Lên đại học, dù muốn hay không thì rất nhiều sinh viên vẫn phải chọn sống xa nhà, sống xa cha mẹ. Không chỉ sinh viên lo lắng, mà cha mẹ cũng nhớ mong đứa con sống chung mười mấy năm trời. Vậy nên nhiều phụ huynh cứ cuối tuần lại rối rít gọi điện hỏi con có về nhà không, có muốn cha mẹ ra thăm không...
Đặc biệt với những gia đình chỉ có 1 con, cha mẹ lại càng mong ngóng hơn. Như câu chuyện mới đây của nữ sinh trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã gây xúc động mạnh trước tình cảm của người bố dành cho con gái.
Từ ngày con lên đại học, người bố ngày đêm ngóng trông con về. Đến một lần cô con gái trở về nhà, thấy nồi cơm điện mốc rêu, nằm lọt thỏm một góc. Cô thắc mắc hỏi bố thì câu trả lời khiến ai nấy sững người, không kìm nổi nước mắt.
(Ảnh minh họa)
Dòng chia sẻ của cô con gái được đăng tải như sau:
Mình là sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân, học xa nhà được vài năm. Nhà thì chỉ còn bố, ông bà và mẹ mình mất hết rồi, mất khi mình 4 tuổi do tai nạn. Từ ấy bố nuôi mình một mình, không lấy ai nữa vì sợ lấy vợ thì mình sẽ bị đối xử không tốt nên cứ chăm con một mình như thế.
Bố chiều mình cực kì luôn, vì có mỗi một cô con gái mà, hay mua đồ ăn, đồ uống, quần áo cũng không để mình thua bạn bè, không được hàng chính hãng hàng tốt nhưng lúc nào cũng phải đủ. Ngày còn học sinh thì đi học bố dù có bận cũng đến đón, mãi lên cấp 3 mình mới tự đi học, tự đi nhưng bố vẫn muốn đưa đi đón về nếu có thời gian. Lên đại học thì xa nhà, bố nhớ, ngày nào cũng gọi, cũng nhắn tin, có vấn đề gì cái là phải biết ngay…
May mình là con gái, được chiều nhưng mình cũng biết điều, ngoan ngoãn, cũng biết nhà chỉ còn hai bố con nên luôn nghe lời bố, chưa bao giờ bố phải đánh mình, thi thoảng mắng thì có đôi chút. Ai chẳng có lúc sai lầm, lúc hư hồi bé.
À từ lúc đi lấy chồng, bố vẫn giữ thói quen cũ là những ngày 20/10 hay sinh nhật, ngày 8/3 đều chuyển khoản cho mình tiền xong bảo "Cho tiền mua hoa tặng con gái yêu của bố". Hay thi thoảng gọi mà thấy ốm là bố lại cho tiền vì xa quá, chả gửi được quà cáp gì nên toàn cho tiền bằng cách chuyển khoản ấy. Có một lần tâm sự bảo là bố giữ lại mà tiêu, mà đi chơi thì bố bảo:
"Thôi, sau này bố mất đi thì cũng thành cát bụi, điều hạnh phúc nhất của bố bây giờ là thấy con cùng chồng hạnh phúc!"
(Ảnh minh họa)
Tuần trước, mình về thăm bố thì thấy nhà vẫn sạch sẽ, sàn nhà chỉ hơi bụi. Mình đi tìm cái nồi cơm để cắm sau đó đi chợ thì không thấy đâu. Thấy bố cất vào một góc mới lấy ra, mở ra thì thấy mốc hết. Nghĩ bụng chắc bố để quên nhưng sao lại mốc thế này, hay bố dùng nồi khác:
- Bố à, bố dùng cái nồi trong góc ấy hả, nồi xanh cũ ấy.
- Ừ đúng rồi, à bố quên mất đấy, lâu không dùng, con rửa đi nhé.
- Sao bố không dùng, bố không ăn cơm nhà à?
- Ừ, có một mình bố toàn đi ăn ngoài thôi, bình thường thì ăn phở, ăn cơm bụi, ăn bún, đi ăn một mình cho nhanh rồi về nghỉ ngơi, chứ có như trước kia con ở nhà đâu mà bố nấu cơm.
Nghĩ thương bố, bố còn 2 năm nữa về hưu, vẫn vất vả vì công việc, đi làm một mình, về cũng chẳng ai nấu cơm cho bố, bố đi ăn ngoài 1, 2 ngày lại gọi cho mình vì nhớ con, lúc nào cũng bảo mình có thời gian về chơi với bố.
Viết đến đây nước mắt cứ chảy ra, xin lỗi mọi người mình không viết gì được thêm nữa. Nói lời cảm ơn bố, bao nhiêu cho đủ. Nay ăn cơm, bố còn bảo:
- Sau này bố già, ốm yếu rồi mất, cái nhà này bán đi hai đứa để đầu tư còn chuyển bát hương của bố mẹ về nhà thờ tổ, chứ ở đây có ai ở đâu.
- Bố vẫn còn đây mà, bố vẫn còn khoẻ và đi làm mà, sao bố tính xa thế… Trong câu nói của bố mình tự hiểu dù có mất đi rồi, bố vẫn muốn lo cho con gái của bố.
Con sẽ sống tốt, chắc chắn bố mẹ à…
Đọc xong câu chuyện ai cũng rưng rưng xúc động trước tình cảm người bố dành cho cô con gái. Bố đã chấp nhận hi sinh hạnh phúc cá nhân để chăm con tốt nhất, đến khi lớn vẫn thường xuyên hỏi han, tặng quà mỗi dịp lễ Tết cho con.
Chuyện nồi cơm điện mốc rêu khiến nhiều người nghẹn ngào nhớ về cha mẹ của mình, cũng cô đơn biết mấy khi con cái không thường xuyên ở nhà. Người cha dần làm quen với việc ăn cơm hàng để đỡ phải nấu nướng.
Bên cạnh việc ngưỡng mộ tình cảm cũng như sự tâm lý của người cha, nhiều người cũng hi vọng cô con gái sẽ thường xuyên về thăm để chăm sóc cha được tốt hơn.