Ngày nay, tủ lạnh là thiết bị không thể thiếu trong căn bếp mỗi nhà. Song để sử dụng đúng cách không phải ai cũng nắm rõ. Chỉ riêng vấn đề có nên làm đá liên tục quanh năm trong tủ lạnh hay không đã gây ra nhiều tranh cãi trên một số diễn đàn.
Nhiều người cho rằng việc làm đá liên tục trong tủ lạnh dẫn dẫn tăng công suất điện tiêu thụ. Số khác lại cho rằng việc này không ảnh hưởng gì, thậm chí còn tốt cho thiết bị.
Về vấn đề này, tờ The Paper cho rằng nếu ngăn đông của tủ lạnh còn chỗ trống, bạn có thể thoải mái làm đá. Việc này về cơ bản mang đến nhiều lợi ích. Trong trường hợp mất điện, đá đóng vai trò làm mát tạm thời cho tủ lạnh. Nhờ vậy, thức ăn trong tủ không bị hỏng do vẫn được bảo quản ở một mức nhiệt cần thiết.
Ngoài ra, làm nhiều đá trong tủ còn giảm tải cho máy nén và chu trình làm lạnh phải hoạt động liên tục. Khi nhiệt độ trong tủ được duy trì ở mức ổn định sẽ góp phần giảm thiểu điện năng.
Một lưu ý khác, nếu có định làm nhiều đá cho tủ lạnh, bạn nên thực hiện vào ban đêm. Bởi đây là thời điểm gia đình bạn ít sử dụng thiết bị, hạn chế được việc mở tủ liên tục. Nhờ thế, nước nhanh đóng băng hơn và cũng tiết kiệm được điện năng.
Dùng tủ lạnh thế nào để tiết kiệm điện?
Để tủ lạnh trở thành một thiết bị phục vụ tốt cho cuộc sống và không tiêu tốn nhiều điện năng, bảo vệ sức khỏe, bạn nên tránh một số sai lầm sau:
Để thực phẩm còn nóng vào tủ
Nhiệt độ nóng từ thức ăn sẽ làm tăng nhiệt độ bên trong tủ lạnh, gây áp lực lên hệ thống làm lạnh và có thể làm hỏng tủ. Đồng thời, thức ăn nóng cũng gây nguy cơ nhiễm khuẩn chéo cho các thực phẩm khác. Do đó, bạn nên để thức ăn nguội bớt trước khi cho vào tủ lạnh.
Không điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
Nhiều người thường không chú ý đến chi tiết này. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm mà còn tăng điện năng tiêu thụ. Nếu nhiệt quá cao có thể khiến đồ ăn nhanh hỏng. Trong khi nhiệt độ thấp lại làm đông đá thực phẩm. Tất nhiên, chẳng ai muốn tủ lạnh của mình vừa ngốn điện nhiều, lại làm thực phẩm trong tủ dễ hỏng. Nhiệt độ lý tưởng cho tủ lạnh của gia đình bạn là 3-4 độ C và ngăn đá là -18 độ C.
Không vệ sinh tủ lạnh định kỳ
Nhiều người thường bỏ qua việc vệ sinh tủ lạnh định kỳ, điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và mốc phát triển từ những thực phẩm ôi thiu, làm tăng nguy cơ gây bệnh. Thói quen vệ sinh tủ lạnh không chỉ giúp không gian bảo quản thực phẩm sạch sẽ mà còn giúp thực phẩm giữ được chất lượng tốt nhất. Nên lau chùi tủ lạnh ít nhất mỗi tháng một lần và lau sạch các kệ, ngăn chứa và dùng nước sôi để diệt khuẩn.
Mở tủ lạnh quá lâu
Đây là một trong những lý do làm tủ lạnh mất nhiệt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn thâm nhập. Một số vi khuẩn không ngừng sinh sôi trong tủ lạnh nên có thể là nguồn gây ngộ độc thực phẩm.
Giải pháp là bạn nên dùng tủ lạnh có tính năng báo hiệu khi cửa tủ bị mở quá lâu, hoặc chú ý hơn về thời gian mở tủ.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý rằng mình đã đậy kín tủ lạnh sau khi mở ra lấy thực phẩm hay chưa. Điều này cũng khá phổ biến và có thể gây hỏng thực phẩm và khiến tủ phải hoạt động nhiều hơn khi liên tục phải làm lạnh vì nhiệt độ bị thất thoát.
Để tủ lạnh quá trống hoặc quá đầy
Tủ lạnh đầy thức ăn sẽ làm lạnh nhanh hơn so với tủ lạnh trống. Nếu tủ lạnh bạn không chứa nhiều đồ, hãy để nhiều chai nước vào làm lạnh trong tủ. Như thế tủ lạnh sẽ hoạt động hiệu quả hơn mà lại ít tốn điện năng.
Quá nhiều thực phẩm trong tủ sẽ ngăn chặn sự lưu thông khí lạnh, dẫn đến làm lạnh kém hiệu quả hơn. Cần tránh chèn đồ ăn vào quạt tỏa hơi lạnh của tủ.
(Tổng hợp)