Là cha mẹ, việc mong con kiên trì học hành, đạt điểm cao là điều hợp lý. Tuy nhiên trong quá trình con cái trưởng thành, nhiều người vì quá kỳ vọng vào thành tích, điểm số mà có những sai lệch trong cách giáo dục dẫn tới kết quả tiêu cực. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Tiểu Quyên (Thượng Hải, Trung Quốc) là một nữ sinh 16 tuổi, thành tích học tập từ tiểu học đến trung học cơ sở đều rất tốt. Nhưng sang đến cấp 3, em cảm thấy rất khó hòa nhập và điểm số cũng trên đà suy giảm. Lo lắng cho tình hình của con, người mẹ tìm gia sư giỏi, cấm tiệt con ra ngoài vui chơi để tập trung 100% cho việc học. Dù vậy sau nhiều tháng, thành tích của Tiểu Quyên vẫn không cải thiện mấy.
Cảm thấy tương lai của con ngày càng vô vọng, cha mẹ Tiểu Quyên thường xuyên cằn nhằn, cho rằng con gái không cố gắng học tập chăm chỉ, điều này khiến em rất buồn.
Thậm chí, người cha còn ra "tối hậu thư", nếu con không thi đậu vào một trường đại học trọng điểm, cha mẹ sẽ không cho cơ hội học lại và "con sẽ tự tay hủy hoại cuộc đời mình". Tiểu Quyên không nói gì, nhưng thành tích học tập của em sau đó đột nhiên được cải thiện vượt bậc, từ "cuối bảng" trước đây trở thành học sinh đứng đầu.
Nhưng trong buổi kiểm tra sức khỏe trước kỳ thi tuyển sinh đại học, bác sĩ nói với cha mẹ của Tiểu Quyên: "Con anh chị đang có vấn đề".
Hóa ra, dưới áp lực quá lớn, Tiểu Quyên thức khuya và học đến 3 giờ sáng mỗi ngày, cố gắng bù đắp kiến thức từng chút một. Nhưng đồng thời, em cũng mắc bệnh tim và thường xuyên bị mất ngủ do căng thẳng. Tiểu Quyên sau đó mặc dù thi đỗ đại học nhưng thường xuyên bị chóng mặt, đánh trống ngực và mất ngủ. Thiếu ngủ kéo dài khiến chức năng gan và thận cũng kém đi, em phải nghỉ học ở nhà để tĩnh dưỡng.
Đối với nhiều bậc cha mẹ, họ cảm thấy lời nói và việc làm của mình không có gì sai, chỉ là do khả năng chịu đựng của những đứa trẻ quá mỏng manh, không chịu thừa nhận việc học của mình có vấn đề. Kiểu thái độ này đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, dù trẻ giành được điểm cao cũng đánh mất tình cảm.
Cha mẹ muốn con học tốt là điều đương nhiên, nhưng nên dùng những phương pháp hợp lý để giúp con giải quyết những khó khăn gặp phải. Đổ lỗi và tạo áp lực cao có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái lo lắng và tội lỗi tột độ, đồng thời có thể không loại trừ khả năng dẫn tới mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường.
1. Cùng con tìm giải pháp
Khi trẻ bước vào cấp 2, nội dung học tập trở nên khó khăn hơn, nếu cha mẹ gây áp lực lớn, trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, cáu kỉnh, không có lợi cho việc học. Cha mẹ nên giúp con bình tĩnh, dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu nội dung bài học và giúp con tháo gỡ.
Ba mươi phút học tập trung có thể hiệu quả hơn cả buổi con ngồi học mà lúc thì nhắn tin điện thoại, lúc khác lại nghĩ ngợi vẩn vơ về việc đi chơi hay buổi tụ tập ngày mai với bạn bè... Nếu con bạn không ngừng rèn luyện khả năng tập trung, đây sẽ là bí quyết vàng giúp con có thể tiếp thu thông tin nhanh, ghi nhớ lâu trong thời gian ngắn nhất.
Mặc dù việc ngồi kè kè cạnh con kèm con học không phải là cách tốt, nhưng cha mẹ cũng cần quan sát quá trình học tập của con, xem con có bị phân tán không, vì sao con chưa tập trung để hỗ trợ con tốt nhất.
2. Giúp con nhìn thấy những điểm tích cực ở trường học
Khối lượng kiến thức đồ sộ, áp lực bài vở, phương pháp giảng dạy khô cứng... có thể khiến con bạn cảm thấy mệt mỏi và chán trường học. Hãy giúp con thích ứng với môi trường học tập hiện có, và cố gắng tìm thấy những lợi thế, những mặt tích cực trong bối cảnh hiện tại.
Đó có thể là một thầy giáo có phong cách dạy hấp dẫn và hiệu quả, một nhóm bạn cùng đam mê môn Toán, hay câu lạc bộ học tiếng Anh gặp gỡ để giao tiếp hàng tuần... Cái nhìn tích cực này sẽ giúp con tìm thấy niềm vui trong những khó khăn, đồng thời tận dụng được những ưu việt của môi trường mình học để phát triển bản thân và yêu thích việc học.
3. Đừng tạo ra văn hóa so sánh
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ trẻ đã hiểu rõ hơn về việc giáo dục con cái, nhiều người hiểu rằng luôn nói "con nhà nọ hơn con" khiến con cái nhiều lần bị tổn thương. Việc cha mẹ phớt lờ sự cố gắng của trẻ và mù quáng so sánh khiến trẻ không phát huy được tiềm năng. Trẻ luôn nghĩ mình thua kém người khác, mất tự tin và dần trở thành một người tầm thường.
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều có những ưu và nhược điểm riêng. Cha mẹ tốt sẽ thấy mặt tốt của con, cha mẹ độc hại chỉ nhìn thấy mặt xấu của con mình. Cha mẹ cần có phương pháp giáo dục con đúng đắn để tương lai của trẻ trở nên tươi sáng.