Vào nhóm chat riêng của con và các bạn cùng lớp, kinh hãi phát hiện nhiều nội dung về "chuyện người lớn" - Đây là câu chuyện được một bà mẹ có con học lớp chọn, tại một trường tư thục "thuộc hàng top" ở Hà Nội thu hút sự chú ý.
Chị cho biết, từ cách đây 1 tháng, mỗi buổi chiều tối con được sử dụng iPad 30 phút để kiểm tra tin nhắn ở nhóm học tập hoặc xem các chương trình giải trí. Thứ 7 và chủ nhật thì con được dùng 1 tiếng/ngày. Chị giao hẹn giờ dùng và con dùng khá đúng cho đến nay.
Tuy nhiên, chị phát hiện một số bạn trong lớp con lập nhóm bạn bè trên Google Chat. Trong đó, có bạn trai (tạm gọi là P.) rất hay copy các câu chuyện trên mạng, chủ đề là về chuyện người lớn rất bậy gửi vào.
"Có lúc các bạn nói bậy, chửi bậy nhiều nên con thoát ra; sau đó sợ bị lạc lõng lại vào lại nhóm. Do con dưới 14 tuổi nên các phần chat đó đều gửi vào máy mình nên mình đọc được. Thêm nữa, các bạn nói bậy, chửi bậy rất nhiều; mà không hiểu sao thời giờ các bạn gái nói bậy kinh khủng thật chứ thời mình thì quả là cực ít (mình 39 tuổi).
Theo các bố mẹ thì mình nên: Nhắn cho cô giáo nhờ cô nói chuyện với bạn P. và nhắc nhở các bạn việc nói bậy, chửi bậy (nói chung), nhắn trực tiếp cho mẹ P. về việc của bạn ấy, hay là chỉ cần nói con ra khỏi nhóm", bà mẹ thắc mắc. Theo chị, P. là một bạn trai học khá, đã dậy thì. Ngoài gửi clip hay truyện người lớn, P. còn rủ các bạn khác làm theo.
Dưới phần bình luận, nhiều phương án khác nhau được phụ huynh gợi ý.
Ảnh minh họa
Nói tục và... chuyện người lớn, có bình thường?
Nhiều phụ huynh công nhận, chuyện "nói tục, nói bậy" ngày càng lan rộng. Không xa lạ nếu một ngày bạn đi ngang qua một hàng trà sữa, bánh tráng trộn ở cổng trường lúc tan học và nghe được đoạn nói chuyện của các học sinh liên tục "đệm" bằng các từ tục bậy… Trường công trường tư, trường chất lượng cao hay chất lượng bình thường cũng không tránh khỏi trường hợp này.
Theo nhiều người, môi trường giờ là thế, các em chỉ hùa theo chứ không hẳn là hư. Với trường hợp con phụ huynh nói trên, cháu không nói bừa bãi với người lớn, họ hàng thì không có gì đáng ngại. Trong thế giới của các em thì vậy là hoà nhập.
Bố mẹ đừng can thiệp thô bạo vào quan hệ bạn bè của các con. Nếu thấy con có bạn xấu, bạn nói bậy, chơi game nhiều… hãy nói chuyện, để con tự nhận ra mà có hành động phù hợp. Các con tuổi này bắt đầu có cái tôi, muốn khẳng định cái tôi mà phụ huynh can thiệp thô bạo quá thì hậu quả cũng khôn lường, chỉ càng để các con ra xa mình hơn và sẽ thiết lập thế giới riêng của mình
"Cấp 2 em từng bị phân vào lớp hạng bét trong trường, toàn những đứa ngỗ nghịch, nói tục, chửi bậy rất nhiều. Sau đấy, bằng lực học em được phân vào lớp tốt hơn. Lên cấp 3 em học chuyên, tiếp xúc với khá nhiều bạn thì nhận ra rằng đấy là môi trường bây giờ nó vậy, vẫn nói tục, bậy bạ nhưng không nhiều bằng trường thường thôi. Có thể em nhà cô sẽ bị lây chút ít nhưng sẽ không ảnh hưởng nếu cô quản cách ăn nói ứng xử của em ở nhà. Việc này không cần lo quá mà chỉ cần dạy dỗ, uốn nắn với em ấy là được", một tài khoản gợi ý.
Luồng ý kiến này cho rằng, nếu môi trường là vậy mà mẹ không thể tách con khỏi môi trường ấy, thì chỉ cần cho con biết: Mình là người trong cuộc, mình phải nghe nhưng không nhất thiết con cũng phải dùng ngôn ngữ như vậy để đáp trả... Các con có ngôn ngữ bông đùa riêng. Miễn sao con biết dùng từ ngữ và thái độ phù hợp khi nói chuyện với các nhóm người khác nhau, môi trường khác nhau là được.
Còn về vấn đề chuyện người lớn, đây là cơ hội để bố mẹ nói chuyện thẳng thắn với con và trang bị cho con những kiến thức phù hợp và đúng đắn. Chúng ta có thể cởi mở với con về việc giáo dục giới tính, dạy con cái hiểu biết về phòng chống hay tác hại của quan hệ tình dục và nhấn mạnh việc đó là vi phạm pháp luật ở độ tuổi của con. Thà vẽ sẵn đường cho hươu chạy còn hơn là để hươu chạy lung tung vì đây cũng là 1 phần tất yếu của cuộc sống.
Với phương án báo cho giáo viên, theo nhiều người có thể trao đổi với thầy cô trên phương diện thông báo hiện tượng để thầy cô uốn nắn thêm, phối hợp với gia đình. Tuy nhiên nếu mẹ mách cô giáo và dừng lại ở đấy mà không có thêm biện pháp căn cơ lâu dài và sự hợp tác của các phụ huynh khác, thì không loại trừ trường hợp các con sẽ có thêm 1 group khác. Như vậy hiệu quả giáo dục rất thấp, trong khi nguy cơ con bị cô lập lại rất cao.
"Bạn nên tìm cách làm thân để con chia sẻ càng nhiều thì bạn sẽ định hướng tốt hơn. Nên tập trung dạy con cách đối mặt, rèn bản lĩnh để 'miễn nhiễm' với các điều xấu thôi vì giờ tình trạng đó là phổ biến, không thể tránh hết được, sau này đi làm cũng vậy, chẳng lẽ cứ tránh mãi...
Nhóm bạn của con mình cũng bậy kinh khủng, mẹ cũng không xăm soi gì nhưng mà con tự kể với mẹ và nói thêm là: 'Kệ các bạn í, con không phản đối nhưng cũng không nói theo'. Tóm lại mình thấy con bạn hoàn toàn bình thường. 'Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy'. Các con cần được dạy cách đối phó phù hợp với các tình huống chứ không phải là rút nó khỏi cuộc sống thông thường", một phụ huynh nhận định.
Không nên cổ xúy cho những cái sai dù nó đang nhiều lên
Tuy nhiên, khác với góc nhìn khá "thoáng" của nhiều bậc phụ huynh, một thạc sĩ giáo dục cho rằng, trẻ mới lớp 6 nghĩa là vẫn đang ở độ tuổi được bảo hộ. Vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc:
"Mình nghĩ là có 2 vấn đề tách bạch ra: 1 là nói bậy chửi tục, 2 là có bạn truyền bá truyện người lớn thì mình không nghĩ nên đối xử đơn giản hoặc cho qua dễ dàng. Vì đây là vấn đề có quy định của pháp luật. Tuy các bạn nhỏ đều dưới 16 tuổi, chưa bị truy tố, nhưng luật pháp quy định tức là vấn đề này không đơn giản. Ngoài ra, nhà trường chắc chắn có nội quy về truyền bá văn hóa phẩm không đúng đắn? Tại sao mọi người nói rằng 'môi trường là thế'. Nếu mình nói cho mọi người biết môi trường lớp con mình không thế thì sao? Không nên cổ xúy cho những cái sai dù nó đang nhiều lên.
Vì xem 'sex' quá sớm thiếu định hướng kiến thức có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sâu sắc cho cơ thể và tinh thần con. Mong bạn cân nhắc, nói chuyện với con, có cách ngăn chặn bớt việc này một cách hệ thống. Mình đã từng can thiệp vài trường hợp các bạn hút thuốc điện tử, ra net cỏ, mình chiếu theo đúng quy định, báo cáo đúng người đúng việc, kết quả là gia đình kia nhận ra vấn đề, hỗ trợ con họ thoát nghiện sớm".
Chị cho biết, bản thân cũng thường xuyên phải cân nhắc khi con tâm sự các chuyện về các bạn trong lớp. Có những chuyện chắc chắn mình phải báo cáo (lấy tiền bố mẹ nhiều và mua bán ngoài cổng trường - phạm luật, hút thuốc/thuốc điện tử/ thị dâm - cho người khác xem cơ thể hoặc phim truyện ảnh sex - phạm pháp, hoặc các việc quá nhạy cảm mà dự trù có thể gây hại cho cơ thể, tinh thần ai đó...).
"Mình thường duy trì quan hệ tốt với cô, đánh giá cô từ đầu năm, đủ tin cậy thì sẽ gửi thẳng, nếu không đủ tin cẩn thì mình tìm cô nào đó tin cẩn trong trường, chắc chắn những việc dạng này cần có các cấp quản lý hỗ trợ. Còn có những chuyện lưỡng khả, có thể theo dõi thêm thì theo dõi thêm.
Quá trình làm trên mình bàn với con, hỏi con các hướng giải quyết, các hệ lụy/hậu quả/tác động/ý nghĩa. Đến giờ, con vẫn vui vì đã 'cứu' được 1 người bạn thân khỏi thuốc lá, bằng cách động viên nhưng k giấu giếm, xin hỗ trợ kịp thời từ mẹ. Mình nghĩ là, cư xử thẳng thắn với tình yêu và tinh thần bao dung thì sẽ tốt cho con mình và cả các bạn", chị nói.