Thành công là sự hội tụ của vô vàn yếu tố. Trình độ học vấn rất quan trọng, nhưng thực tế mức độ quan trọng lại không nhiều như bạn thường nghĩ. Kinh nghiệm bản thân lại càng quan trọng, nhưng bạn chỉ có được sau thời gian dài cống hiến. Tiếp đến là các kĩ năng, điều này cũng chỉ có được sau quá trình tích lũy kinh nghiệm. Để đi đến thành công thì khó có thể đi một mình, vì vậy các mối quan hệ cũng là một trong những yếu tố hàng đầu, tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể làm chủ nó vì đó là những mối quan hệ đa phương. Và cuối cùng, ít nhiều cũng phải kể đến đó là sự may mắn.
Tất cả những yếu tố trên bạn đều không phải là người tạo ra và cũng không thể kiểm soát 100%. Nhưng để đạt được thành công thì vẫn còn cần nhiều yếu tố khác nữa mà ở đó bạn hoàn toàn có thể làm chủ được.
Nếu đặt câu hỏi: "Có ai thành công chỉ nhờ vào suy nghĩ tích cực không?" thì câu trả lời chắc chắn là không. Nhưng khi bạn quan tâm, theo dõi hành trình của bất kì doanh nhân hay chuyên gia nào đã đạt được thành công thì bạn sẽ thấy con đường của họ không hề bằng phẳng. Và để đối mặt được với những trở ngại ấy, họ phải suy nghĩ tích cực, bởi nó sẽ tạo động lực và thúc đẩy hành động để họ có thể đứng được ở vị trí như bây giờ.
Tuy nhiên, suy nghĩ tích cực không chỉ có tác dụng khi gặp khó khăn. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi đề cập đến những điều tích cực, sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ được cải thiện, năng suất làm việc cũng sẽ tăng cao hơn. Trong cuộc sống, không có ai sinh ra đã là người tích cực hay tiêu cực cả, mà điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào hành động và ý thức của chính chúng ta.
Có thể nói, thói quen tạo nên con người của chúng ta. Theo thời gian, các hành động lặp đi lặp lại định hình một thói quen. Thói quen đó có thể tốt, có thể xấu. Với những thói quen xấu như ngủ muộn, thức dậy muộn, nếu kéo dài trong một khoảng thời gian dài có thể sẽ gây ra tổn hại cho chính bạn. Ngược lại, với thói quen tốt như thường xuyên đọc sách, lên kế hoạch cho công việc thì đó có thể là chìa khóa dẫn đến thành công.
Mặc dù nhiều thói quen hình thành một cách vô thức thông qua các hành động tự nhiên của chúng ta, nhưng bạn vẫn có thể làm chủ và tạo ra thói quen cho chính mình. Để hình thành nên một thói quen thì phải buộc bản thân thực hiện mỗi ngày và không được phép nản chí trong vài tuần đầu tiên. Chẳng hạn như bạn muốn bản thân mình đọc sách nhiều hơn, hãy bắt đầu bằng việc đọc 1 trang sách mỗi ngày, đồng thời duy trì một khoảng thời gian cố định dành cho việc đọc sách. Với khởi đầu tuy nhỏ ấy, nhưng khi được thực hiện đều đặn hàng ngày, nó không chỉ hình thành nên thói quen mà còn trở thành một sở thích. Việc phá bỏ những thói quen xấu sẽ khó khăn hơn, nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn khi bạn thực sự quyết tâm.
Tạo ra những mục tiêu cho bản thân hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, làm được điều này thì không hề đơn giản bởi nếu mục tiêu đó quá cao thì bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được, còn nếu quá thấp thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết được tiềm năng thực sự của mình là gì. Ví dụ bạn kì vọng mức điểm tổng kết quá cao so với năng lực thực chất của bản thân để rồi cố gắng ngày đêm mà không được như mong muốn. Lúc này bạn không những không đáp ứng được kì vọng của bản thân mà còn bỏ lỡ rất nhiều điều xung quanh như bạn bè, gia đình. Ngược lại, khi mức kì vọng quá dễ dàng đạt được, bạn sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan và mọi việc sẽ được thực hiện một cách hời hợt.
Vậy nên, bạn cần phải xác định thật rõ mức độ phù hợp của bản thân so với mục tiêu đặt ra. Một trong những cách hiệu quả đó là tham khảo tiêu chí SMART - một từ viết tắt mô tả năm phẩm chất chính mà tất cả các mục tiêu phải có: Specific (cụ thể), Measurable (có thể đo lường), Achievable (có thể đạt được), Realistic (thực tế) và Time-specific (thời gian cụ thể).
Để đạt được các mục tiêu trên thì bạn cần các kế hoạch cụ thể. Đó có thể là danh sách các nhiệm vụ bạn phải hoàn thành trước khi đạt được mục tiêu, một loạt các chiến lược bạn sẽ sử dụng khi theo đuổi mục tiêu đó hoặc danh sách các điều kiện tiên quyết bạn cần phải có trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo của kế hoạch. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thiết lập kế hoạch ban đầu, bạn nên nghiên cứu thêm trước khi tiếp tục.
Ví dụ, bạn có dự định đi du học ở nước ngoài. Nhiệm vụ của bạn là phải được cấp các chứng chỉ ngoại ngữ cần thiết, bảng điểm tổng kết trên lớp phải đạt hoặc qua mức quy định tối thiểu của trường nơi bạn dự định du học. Để thực hiện những nhiệm vụ trên, bạn phải sắp xếp thời gian, địa điểm để các công việc không ảnh hưởng đến nhau. Trong khoảng thời gian này lại diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, vậy việc cần được ưu tiên hơn tại thời điểm này là phải ôn tập các môn để chuẩn bị cho kì thi thật tốt. Khi kết thúc kì thi, bạn sẽ quay trở lại tiếp tục chuẩn bị cho mục tiêu ban đầu.
Môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến mỗi con người chúng ta. Nếu đó là một môi trường lộn xộn, ồn ào và đầy phiền nhiễu thì bạn sẽ không bao giờ có thể tập trung được. Tệ hơn cả, nếu những người xung quanh bạn đều thờ ơ, lười biếng thì bạn sẽ khó có thể thúc đẩy chính bản thân mình.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thay đổi nếu bạn muốn. Bạn có quyền lựa chọn một môi trường mà những người xung quanh luôn là nguồn cảm hứng hoặc chung chí hướng với bạn. Khi bạn ở trong một tập thể, bạn luôn luôn có quyền đóng góp, đưa ra ý kiến cá nhân, đấu tranh để góp phần làm cho tập thể đó trở nên hoàn thiện hơn, khi đó môi trường sống của chính bạn cũng ngày một cải thiện hơn.
Các bạn học sinh lớp 12 vừa trải qua một kì thi vô cùng cam go và đã biết được kết quả của mình. Chắc hẳn vẫn sẽ có những bạn chưa thực sự hài lòng với điểm số mà mình đạt được. Nhưng con đường phía trước là rộng mở, cơ hội là không giới hạn nên đừng vội nản lòng. Hãy tiếp tục trau dồi bản thân vì thành công sẽ đến với bất kì ai xứng đáng.
Theo: Sucess Magazine