Con gái ghi "2 + 1 > 1" vẫn bị gạch sai, người mẹ thắc mắc hỏi dân mạng liền nhận về lý do "tâm phục khẩu phục"

Vân Trang, Theo Trí Thức Trẻ 21:26 20/10/2020

Tưởng ghi "2 + 1 > 1" là đúng, nhưng cô học trò vẫn bị trừ điểm với lý do rất dễ mắc này.

Thời đi học, cứ nhắc đến những môn tính toán là nhiều người ngán ngẩm vì quá lắt léo, học "đau não". Tuy nhiên, vì Toán quá phổ biến và có ý nghĩa nên dù là khắc tinh thì Toán học vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong hành trang của nhiều người.

Trong thời đại này, một câu Toán nhỏ cũng có thể trở thành nguồn cơn tranh cãi và khiến cộng đồng mạng "chia phe" vì không tìm ra được câu trả lời thống nhất.

Điển hình như mới đây, một bà mẹ đã đăng đàn chia sẻ: "Chào các bố mẹ, hôm qua con mình làm bài kiểm tra. Mình thấy con làm thế này thì nghĩ hợp lý rồi, trẻ con có quyền làm theo cách con nghĩ. Kết quả là con mình sai! Vậy theo mọi người, kết quả của con sai hay đúng?".

Con gái ghi 2 + 1 = > 1 vẫn bị gạch sai, người mẹ thắc mắc hỏi dân mạng liền nhận về lý do tâm phục khẩu phục - Ảnh 1.

(Ảnh: Thuy Phương)

Bài Toán có yêu cầu khá đơn giản với đề: "viết phép tính thích hợp". Đính kèm là 2 quả chuông và 1 quả chuông được chia thành từng ô.

Cô học trò viết đáp án "2 + 1 > 1". Tuy nhiên liền bị cô giáo sửa lại thành "2 + 1 = 3". Điều này khiến phụ huynh thắc mắc vì kết quả phép tính "2 + 1 > 1" hoàn toàn đúng.

Bên dưới bài viết đã nhận về rất nhiều bình luận trái chiều. Một bên bênh vực cô giáo vì về mặt kết quả, dù đáp án "2 + 1 > 1" là đúng, tuy nhiên lại không đúng yêu cầu đề bài.

Bởi ý đồ của người viết là muốn học trò sử dụng thành thạo phép giao hoán (hoán đổi) trong Toán học: Trong phép cộng có thể hoán đổi thứ tự số nhưng vẫn ra kết quả đúng.

Tuy nhiên, một bên phụ huynh lại cho rằng đề bài không chặt chẽ nên cô học trò làm vậy hoàn toàn có thể thông cảm được, đặc biệt còn khá sáng tạo khi nghĩ khác mọi người. Trong những trường hợp thế này, cô giáo không nên gạch đi mà nên góp ý thêm. Điều đó vừa giúp học trò hiểu về phép giao hoán, vừa khuyến khích tính sáng tạo.

Phụ huynh K.N góp ý nên sửa lại đề bài cho rõ ràng hơn: "Viết phép tính thích hợp để ý nghĩa bài toán trong 2 trường hợp không bị thay đổi".

Còn bạn, bạn thấy sao về bài toán Tiểu học này?