Cơ hội ngắm mưa sao băng "rực trời" từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12

Nguyễn Đức - Thiết kế: Huyền Trang, Theo Trí Thức Trẻ 10:42 24/07/2022

Năm 2022, bầu trời đêm Việt Nam hứa hẹn sẽ chứa chứng kiến những trận mưa sao băng cực kỳ hấp dẫn.

Theo lịch sự kiện thiên văn năm 2022, từ cuối tháng 7 mưa sao băng sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Từ nay đến hết năm sẽ còn rất nhiều đợt mưa sao băng lớn, trong đó đáng chú ý nhất là Geminids xuất hiện ngày 13-14/12. Dưới đây là một số hiện tượng thiên văn đẹp nhất mà những người yêu bầu trời cần lưu nhớ để quan sát từ giờ đến cuối năm nay.

Tháng 7: Mưa sao băng Delta Aquarids

Trận mưa sao băng này diễn ra hàng năm từ ngày 12/7 - 23/8 và đạt cực đại vào đêm ngày 28/7, rạng sáng ngày 29/7.

Delta Aquarids là trận mưa sao băng trung bình và tại thời điểm cực đại có thể đạt tới 20 vệt sao băng mỗi giờ. Mưa sao băng Delta Aquarids được tạo ra từ các mảnh vụn mà sao chổi Marsden và Kracht để lại. Do không có ánh trăng cản trở, chúng ta có thể chiêm ngưỡng trận mưa sao băng lần này khá dễ dàng, đặc biệt là sau nửa đêm và tại những địa điểm tối. 

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 1.

Khi đạt cực đỉnh mưa sao băng Delta Aquarids có tới 20 sao băng xuất hiện một giờ

Tháng 8: Mưa sao băng Perseids

Mưa sao băng Perseids sẽ diễn ra từ giữa tháng 7 cho tới cuối tháng 8, với cực điểm rơi vào đêm 12/8, rạng sáng 13/8. Đây là một trong những trận mưa sao băng đáng chú ý nhất hàng năm, có thể cho chúng ta thấy tới 100 sao băng hoặc hơn vào thời điểm cực đại.

Perseids nổi tiếng vì số lượng vệt sao băng sáng, tiếc rằng, trăng tròn sẽ che khuất một lượng lớn sao băng.

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 2.

Perseids được xem là trận mưa sao băng cực đại đẹp nhất năm

Tháng 10: Mưa sao băng Draconids và mưa sao băng Orionids

Mưa sao băng Draconids thường diễn ra vào đầu tháng 10 hàng năm, cụ thể là khoảng từ ngày 6/10 đến 10/10. Đây là trận mưa sao băng nhỏ, tần suất vào khoảng 10-15 sao băng trên giờ và kéo dài cả đêm. Tuy nhiên, năm 2022, do ánh trăng sẽ che mờ nên việc quan sát không được dễ dàng cho lắm.

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 3.

Tần suất mưa sao băng Draconid vào khoảng 10-15 sao trên giờ

Cũng trong tháng 10 này còn có sự góp mặt của mưa sao băng Orionids. Orionids bắt đầu xuất hiện từ ngày 2/10 đến ngày 7/11, nhưng đạt cực đại vào đêm 21/10, rạng sáng ngày 22/10. Thời điểm cực đại, bạn có thể nhìn thấy khoảng 25 vệt mỗi giờ. Năm nay thời điểm mưa sao băng không trùng với ngày trăng tròn, do đó việc quan sát sẽ không bị cản trở.

Đặc biệt hơn, sau nửa đêm 21/10 và rạng sáng 22, bầu trời không có ánh trăng, nếu thời tiết thuận lợi sẽ là điều kiện tuyệt vời để quan sát mưa sao băng này. Vị trí bạn ngắm càng tối, các thiên thạch sẽ xuất hiện trên bầu trời càng sáng. Vì thé, bạn nên đi ra khỏi thành phố để tìm một nơi xa để có thể ngắm mưa sao băng Orionids một cách tuyệt vời nhất.

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 4.

Có thể quan sát mưa sao băng Orionids bằng mắt thường mà không cần kính viễn vọng

Tháng 11: Mưa sao băng Taurids và mưa sao băng Leonids

Trận mưa sao băng Taurids diễn ra vào tháng 11 hàng năm, người trên toàn thế giới có thể chiêm ngưỡng được. Đây là trận mưa sao băng nhỏ diễn ra vào đầu tháng 11 hằng năm ở vị trí của chòm sao Taurus, với mật độ cực điểm không quá 10 sao băng mỗi giờ. 

Mưa sao băng Taurids gồm hai cơn mưa riêng biệt, một phần đến từ phía nam, một phần ở phía bắc. Đầu tiên là trận mưa sao băng Nam Taurids diễn ra vào nửa đêm ngày 4/11, rạng sáng 5/11. Tiếp đến là trận mưa sao băng Bắc Taurids sẽ đạt đỉnh vào ngày 11 và 12/11. Đây là trận mưa sao băng nhỏ, lượng vệt sáng ít nên nhiều khả năng sẽ xuất hiện sao băng đặc biệt sáng nhất, thường được gọi là quả cầu lửa.

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 5.

Khi sáng nhất, sao băng Taurids sẽ có hình dáng quả cầu lửa

Cùng Taurids, tháng 11/2022 này còn có trận mưa sao băng Leonids, đạt cực đại vào đêm 17/11 đến rạng sáng 18/11 với tối đa 15 ngôi sao băng có thể quan sát được mỗi giờ. Khi thời tiết cho phép, tầm nhìn tốt nhất để quan sát mưa sao băng Leonids đạt cực đại là ở những nơi có bầu trời quang đãng, xa các thành phố lớn. Tốt nhất là tìm những nơi bầu trời tối, đường chân trời không bị cản trở và rất ít ô nhiễm ánh sáng nhất có thể.

Khi thời tiết cho phép, tầm nhìn tốt nhất để quan sát mưa sao băng Leonids đạt cực đại là ở những nơi có bầu trời quang đãng, xa các thành phố lớn. Ngoài ra, những người yêu thiên văn bỏ lỡ thời điểm mưa sao băng Leonids đạt cực đại ngày 17/11 vẫn có thể tiếp tục ngắm được trong những ngày tiếp theo dù tốc độ của sao băng mỗi giờ sẽ giảm đi.

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 6.

Leonids là trận mưa sao băng cỡ trung bình, với tốc độ sản sinh 15 sao băng một giờ tại cực điểm

Tháng 12: Mưa sao băng Geminids và mưa sao băng Ursids

Đây là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm. Mặc dù sẽ bị cản trở phần nào bởi ánh trăng trong năm 2022 nhưng mưa sao băng Geminids vẫn được coi là sự kiện đáng chú ý, với cực điểm có thể đạt từ 100 tới 120 sao băng mỗi giờ nếu trời trong.

Hiện tượng này diễn ra suốt tháng 12, nhưng thời điểm thuận lợi và cực điểm vào đêm 13/12 đến rạng sáng 14/12.

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 7.

Mưa sao băng Geminids được xem là là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm

Cùng với Geminids, tháng 12/2022 còn có mưa sao băng Ursid. Đây là trận mưa sao băng cuối cùng trong năm 2022, cực đỉnh sự kiện sẽ rơi vào đêm 22, rạng sáng 23/12 nhưng từ đêm nay, người yêu thiên văn có cơ hội bắt gặp sao băng trên bầu trời do Ursid đã diễn ra từ ngày 17/12.

Mưa sao băng Ursid nhỏ, với tần suất chỉ khoảng 5-10 sao, có thể lên đến 25 sao/giờ tại cực đỉnh. Do xảy ra sau trận mưa sao băng lớn Geminids và ngay trước dịp giáng sinh, Ursid thường không được chú ý. Thời gian thuận lợi nhất để chiêm ngưỡng là sau nửa đêm, ở các khu vực tối, thoáng đãng.

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 8.

Đây là trận mưa sao băng nhỏ diễn ra vào những ngày cuối năm

Nguồn tham khảo: Hội Thiên văn Hà Nội (HAS)

Cơ hội ngắm mưa sao băng rực trời từ giờ đến cuối năm tại Việt Nam: Đáng chú ý nhất rơi vào tháng 12 - Ảnh 9.

https://kenh14.vn/co-hoi-ngam-mua-sao-bang-ruc-troi-tu-gio-den-cuoi-nam-tai-viet-nam-dang-chu-y-nhat-roi-vao-thang-12-20220723131221017.chn