Con bị xếp ngồi cạnh bạn học "có vấn đề", mẹ lên mạng cầu cứu nhưng bất ngờ nhận được phản bác từ hội phụ huynh

Nhật Minh, Theo Pháp luật và Bạn đọc 20:03 01/11/2020

Không chỉ bị xếp ngồi gần bạn có "vấn đề về tâm lý", bà mẹ này còn cho rằng con mình bị bạn cắn vào tay và ném cặp sách nhưng không nhận được sự can thiệp từ cô giáo đứng lớp.

Người Việt Nam hay có câu "chọn bạn mà chơi", còn khi đi học phụ huynh lại hay quan tâm chuyện con "chọn bạn mà ngồi". Dù việc sắp xếp vị trí là thuộc trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, tuy nhiên khi biết con ngồi cùng bàn một bạn học "cá biệt", bố mẹ nào cũng sẽ thấy lo lắng, sợ con học phải những thói hư tật xấu hay ảnh hưởng đến quá trình học tập.

Con bị xếp ngồi cạnh bạn học có vấn đề, mẹ lên mạng cầu cứu nhưng bất ngờ nhận được phản bác từ hội phụ huynh - Ảnh 1.

Khi biết con ngồi cùng bàn một bạn học "cá biệt", bố mẹ nào cũng sẽ thấy lo lắng, sợ con học phải những thói hư tật xấu (Ảnh minh họa)

Một bà mẹ tên M.H (Quận 10, TP.HCM) cũng mang tâm trạng đầy bức xúc này lên một hội nhóm dành riêng cho phụ huynh có con vào lớp 1 để mong được chia sẻ. Thế nhưng, bất ngờ là câu chuyện của phụ huynh này lại nhận được những ý kiến không đồng tình. Nhiều người cho rằng, người mẹ này chỉ nghĩ đến con mình, thay vì uốn nắn dạy dỗ con thì chỉ biết đẩy hết trách nhiệm cho cô giáo và nhà trường.

Trong bài chia sẻ của mình, chị H. cho biết, dù đã lên lớp 1 nhưng con trai chị vẫn giữ nếp sinh hoạt như lúc học mầm non nên rất nghịch ngợm, không nghe lời cô giảng, luôn ngó ngoáy trong lớp, hay nói chuyện với các bạn xung quanh. Gia đình cũng đang cố gắng dạy dỗ lại bé từ từ. Nhưng mới đây con đi học về kể bị một bạn cắn vào tay, lấy cặp sách ném, chị hỏi ra thì mới biết con được xếp ngồi cạnh một bạn được xem là cá biệt lại "có chút vấn đề", hay đi lung tung trong lớp học hoặc cướp đồ người khác. Người mẹ này cho biết chị đã nhờ cô giáo xem lại việc đổi chỗ ngồi nhưng sau hai tuần mọi việc vẫn không thay đổi.

Nhiều phụ huynh cho rằng, trong câu chuyện này chị H. phải đặt mình vào vị trí cô giáo để hiểu và thông cảm. Bởi đi học đến trường để thành người, nhưng trước hết trẻ nên được dạy dỗ từ cha mẹ, gia đình. Nếu một đứa trẻ bình thường mà cá tính quá mạnh, không biết chừng mực thì có chăng ta nên xem xét lại bản thân người trực tiếp dạy dỗ.

"Bây giờ giáo viên không được phạt trẻ, nặng lời với trẻ thì mẹ nghĩ cô giáo phải làm sao? Ở nhà 1 bé ba mẹ không rèn nổi con thì trong lớp 1 mình cô 30 - 40 mấy trẻ sao cô quản hết được. Và bạn có từng nghĩ con bạn đang làm ảnh hưởng đến các bạn khác không hay chỉ nghĩ cho ích lợi con mình mà quên đi lợi ích của các bé khác khi đến trường?", một phụ huynh bày tỏ.

Phụ huynh khác cho rằng, trong lớp đã có một bé "hơi không bình thường" lại thêm 1 bé quậy nhất lớp. Để mỗi đứa 1 góc thì sẽ nghịch 2 góc là ít nhất, vậy nên gom lại góc đó để dễ quản lí và khỏi ảnh hưởng thêm các bạn khác. Trong lớp cô còn nhiều bé, không thể vì 2 cá nhân mà suốt ngày cứ phải ngắt quãng bài dạy để la rầy hoài được.

Phải làm gì nếu con quá nghịch ngợm?

Trẻ hiếu động, nghịch ngợm được cho là thông minh, nhưng khi sự hiếu động này quá mức, cần có biện pháp để "kìm hãm" trẻ. Không có đứa trẻ nào sinh ra đã mang sẵn trong mình bản chất "ngỗ nghịch" hoặc hiền lành. Trẻ như thế nào là do cha mẹ, người lớn, bạn bè, môi trường xung quanh tác động.

Đứa trẻ càng bị đánh đập, bạo hành thể xác và tinh thần nhiều chừng nào thì càng trở nên lì lợm và bất cần chừng nấy. Ngược lại, một đứa trẻ được nuông chiều quá mức cũng sẽ sinh ra ích kỉ, đòi gì được nấy, thích làm theo ý mình.

Các chuyên gia tâm lý khuyên bố mẹ đừng để mất bình tĩnh mà nổi nóng, quát mắng khi các bé con nghịch ngợm, không nghe lời. Thay vì đó nên có cách xử lý gần gũi và hiệu quả hơn để nuôi dạy con. Cố gắng để con có một thời gian biểu trong ngày nghiêm ngặt, trong đó thời gian cho dạo chơi và những trò chơi yên bình phải nhiều hơn, thời gian xem tivi hay smartphone ít hơn. Tính hiếu động có thể được kiểm soát và tiết chế nếu chúng ta dùng thói quen cố định đúng cách, tất cả các hoạt động như ăn cơm, tắm rửa… cũng đều phải thật đúng giờ giấc.

Con bị xếp ngồi cạnh bạn học có vấn đề, mẹ lên mạng cầu cứu nhưng bất ngờ nhận được phản bác từ hội phụ huynh - Ảnh 2.

Khi con nghịch phá thì phụ huynh phải thường xuyên trao đổi, đồng hành cùng cô giáo để tìm ra giải pháp, trong một số tình huống bố mẹ buộc phải trao cho cô quyền được răn đe thì trẻ mới sợ mà nghiêm túc và sửa đổi dần. Đồng thời có thể có cách thức khen thưởng kịp thời khi bé tiến bộ.

"Mình đã chứng kiến có những học sinh lên đến cấp 3 rồi vẫn còn nghịch phá lớp bởi thói quen xấu đã hình thành từ bé mà không sửa. Giáo dục trong nhà trường quan trọng, nhưng gia đình mới là hạt nhân hình thành nhân cách. Bạn cứ tâm sự, thể hiện tình yêu với con, nhẹ nhàng, tình cảm. Thay đổi ở cha mẹ, người lớn dần sẽ thay đổi được con. Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình là vậy bạn ạ", một phụ huynh bình luận.

Bên cạnh đó, môi trường ô nhiễm, cha mẹ quá bận rộn đã khiến bệnh tăng động giảm chú ý ngày càng nhiều. Nhiều bậc phụ huynh chỉ phát hiện con mình có những biểu hiện bất thường khi trẻ đến tuổi đi học, gặp nhiều vấn đề… lúc đó họ mới tá hỏa cho con đi khám chữa.

Theo chuyên gia tâm lý, việc giảm tập trung chú ý và tăng động bộc lộ thường xuyên trong ngày và trong mỗi ngày, chứ không phải 1 tháng xuất hiện 1 lần. Để phát hiện con mình là hiếu động quá mức hay mắc chứng tăng động giảm chú ý, phụ huynh cần lưu ý các biểu hiện thường khởi phát trước khi trẻ 7 tuổi.

Về các triệu chứng tăng động, nếu trẻ có ít nhất 3 trong các triệu chứng dưới đây và kéo dài 6 tháng trở lên thì cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để chẩn đoán chính xác:

Cử động bàn chân, tay liên tục không ngồi yên;

Leo trèo quá mức trong các tình huống;

Rời khỏi chỗ ngồi trong lớp học trong những tình huống không được phép;

Khó khăn trong việc giữ yên lặng trong lớp học;

Biểu hiện dai dẳng của mô hình vận động quá mức (không bị ảnh hưởng của các yếu tố xung quanh).