Tháng 05/2019, Bà Tân Vlog nổi lên thành hiện tượng mạng với loạt clip siêu to khổng lồ "cộp mác", đạt nút vàng YouTube chỉ sau 20 ngày, được xem là kỷ lục lúc bấy giờ. Sự thành công vang dội của bà Tân đã kéo theo trào lưu cụ ông cụ bà làm vlog lúc đó. Nhiều kênh YouTube ông, bà, cô, bác ra đời, với công thức xây dựng nội dung tương tự bà Tân.
Sau bà Tân, loạt channel YouTube “na ná” đã ra đời như Ông 3 Vlogs, Bà Vân Vlogs, Bác Lương Vlog, Bà Sáu Vlog… (Ảnh chụp màn hình).
Trào lưu đó kéo dài cho đến tận ngày nay với số lượng kênh "ăn theo" không ít. Thế nhưng mãi cho tới gần đây khi Bà Lý Vlog xuất hiện, dân mạng mới có phản ứng dữ dội, lên án gay gắt chưa từng có. Tại sao lại như vậy?
Kênh Bà Lý Vlog thành lập từ 06/2020, có 9 video, mới được chú ý trên TikTok và YouTube thời gian gần đây nhưng là vì… quá giống Bà Tân Vlog. (Ảnh chụp màn hình).
Nếu nói đến điểm chung với những channel na ná Bà Tân Vlog trước đây, thì Bà Lý Vlog cũng chỉ là một kênh "ăn theo": cùng là chủ đề người trung niên làm YouTube, cùng thực hiện những món ăn theo phong cách dân dã, thậm chí bà Lý còn chẳng làm những món siêu to khổng lồ như một vài kênh khác.
Bà Lý Vlog chỉ làm những món đồng quê, bình dân và ở kích thước thông thường, không cố trở thành phiên bản siêu khổng lồ hay siêu cay như một số kênh khác khi “bắt chước” Bà Tân Vlog. Nguồn: Bà Lý Vlog.
Tuy nhiên, đó là điểm tích cực duy nhất có thể nhìn nhận của Bà Lý Vlog. Vấn đề cho làn sóng chỉ trích lại chính là toàn bộ những đặc điểm còn lại. Xem qua 9 clip có thể thấy, từ câu chào, câu giới thiệu cho đến cách làm clip, làm đồ ăn, hình ảnh thumb, tiêu đề trên kênh YouTube Bà Lý Vlog đều y xì Bà Tân Vlog. Nói khách quan thì đây là một sự sao chép không hơn không kém!
Đến cả câu chào của Bà Lý Vlog cũng là mượn từ câu nói “huyền thoại” của Bà Tân Vlog: “Xin chào tất cả các cháu đã quay trở lại kênh của Bà Tân Vlog. Các cháu ơi, hôm nay bà lại tiếp tục làm clip”. Nguồn: Bà Lý Vlog.
Cả cách “nói trại” của bà Tân cũng bị bà Lý sử dụng, đôi lúc còn bị đọc nhầm thành những từ nhạy cảm. Nguồn: Bà Lý Vlog.
Từ video đầu tiên cho đến các video gần đây, bà Lý đều cố xây dựng nội dung giống bà Tân dù cho đã được nhắc nhở không ít. Clip nào cũng có hàng trăm comment nhận ra cách làm clip "bắt chước" bà Tân và góp ý để bà tìm ra chất riêng nhưng ekip của bà Lý vẫn im lặng và giữ nguyên cách thực hiện như vậy. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến người xem khó chịu nhất và mới có làn sóng phản ứng tiêu cực như vậy.
Clip nào cũng có những bình luận lên top của người xem góp ý cho Bà Lý Vlog. (Ảnh chụp màn hình).
Nếu so sánh với các channel "ăn theo" khác thì dù có phong cách giống bà Tân đấy nhưng mỗi người vẫn có chất riêng, lời ăn tiếng nói riêng, cách làm riêng… nên người xem không phản ảnh tiêu cực hay chê trách như với Bà Lý Vlog. Ít ra các cụ ông cụ bà khác không "copy" nguyên câu chào như bà Lý.
Chuyện các ông các bà, cô dì chú bác làm YouTube từ lâu đã được đón nhận, nở rộ mạnh mẽ sau sự thành công của Bà Tân Vlog. Nhìn chung, đó là việc làm đáng hoan nghênh khi ông bà tìm được cách an hưởng tuổi già, có việc để làm, để vui cùng "các cháu" trên mạng. Đừng để việc làm này bị tiêu cực hoá, chỉ vì những clip sao chép không hơn không kém, mất đi chất riêng và sự duyên dáng vốn có của mỗi người.