Câu chuyện của tôi chắc không ít các bạn gái đang gặp phải, và một khi đã vướng phải tình huống dở khóc dở cười như thế này, sẽ khiến bạn bị "sốc" không ít thì nhiều. Chẳng hạn như, người yêu tôi, 28 tuổi, và vẫn bị quản thúc bởi gia đình về chuyện… đi chơi với bạn gái.
Phải nhắc lại là chúng tôi yêu nhau một cách nghiêm túc, đều đã về ra mắt gia đình đôi bên để người nhà biết mặt biết tên. Bên nhà tôi thì không có vấn đề gì, hoàn toàn tin tưởng vào anh, nên chỉ cần mỗi lần đi chơi, anh xuống đón tôi đi có xin phép hẳn hoi, thì mọi chuyện coi như êm thấm. Nhưng vấn đề đối với bên nhà anh thì lại hoàn toàn khác.
Tôi nhớ có một vài lần, chúng tôi đi chơi về hơi muộn một chút, điện thoại của anh rung bần bật. Hết mẹ gọi rồi tới anh trai gọi, hỏi xem đang ở đâu, bao giờ về. Và bạn ạ, cứ năm phút lại một cuộc điện thoại mang tính chất "hỏi han" như thế. Mặc dù mọi người biết rất rõ là ngoài đi chơi với tôi ra, anh chẳng còn đi với ai khác cả.
Và sự chịu đựng của tôi lên đến đỉnh điểm khi chúng tôi có ý định đi du lịch cùng nhau để kỷ niệm 1 năm hẹn hò. Lần này, anh thỏ thẻ, nhà anh có vẻ không thích anh đi như thế đâu. Mặc dù tôi đã gặng hỏi đi hỏi lại, rằng bố mẹ anh có gì không vừa lòng với tôi? Hay là không có thiện cảm với tôi? Hay là ghét tôi ra mặt?
Hẳn là bạn cũng có suy nghĩ hồ nghi giống như tôi, đúng không? Chỉ khi người ta không tin tưởng vào người bạn mà con mình kết giao, thì người ta mới tỏ thái độ và quản lý chặt chẽ như thế. Nhưng anh phủ nhận, anh nói bố mẹ anh không chê bai gì tôi cả, cũng không hề tỏ ý phản đối. Và trong những lần tôi sang nhà anh ăn cơm cùng gia đình, mọi người vẫn niềm nở và trò chuyện vui vẻ với tôi.
Vậy thì tại sao?
Anh nói, dù anh lớn tuổi thật, nhưng là con út trong nhà. Lúc nào bố mẹ anh cũng có suy nghĩ anh chỉ mới là đứa trẻ. Cho nên đi chơi về hơi muộn một chút sẽ lo lắng. Đi xa nhà một chút sẽ thấy sốt sình sịch. À, thêm nữa là, anh chưa từng đi chơi xa với bạn bè bao giờ, chỉ đi chơi xa với gia đình thì là có.
Bạn cũng đừng lắc đầu ngán ngẩm với tôi về anh chàng Thanh trong "Sống chung với mẹ chồng" nhé, bởi vì ở ngoài đời, thật sự có nhiều anh chàng vẫn được mẹ bảo bọc và yêu thương một cách quá đáng như vậy đấy. Chẳng đâu xa lạ, ngay bạn trai tôi là một ví dụ điển hình đây!
Tôi nhớ lần đề cập chuyện đi du lịch ấy, một phần vì háo hức chuyến đi như món quà sinh nhật mà anh hứa tặng tôi từ trước khá lâu, nên chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể và đặt cả vé lẫn phòng khách sạn.
Bây giờ bỗng dưng nhận được một sự "không vừa ý không hề nhẹ" từ phía gia đình người yêu, vừa hụt hẫng, vừa bối rối, lại lo sợ và ấm ức không biết bên nhà ấy coi mình là dạng con gái như thế nào mà không nỡ "giao phó" con trai cho mình một vài ngày đi chơi xa. Nên tôi có trút hết tâm sự lên với anh.
Tôi nói, bây giờ là thời điểm anh cần tâm sự với bố mẹ, để bố mẹ được lắng nghe suy nghĩ của anh, tâm tư của anh. Chuyện tình cảm, đến một lúc nào đó lớn lên, anh cũng cần phải có sự tự quyết riêng của mình.
Huống hồ, sau này còn là chuyện lấy vợ sinh con. Tôi có thể kiên nhẫn với anh một vài lần, trong một vài tháng, hoặc thậm chí là một vài năm nếu chúng tôi yêu nhau và tình cảm tốt đẹp. Nhưng về lâu về dài, nếu suy nghĩ coi anh mãi là đứa trẻ chưa lớn của bố mẹ anh không thay đổi, thì e rằng không riêng tôi, tự bản thân anh cũng cảm thấy bức bối không ít thì nhiều.
Là đàn ông, điều quan trọng nhất chính là có thể tìm thấy một người con gái để yêu thương, để vươn vai che chở và dang rộng vòng tay bảo vệ cô ấy trong lòng mình. Chưa nói đến sóng gió ngoài cuộc đời, chỉ cần sóng gợn khẽ từ trong chính gia đình mình, ít nhất thì cũng không để cho cô ấy phải lo lắng chứ?
Tất nhiên, tôi cho anh thêm thời gian để giải quyết sự việc ổn thỏa. Và hành động cũng như kết quả của anh sẽ cho tôi một câu trả lời rõ ràng hơn, về việc có nên lựa chọn đồng hành cùng anh quãng đường về sau hay không. Bởi thật ra, mỗi cô gái đều cần một người đàn ông là con trai, chứ không cần một người con trai đang học cách để làm đàn ông…