Cơn ác mộng quyết toán thuế cá nhân

Công Hiếu - Phạm Duy/VTC News, Theo vtcnews.vn 09:49 09/08/2024
Chia sẻ

Các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, khó hiểu khiến việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân bế tắc, nhiều người bức xúc vì mất quá nhiều thời gian, công sức.

7 lần quyết toán online vẫn không xong

Anh Xuân Cường (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh có hai khoản thu nhập vãng lai phải nộp thuế. Sau khi được bộ phận kế toán của cơ quan hướng dẫn, anh đã thu thập hóa đơn, chứng từ của hai khoản này từ đơn vị chi trả. Anh Cường nộp hồ sơ online qua dịch vụ eTax và nghĩ là sẽ tiết kiệm được thời gian, có thể nhanh chóng quyết toán thuế.

Tuy nhiên, anh Cường đã nộp hồ sơ đến 7 lần mà vẫn không thành công. " Oái oăm là khi gửi hồ sơ đi, hệ thống vẫn báo đã gửi thành công. Nhưng sau 24 tiếng, hồ sơ lại bị trả về mà không hề có lý do, khiến tôi không biết phải chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ của mình như thế nào cho đúng. Tôi rất bức xúc vì mỗi lần đăng ký hồ sơ thuế phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn. Đi quyết toán thuế để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật mà khó khăn như thế này thì đúng là quá bất cập, gây ức chế cho người dân" , anh Cường nói.

Cơn ác mộng quyết toán thuế cá nhân- Ảnh 1.

Nhiều người thực hiện quyết toán thuế online rất nhiều lần mà không thành công.

Theo anh Cường, anh cũng đã trực tiếp đến Chi cục Thuế quận Hoàng Mai để hỏi về trường hợp của mình. Nhưng sau một hồi nghe cán bộ thuế giải thích, anh vẫn không biết mình đã sai ở khâu nào vì thủ tục quá khó hiểu.

"Không đủ sức để đeo đuổi vụ việc, tôi đành chấp nhận nộp phạt vì quá hạn nộp thuế và từ bỏ khoản hoàn thuế trị giá 10 triệu đồng mà cơ quan sở tại đã chi cho trước đó" , anh Cường chán nản chia sẻ.

Anh Phạm Hồng Lê (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có khoản thu nhập vãng lai 1,2 triệu đồng. Sau khi được phòng hành chính kế toán của công ty sở tại hướng dẫn, anh Lê kiểm tra và biết khoản này đã hiển thị trên eTax và chưa được đơn vị chi trả nộp thuế. Do đó, anh phải quyết toán thuế thì mới lấy được khoản hoàn thuế thu nhập cá nhân do giảm trừ gia cảnh trị giá 12 triệu đồng.

Anh Lê cho biết, cơ quan thuế yêu cầu khoản thu vãng lai phải có hóa đơn, chứng từ. Do đó, anh tìm đến đơn vị chi trả khoản vãng lai để được cấp hóa đơn. Nhưng dù đã được bộ phận kế toán xác nhận là giấy tờ hợp lệ, anh Lê vẫn không thể hoàn tất khâu nộp hồ sơ online.

"Tôi nộp 5 lần và cứ sau một vài ngày lại nhận được thông báo của ngành thuế rằng hồ sơ không thành công do tài khoản ngân hàng của người nộp thuế không tồn tại trong đăng ký thuế. Tuy nhiên, tôi đã nhờ kế toán công ty kiểm tra kỹ và rõ ràng tài khoản của tôi vẫn hoạt động bình thường, mọi thu nhập của tôi đều được thu/chi từ tài khoản đó" , anh Lê thắc mắc.

Theo anh Lê, chỉ vì khoản thu vãng lai 1,2 triệu đồng không thể quyết toán mà giờ anh đã phải nộp lại 12 triệu đồng tiền hoàn thuế do giảm trừ gia cảnh, phải nộp tiền thuế thu nhập cá nhân trị giá 120.000 (10% của khoản thu vãng lai) và nộp phạt hơn 200.000 đồng vì nộp thuế chậm.

" Thu được 1 đồng thì mất đến 10 đồng, lại rước thêm bực bội vào người. Theo tôi, trong trường hợp này là do sự phức tạp về thủ tục thuế, không phải do lỗi từ người dân, vì tôi đã rất có ý thức nộp thuế, đã tìm mọi cách để nộp nhưng không thành công" , anh than.

Doanh nghiệp cũng "méo mặt"

Chị Trần Thu Trang, kế toán tại một đơn vị hành chính sự nghiệp cho biết, việc quyết toán thuế đối với cá nhân hiện nay có những quy định chồng chéo.

“Cơ quan tôi có người có thu nhập ở một nơi khác là đơn vị A trong 5 tháng, trong đó 4 tháng thu nhập 10 triệu đồng, đơn vị chi trả đã thu 10% thuế của 4 tháng này là 4 triệu đồng. Nhưng 1 tháng còn lại, người lao động thu nhập chỉ 1 triệu đồng, theo quy định thì không phải chịu thuế nên đơn vị A không thu thuế.

Khi cơ quan tôi làm quyết toán thuế cho cá nhân này, vì bên A không thu đủ 10% của tổng số 41 triệu đồng kia nên người lao động không được ủy quyền cho chúng tôi quyết toán thuế, mà chính người lao động phải tự đi làm" , chị nói.

Hay một người có một khoản thu nhập đều đặn hàng tháng là 1,9 triệu đồng, theo quy định, mức thu nhập này không phải chịu thuế. Nhưng cuối năm đi quyết toán thuế thì cơ quan thuế sẽ thu đủ 10% của cả năm, tức là 10% của 22,8 triệu đồng. Rõ ràng, nguồn thu nhập này không nằm trong diện phải nộp thuế nhưng cuối cùng vẫn phải nộp hơn 2,2 triệu đồng tiền thuế.

“Các quy định đang mâu thuẫn nhau. Nhưng không quyết toán thì người lao động sẽ phải nộp phạt tờ khai, phạt nộp chậm tốn rất nhiều tiền" , chị Trang nói.

TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia cao cấp về thuế, giảng viên trường Đại học Kinh doanh Công nghệ cũng nhận định thủ tục nộp thuế bây giờ quá nhiêu khê.

“Ngay như tôi làm ở cơ quan thuế mấy chục năm nhưng bây giờ bảo đi làm các thủ tục nộp thuế thu nhập cá nhân cũng thấy khó chứ chưa nói đến người dân không biết gì. Chưa khi nào tôi thấy ngành thuế nhiều thủ tục phiền hà về quyết toán thuế, thu thuế, hoàn thuế cho người dân như hiện nay” , ông Tú khẳng định.

Cơn ác mộng quyết toán thuế cá nhân- Ảnh 2.

Việc quyết toán thuế hiện nay khó khăn vì tồn tại những quy định chồng chéo. (Ảnh minh họa)

Theo ông Tú, lượng người nộp thuế thu nhập cá nhân hiện tăng liên tục và đạt hơn 10 triệu người, dẫn đến công tác quản lý của các cơ quan thuế gặp khó khăn. Ngoài ra, hiện nay rất nhiều người ngoài làm chính ở một cơ quan thì còn tham gia ở các cơ quan khác như giáo viên dạy ở nhiều trường, kế toán làm ở nhiều doanh nghiệp, điều này khiến việc nộp thuế, quyết toán thuế ngày càng phức tạp hơn.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính của tình trạng người dân khó quyết toán thuế là do người lao động không được cơ quan thuế hướng dẫn rõ tỉ mỉ, chi tiết. Đa số người dân ít tiếp cận với việc tự phải đi quyết toán thuế thu nhập cá nhân vì thế nên họ không thể tường tận những vấn đề mang tính chuyên môn để thực hiện chính xác, nhanh chóng được.

Ông Tú cho rằng, đây cũng là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, các cơ quan thuế, những đơn vị này phải hướng dẫn lại cơ chế chính sách một cách rõ ràng, rành mạch cho người dân, giúp họ hiểu được bản chất vấn đề và trình tự, thủ tục làm.

Ngoài ra, có thể tính đến việc ngành thuế tự động hoàn thuế cho người dân bằng điện tử, thay vì bắt người dân phải kê khai và nộp hồ sơ phức tạp mới được hoàn thuế.

"Các hóa đơn điện tử, mã số định danh đã được cung cấp cho cơ quan thuế rồi, ngành thuế dễ dàng kiểm soát để hoàn thuế cho người dân, còn những thủ tục thì cơ quan thuế phải chủ động xử lý.

Khi yêu cầu người dân nộp thuế sao nhanh thế, còn khi hoàn thuế cho người dân sao phải lắm thủ tục nhiêu khê? Tất cả dữ liệu thuế đều có hết rồi, từ thu nhập, tiền lương, thu nhập ngoài, khấu trừ, tiền tạm nộp... Việc hoàn thuế cho người có thu nhập cần phải làm tự động để cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân.

Đừng để khi thu thì dễ, khi hoàn thuế thì khó khăn. Nếu cơ quan thuế không hướng dẫn cụ thể, khiến người dân liên tục kê khai sai, họ sẽ chán nản mà bỏ khoản hoàn thuế thì lúc đó cơ quan thuế dễ mang tiếng lạm thu" , ông Tú nêu quan điểm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày