thôi, Mí đã rất thích. Thích tới nỗi cuối tuần nào cũng cùng bố xuống sân chung cư ném thêm. Con háo hức kể về những người bạn mới quen, có thể ném cả trăm quả không cần nhìn, liên tục kể về những mốc thành tích mới bản thân đạt được sau từng tuần tập luyện.

Con khóc nức nở vì bị bắt nạt, hot mom Hà Nội

Chị Diệp và hai con

Phát hiện con bị bắt nạt

Cho đến tận tuần đó, cứ sau mỗi buổi học bóng rổ về nhà, tâm trạng Mí lại có phần cáu kỉnh, quạu lên quát em, gắt với mẹ. Lúc này, chị Diệp chỉ nghĩ đơn giản chắc thời tiết Hà Nội tuần này thất thường nên con thấy khó chịu.

Tối hôm ấy, trước giờ đi ngủ như mọi khi, con gái rất trằn trọc và hậm hực. Sau một hồi hỏi dò la về các hoạt động trường lớp, Mí bảo mẹ "Con không muốn đi học CLB bóng rổ nữa!" rồi òa lên khóc nức nở.

- Sao vậy con? Mẹ cứ nghĩ Mí thích tập bóng rổ mà?

- Nhưng con không muốn học nữa. Con vẫn học bóng rổ ở môn Thể Dục. Còn lại con tự học ở nhà.

- Ừ, mình học ở đâu cũng được, con mệt thì mình nghỉ vài buổi. Nhưng mẹ thắc mắc thôi. Mẹ tưởng ở CLB bóng rổ con có bạn A, có B con yêu quý mà? Mẹ tưởng học CLB con vẫn rất vui?

- Không, không vui tí nào. A dạo này toàn chơi với con trai. Còn B đi học lớp cận đội tuyển từ lâu rồi.

Dò la thêm một hồi 10 đến 15 phút nữa, Mí đã chịu kể cho mình về X.

X là một bạn gái học lớp khác, chỉ học cùng con CLB bóng rổ. X rất cao lớn, ném bóng rổ cực giỏi. Từ ngày bạn B thân thiết của Mí nghỉ, X trở thành bạn ném bóng giỏi nhất lớp CLB. Khoảng 3 buổi gần đây, X tuyên bố sẽ gọi Mí là Cún, trước mặt các bạn bè khác. Và X chỉ đâu, Mí phải đi theo đó. Nếu Mí không làm theo, X sẽ dắt ra cổng trường và quát nạt. X còn đá vào mông Mí, tuy không đau nhưng Mí không thấy thoải mái chút nào. Cuối mỗi buổi tập, X còn lục cặp của Mí, thấy thứ gì xinh X sẽ lấy, không cần biết Mí có đồng ý hay không.

- Mí ạ, những hành động này là không tốt. Con cảm thấy khó chịu, buồn bực là phải rồi.

Đã từng nghe tới những hành động thế này nhưng chị Diệp vẫn rất bất ngờ vì nó lại xảy ra với con gái sớm thế, ngay lớp 1. Chị Diệp cố gắng giữ bình tĩnh để không bốc hỏa lên. Giây phút đó chỉ muốn lao đi gọi điện cho nào cô giáo, nào thầy giáo, nào phụ huynh của bạn X kia để tri hô rằng "X bắt nạt Mí".

Hai mẹ con sau khi trò chuyện xong xuôi, Mí bình tĩnh hơn và yên tâm đi ngủ, với lời hứa của mẹ rằng trong 24h tiếp theo, mẹ sẽ thử tìm hiểu thêm về tính cách X, về người có thể giúp đỡ Mí trong trường hợp này. Đợi sáng ra, suy nghĩ thông thoáng hơn, chị sẽ cùng quyết định con có đi học CLB tiếp hay không. Bố mẹ sẽ ủng hộ con dù quyết định đó là gì.

6 phương án lựa chọn

Ngay ngày hôm sau đó, sau khi hỏi các phụ huynh khác mình quen về bạn X, hỏi cả các bạn Mí học cùng lớp X về bạn ấy. Mình đã vạch ra 5 lựa chọn có thể làm.

1. Nói chuyện với bố mẹ bạn ấy

2. Nói chuyện với thầy cô

3. Nói chuyện với X

4. Chuyển lớp CLB

5. Thậm chí chuyển trường nếu cần

Nhưng chị biết, hành động hiệu quả nhất, sau cùng, lại là phương án số 6. Mí cần phải tự lên tiếng.

"Dù biết việc tự lên tiếng sẽ là hành động thuyết phục nhất, nhưng mình thực sự đã nghĩ nó là thứ khó nhất lúc này. Mí cũng giống mẹ, là một người siêu nhạy cảm, và luôn ngại va chạm xung đột. Một phần mình cũng nghĩ 'chắc bạn ấy đùa thôi', hành động đó không đem theo thù hằn gì sâu sắc, nhưng đặt mình vào hoàn cảnh đó, mình nghĩ chắc chắn mình cũng cảm thấy khó khăn như con - luôn phải sợ hãi và căng thẳng mỗi giờ học CLB bóng rổ. Đó là đủ lí do để nói không, vạch kẻ ra ranh giới để họ biết dừng lại rồi.

Sau khi trò chuyện với chồng, và hiểu được rằng đây cũng là một bài học về kỹ năng xã hội mà con cần học. Mình không thể né tránh mãi được. Và khi nó xảy ra ở mức độ nhẹ, mình được con chia sẻ ngay kịp thời như thế này, nó chính là một cơ hội để làm cho đúng", chị Diệp chia sẻ.

Vợ chồng chị đã đợi thêm 1 buổi học CLB nữa. Mí đã nói với X dừng lại, nhưng với tâm lý vẫn lo lắng sợ hãi trong ánh mắt và giọng nói, Mí chưa thuyết phục được X. Nên cuối buổi mọi chuyện vẫn lặp lại.

Lần này thì chị Diệp sốt ruột thật. Chị ra sức thuyết phục chồng với đủ thể loại lý lẽ rằng "Con còn quá nhỏ để tự bảo vệ chính mình khỏi những tình huống áp lực như thế này! Con là 1 người rất nhạy cảm nên cần cách hỗ trợ khác! Ít nhất là vì đây là lần đầu tiên". Và rồi cả hai đi tới kết luận sẽ tới trường và trao đổi thêm với cô giáo.

Tới sát ngày hôm đó chị Diệp lại có việc bận đột xuất nên chồng đã nhận nhiệm vụ được bàn giao: Nói chuyện với cô giáo về việc này, chia sẻ với cô về nỗi lo lắng, rồi cùng cô giải quyết.

Cuộc gặp gỡ "bất ngờ"

Chồng chị Diệp xin nghỉ làm từ 3h30, tới trường đúng giờ học bóng rổ. Anh đứng từ xa nhìn vào lớp, và kể rằng X rất cao lớn, ném bóng rất siêu. Các hành động của X cũng tự tin, có phần lấn lướt các bạn gái khác trong lớp. Còn con gái Mí thì mắt to tròn mải hóng chuyện các bạn rồi gật gù, có đoạn còn đứng trong đường ném bóng của các bạn và bị bóng binh vào đầu.

Hết giờ học bố được vào trường, nhờ Mí dắt lên lớp bạn X. Tuy nhiên thay vì trực tiếp trao đổi với cô, ông bố này dặn Mí: "Con sẽ là người kể lại với cô. Bố chỉ xin phép cô hộ con thôi. Con đã sẵn sàng chưa?". Hai bố con còn cho Mí bình tĩnh, tập hẳn 10-15 phút trước đó ở sân trường trước khi lên lớp.

Con khóc nức nở vì bị bắt nạt, hot mom Hà Nội

Và ông bố này đã làm đúng như vậy. Dắt Mí lên lớp, xin phép cô giáo chủ nhiệm lớp bạn X 5 phút cho Mí trình bày. Anh lùi lại đứng cách xa 20m, không nghe thấy gì cả, không can thiệp, chỉ là để Mí yên tâm bố sẽ ở đó khi cần. Và Mí đã kể lại câu chuyện suôn sẻ (sau rất nhiều lần kể với bố mẹ, với Mochi, với bạn thân, với ông bà và cô chú ở nhà) với người quan trọng nhất - cô giáo.

Sau đó Mí kể lại với bố mẹ rằng, cô giáo gọi X ra ngoài, hỏi X xác nhận những hành động đó, và nói với con đó là những hành động không tốt, mình không được làm với bạn, nếu có lần sau cô sẽ đưa X lên BGH nhà trường xử lý. Rồi cô hỏi X có muốn xin lỗi Mí không? X gật đầu và xin lỗi Mí. Rồi cô hỏi Mí có muốn tha lỗi cho bạn không? Và Mí cũng gật đầu bảo con đồng ý.

Tối hôm đó Mí ăn cơm rất nhanh, vui hớn hở hát ca nhảy múa. Chị Diệp cũng rất vui, thấy chồng xử lí tình huống hoàn hảo. Mí thì dũng cảm, đã dám bước ra khỏi vòng an toàn thành công.

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc tại đây.

Ở vài buổi CLB sau đó, không những X đã ngừng làm những hành động như trước với Mí, hai bạn lại còn tâm sự với nhau rất nhiều. X kể với Mí rằng có bạn Y đã từng làm y như vậy với X, và còn làm mỗi ngày. Mí bảo với X: "Đó là những hành động không tốt. Cậu cảm thấy khó chịu, buồn bực là phải rồi" và rất động viên X cứ mách cô đi. Lại còn "nếu cần tớ đi cùng cậu!".

Đến tận hôm nay, sau khi nhìn lại hành trình lớp 1, Mí bảo con vui vì bây giờ X là một trong 3 bạn thân nhất của con.

Còn chị Diệp thì vui thầm vì đã không nghe theo cảm xúc tức thời, mà lấy đi một cơ hội học tập, mở mang, hành động cho cả con và cả bố mẹ. Niềm tin của chị cũng được tiếp sức bởi cách cô hành xử rất gọn gàng, hài hoà, công bằng nữa.

Những bài học sau "sự cố"

Chị Diệp rút ra những bài học sau khi đồng hành cùng con vượt qua bắt nạt:

- Các con cần được hỗ trợ xây dựng sự tự tin, và kiến thức về quyền lợi của chính bản thân mình. Từ cha mẹ (người con tin yêu nhất), từ gia đình, từ nhà trường, và từ bạn bè con. Việc con kể lại với cha mẹ là rất tốt. Cần được ủng hộ hết sức.

- Bully thực chất bắt nguồn từ những hành động thể hiện quyền lực, thường con trẻ học từ những người chúng đã từng tiếp xúc. Con trẻ có xu hướng bắt chước những hình mẫu chúng cho là "có sức mạnh". Nên nếu phát hiện, can thiệp và củng cố sớm, sẽ cách tốt nhất để gia tăng nhận thức, giúp con hành động đúng đắn và phù hợp với môi trường xã hội hơn. Nếu con là người bị bully, không nên để tình trạng kéo dài vì sẽ dẫn đến sự mất tự tin khi tiếp xúc xã hội, ghét trường lớp, hoặc các vấn đề về sức khỏe khác.

- Mình không cần chôn vùi cảm xúc. Mình chỉ cần lựa chọn cách phù hợp & phương án mang tính đóng góp để xử trí thứ khiến mình lo sợ.

- Trong bất cứ trường hợp nào, con cũng xứng đáng được đối xử tôn trọng.

- Cố gắng cho con trải nghiệm thứ thông điệp tích cực nhất bố mẹ có thể. Đó là "Con đã bị đối xử không tốt. Con yêu cầu sự giúp đỡ. Con nhận được nó. Con đã đặt ra ranh giới. Con chính là người có thể tạo ra thay đổi".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày