Hàng loạt đám cháy rừng tại Indonesia đã khiến lượng lớn khói bụi phủ khắp Malaysia, Singapore và thậm chí ảnh hưởng đến cả chất lượng không khí ở Việt Nam.
Vậy nếu đốt rừng gây ô nhiễm đến như vậy, tại sao người dân Indonesia vẫn làm? Câu trả lời cũng tương tự như khi những cánh rừng tại Amazon bị người Brazil đốt phá, đó là lấy đất làm nông.
Trong khi tại Brazil, người dân đốt rừng lấy đất chăn nuôi bò, trồng ngô hay đậu nành thì người Indonesia đốt rừng trồng cọ. Số liệu chính thức cho thấy 80% số vụ cháy rừng tại Indonesia là do người dân lấy đất trồng cọ.
Nghe có vẻ kỳ nhưng trên thực tế, cơn khát dầu cọ của con người đang đem lại những cái giá phải trả cực kỳ đắt đỏ. Dầu cọ được dùng rộng rãi trong nhiều mặt hàng tiêu dùng, từ sữa bột trẻ em cho đến dầu gội đầu hay kem đánh răng và phần lớn chúng đến từ Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Năm 2018, Indonesia cung cấp đến 56% dầu cọ cho toàn thế giới.
Tuy nhiên, cái giá mà Indonesia phải trả cũng vô cùng đắt. Những cánh rừng nguyên sinh tại đây là nơi sinh sống của 10% số động vật hoang dã trên thế giới, đồng thời đóng vai trò quan trọng cho hệ thống sinh thái môi trường.
Lính cứu hỏa dập lửa tại Indonesia do người nông dân đốt rừng bừa bãi.
Việc đốt phá rừng bừa bãi tại Indonesia đã không chỉ thải lượng lớn khói bụi trong khu vực mà còn khiến lượng khí nhà kính ngày một tăng cao. Ngoài ra, việc trồng cọ quá nhiều cũng phá hoại hệ sinh thái, làm giảm chất lượng đất cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước.
Hàng năm, Indonesia đều đốt phá một lượng rừng nhất định nhưng năm nay tình hình lại đặc biệt nghiêm trọng do tình hình khô ráo khiến nhiều ngọn lửa lan nhanh ngoài tầm kiểm soát. Trong khoảng 2001-2018, Indonesia đã mất 16% diện tích rừng xanh, tương đương 26 triệu ha, đồng nghĩa với việc 10,5 tỷ tấn khí thải nhà kính bị thải ra môi trường.
Năm 2015, khói bụi quá nhiều từ việc đốt rừng tại Indonesia đã làm hàng trăm nghìn người phải vào viện do bị bệnh cùng nhiều sân bay phải đóng cửa. Báo cáo của chính phủ cho thấy hơn 80% số trang trại trồng cọ tại Indonesia không tuân thủ quy định khi đốt rừng lấy đất và tình trạng này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Bên cạnh đó, lại một lần nữa cái tên Trung Quốc được nhắc đến trong công cuộc đốt rừng này. Nếu những người dân Brazil đốt rừng Amazon trồng đậu nành xuất khẩu sang Trung Quốc nuôi lợn thì Indonesia cũng xuất khẩu dầu cọ sang thị trường này. Kim ngạch nhập khẩu dầu cọ của Trung Quốc từ Indonesia đã tăng 50% kể từ tháng 6/2019.
Bạn nghĩ mình ít dùng dầu cọ ư? Bạn sai rồi đó
Nếu bạn nghĩ những cánh đồng trồng cọ tại Indonesia chẳng liên quan gì đến bản thân hay việc không khí ngày càng ô nhiễm tại Hà Nội chẳng phải do mình thì bạn nhầm to rồi đấy. Dầu cọ được dùng rộng rãi trong cuộc sống, khiến bánh quy có độ ngậy, giúp son môi có độ mượt, làm kem đỡ tan chảy nhanh…
Dầu cọ cũng có thể phối với các loại dầu khác trong thực phẩm, có thể dùng làm bánh, giá thành sản xuất rẻ và dễ sử dụng. Chúng là một trong số ít các nguyên liệu tự nhiên an toàn cho người sử dụng nên được rất nhiều công ty lớn như Unilever, P&G… tìm mua.
Sản lượng sản xuất dầu cọ trên thế giới đã liên tục tăng trong suốt 50 năm qua, từ 15,2 triệu tấn năm 1995 lên 62,6 triệu tấn năm 2015. Ước tính đến năm 2050, sản lượng dầu cọ sẽ tăng gấp 4 lần để đạt 240 triệu tấn. Diện tích đất trồng cọ cũng chiếm 10% tổng diện tích trồng cây nông nghiệp trên toàn cầu.
Ngày nay, khoảng 3 tỷ người ở hơn 150 quốc gia đang tham gia sản xuất dầu cọ và nếu tính bình quân, mỗi người chúng ta tiêu thụ trung bình 8kg dầu cọ mỗi năm. Khoảng 85% số dầu cọ hiện nay đến từ Malaysia và Indonesia, qua đó giúp những người dân nghèo nơi đây có thu nhập nhưng cũng hủy hoại mạnh mẽ môi trường.
Khai thác dầu cọ tại Indonesia.
Khi những đám lửa đốt rừng lấy đất trồng cọ bốc lên, chúng làm thải ra những khí độc, làm nóng không khí và đẩy chúng bay xa ra toàn Đông Nam Á.
Tất nhiên, giá trị kinh tế chúng đem lại quá to lớn và chẳng ai quan tâm. Thậm chí những người tiêu dùng còn chẳng biết mình phụ thuộc vào dầu cọ lớn đến mức nào. Tổ chức Palm Oil Investigations đã khảo sát hơn 200 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên thị trường có chứa dầu cọ nhưng chỉ 10% trong số đó có đề thành phần dầu cọ, còn lại không có một chữ nào liên quan đến nguyên liệu này.
Trên thực tế, dầu cọ từ đầu vốn không tham gia nhiều mặt của cuộc sống con người đến vậy. Tuy nhiên với chất lượng sống ngày càng cao và hàng loạt những tiêu chuẩn, quy định chất lượng được ban hành, các công ty đã chuyển dần sang dùng dầu cọ và không thay đổi nguyên liệu khác.
Chính phủ coi dầu cọ là biện pháp thoát nghèo còn các nhà đầu tư kỳ vọng chúng sẽ là động lực phát triển cho quốc gia, doanh nghiệp và đương nhiên là cho cả túi tiền của họ. Thậm chí, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) còn từng đề nghị Malaysia và Indonesia tích cực sản xuất thêm dầu cọ cho thế giới.
Điều trớ trêu là việc đốt rừng trồng cọ chẳng được mấy cường quốc quan tâm bởi Phương Tây chỉ chiếm chưa đến 14% sản lượng tiêu thụ dầu cọ dù chúng cũng được dùng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như sản xuất xe hơi. Khoảng hơn 50% nhu cầu dầu cọ đến từ Châu Á và lẽ tất nhiên, người dân nơi đây đang phải gánh chịu chính những hệ lụy mình gây ra với chất lượng không khí ngày càng tệ.
Con đường thống trị của dầu cọ
Tại sao dầu cọ lại đi từ một nguyên liệu rẻ tiền chẳng ai quan tâm trở thành kẻ thống trị trong mảng nguyên vật liệu tiêu dùng hiện nay?
Câu chuyện bắt đầu từ việc Phương Tây chuộng dùng dầu cọ để thay thế chất béo động vật trong các thực phẩm tiêu dùng của họ. Độ bùi và chất dầu của dầu cọ tốt cho sức khỏe mà vẫn giữ được hương vị dù giảm chất béo động vật, đảm bảo sức khỏe cũng như chất lượng sản phẩm mà lại đáp ứng được các quy định của Phương Tây.
Thập niên 1960, những nghiên cứu khoa học cho thấy lượng mỡ cao trong bơ, pho mát và đồ ăn Tây khiến con người dễ mắc bệnh tim mạch. Ngay lập tức hàng loạt hãng thực phẩm lớn như Unilever chuyển sang các sản phẩm thay thế như dầu thực vật. Dẫu vậy đến đầu thập niên 1990, nghiên cứu lại cho thấy dầu thực vật cũng chứa chất béo dạng khác và thậm chí còn không tốt hơn cả bơ thường.
Dầu cọ đang là nguyên liệu được ưa chuộng trên thế giới thay cho chất béo động vật.
Năm 1994, những hãng thực phẩm lớn như Unilever đứng trước thử thách lớn khi cần thay thế nguyên liệu chất béo động vật nếu không muốn bị người tiêu dùng quay lưng. Nguyên liệu mới phải giữ được hương vị sản phẩm, không bị đông cứng ở nhiệt độ thường và dầu cọ là lựa chọn số 1.
Vậy là ngay lập tức Unilever tới tấp đặt hàng từ Malaysia để chất đầy những chuyến tàu dầu cọ đến các nhà máy của hãng nhằm thay thế nguyên liệu cho kịp đơn đặt hàng. Đến năm 1995, Unilever đã thay thế gần như toàn bộ chất béo động vật bằng dầu cọ và hàng loạt các hãng thực phẩm khác theo sát nút.
Ngày nay, khoảng 2/3 số dầu cọ được dùng trong ngành thực phẩm. Lượng tiêu thụ dầu cọ tại Liên minh Châu Âu (EU) tăng gấp 3 lần từ năm 1994 đến 2015. Tại Mỹ, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cũng buộc các công ty phải đổi chất béo động vật sang dầu cọ để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tuy vậy đây chưa phải yếu tố duy nhất khiến Indonesia điên cuồng chặt rừng trồng cọ. Nhu cầu tăng khiến các chủ trạng trại tích cực mở rộng sản xuất để giảm giá thành cạnh tranh. Khi dầu cọ được dùng thay thế cho các sản phẩm mỹ phẩm, đồ gia dụng cũng như hàng loạt mặt hàng công nghiệp khác thì tình trạng mở rộng trồng cọ ngày càng tăng.
Trong những năm gần đây, tiêu chuẩn sống lên cao của nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc khiến người dân chú ý đến sức khỏe hơn. Họ hạn chế ăn chất béo động vật và thích dùng dầu cọ thay thế làm dầu ăn, thế là ngày càng nhiều nông trại cọ được mở rộng để đáp ứng nhu cầu.
Tính riêng Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đã tiêu thụ tới 40% tổng lượng dầu cọ sản xuất trên toàn cầu. Đời sống tăng cao khiến người dân dùng nhiều dầu cọ hơn. Ví dụ trong khoảng 1993-2013, GDP bình quân đầu người tại Ấn Độ tăng từ 298 USD lên 1.452 USD và lượng tiêu thụ chất béo cũng tăng 35%, phần lớn chất béo này được lấy từ dầu cọ.
Năm 1980, Ấn Độ nhập khẩu 273.500 tấn dầu cọ thì đến năm 2015, con số này đã vượt 9 triệu tấn. Dầu cọ không chỉ được dùng để nấu ăn mà còn phổ biến rộng rãi trong mọi mặt đời sống của Ấn Độ, nhất là mảng thức ăn nhanh.
Về mặt kỹ thuật, dầu cọ có thể dễ dàng phân tách thành các loại dầu với độ đặc khác nhau tùy theo nhu cầu sử dụng và đặc biệt quá trình này có chi phí thấp hơn nhiều so với các loại dầu khác. Bởi vậy chúng còn được dùng trong mảng xây lắp ô tô, mỹ phẩm hay thậm chí làm xăng nhân tạo thân thiện môi trường (Biofuel).
Hiện nay, khoảng 70% số mỹ phẩm trên thế giới có sử dụng nguyên liệu liên quan đến dầu cọ. Việc những bệnh dịch trên động vật ngày càng bùng phát mạnh cùng hoạt động của các nhà bảo vệ động vật khiến mỹ phẩm, xà phòng và hàng loạt sản phẩm đổi sang dùng dầu cọ, một nguyên liệu mà chẳng mấy ai than phiền.
Ngày nay, dầu cọ chiếm tới 13,7% Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Malaysia và là mặt hàng xuất khẩu đứng đầu của Indonesia. Bởi vậy, không dễ gì để những nước đang chịu ảnh hưởng về không khí như Việt Nam, Trung Quốc hay chính bản thân Malaysia và Indonesia từ bỏ hoặc giảm trồng cọ.
Những khoảnh rừng bị đốt tại Indonesia sẽ được dùng làm đất trồng cọ.