Cô giáo ở Bình Dương chia sẻ loạt bí kíp dạy con giỏi giang: 1 chi tiết khiến nhiều người hốt hoảng, vội vàng can ngăn!

Hiểu Đan, Theo Thanh niên Việt 12:39 14/05/2025
Chia sẻ

Bạn có đồng tình với cách nuôi dạy con của cô giáo này?

Gần đây, một bài viết chia sẻ của cô giáo T. ở Bình Dương đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng mạng khi kể về hành trình theo sát việc học của hai con nhỏ.

Nội dung cho thấy vợ chồng cô đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng từ khi con mới vào lớp 1: Phải học thật tốt để thi vào trường chuyên, lớp chọn, bởi với điều kiện gia đình không có “tiền tệ, hậu duệ, thổ địa”, con cái chỉ có thể trông cậy vào “trí tuệ” để vươn lên.

“Chúng ta có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa mà con cái học hành không ra gì, thì vẫn là thất bại lớn của cha mẹ”, cô T. khẳng định trong chia sẻ. Quan điểm ấy khiến nhiều phụ huynh đồng tình, nhưng cũng làm dấy lên không ít tranh luận.

Cô giáo ở Bình Dương chia sẻ loạt bí kíp dạy con giỏi giang: 1 chi tiết khiến nhiều người hốt hoảng, vội vàng can ngăn!- Ảnh 1.

Một đoạn chia sẻ của cô giáo T.

Kỳ vọng lớn, nỗ lực cao

Theo lời kể, cô con gái lớn của gia đình đang chuẩn bị cho kỳ thi vào trường tạo nguồn của tỉnh – một mô hình tương đương với trường chuyên cấp II. Lịch học và ôn luyện của bé được sắp xếp chặt chẽ, cha mẹ thay nhau kèm cặp mỗi ngày.

Mặc dù bản thân là giáo viên, cô T. vẫn cho con đi học thêm từ nhỏ. “Là cô giáo, dạy được con người ta nhưng chưa chắc dạy được con mình”, cô chia sẻ. Theo cô, con không nghe lời mẹ, nhưng lại nghe lời cô giáo – đó là lý do cô lựa chọn để người khác dạy con.

Nỗi lo về tài chính cũng là động lực khiến vợ chồng cô theo sát việc học của con. Cô thẳng thắn cho biết: Nếu con không vào được trường công lập, phải học trường tư với mức học phí 10–15 triệu đồng/tháng, thì với đồng lương công chức của cô và thu nhập công nhân của chồng, đó sẽ là gánh nặng lớn.

Không chỉ lo học phí, vợ chồng cô còn lo xa: Nếu con không học hành đàng hoàng, không nghề nghiệp, rồi lỡ lấy chồng sớm thì tương lai sẽ rất bấp bênh.

9 điểm Văn vẫn là “điểm yếu cần khắc phục”

Một tình tiết khiến cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm là việc con gái lớn của cô vừa đạt 9 điểm Văn và 10 điểm ở 5 môn còn lại, nhưng vẫn khiến cha mẹ “phải ngồi lại bàn bạc để điều chỉnh phương pháp học”. Vợ chồng cô tạm ngưng việc kiếm thêm thu nhập để tập trung kèm con. “Mỗi lần cô giáo phản ánh, là hai vợ chồng tụt luôn năng lượng kiếm tiền”, cô viết.

Quan điểm “nghèo cũng được, nhưng con phải học đến nơi đến chốn” của vợ chồng cô khiến nhiều người nể phục vì sự kiên định, song cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về áp lực học tập mà đứa trẻ phải gánh chịu.

Ngay sau khi bài viết lan truyền, hàng loạt bình luận đã bày tỏ sự cảm thông lẫn lo lắng về phương pháp giáo dục của gia đình này.

Chị Thùy Dương chia sẻ: “Đọc đến đoạn con được 9 điểm Văn mà cha mẹ còn phải ngồi lại họp bàn, mình thấy áp lực ngang con thi đại học. Ở Việt Nam là vậy, cứ ép con học, tội nghiệp tụi nhỏ quá. Mình biết nhiều bạn học không xuất sắc, nhưng ra đời lanh lợi, giao tiếp tốt, kiếm tiền giỏi. Còn có người học thủ khoa đại học, ra trường không làm được việc, giao tiếp kém nên không được nhận vào làm. Thành công đâu chỉ phụ thuộc vào điểm số".

Cô giáo ở Bình Dương chia sẻ loạt bí kíp dạy con giỏi giang: 1 chi tiết khiến nhiều người hốt hoảng, vội vàng can ngăn!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Một phụ huynh khác thẳng thắn cảnh báo: “Rồi một ngày con trầm cảm thì lúc đó có hối cũng không kịp. Chi phí thuốc thang, trị liệu còn đắt hơn học phí trường tư".

Không ít người lo ngại rằng, việc quá đặt nặng điểm số sẽ làm mất đi sự sáng tạo, tò mò và niềm vui học tập tự nhiên của trẻ. Con 10 điểm tất cả các môn không có nghĩa là đường đời sẽ dễ dàng. Một đứa trẻ thông minh là biết cân bằng giữa trí tuệ và cảm xúc.

Cũng có những tiếng nói cho rằng cách dạy con này có thể bắt nguồn từ tâm lý bất an và nhu cầu được công nhận của người lớn: “Mình thấy rõ bạn có vấn đề tâm lý, khao khát được xã hội công nhận. Không nên vì sĩ diện mà hà khắc với con".

Thấy gì qua câu chuyện của bà mẹ này?

Không thể phủ nhận, vợ chồng cô T. có tinh thần trách nhiệm cao với việc giáo dục con cái. Họ đặt mục tiêu rõ ràng, chủ động đồng hành từ sớm, không bỏ mặc con “tự bơi” trong hành trình học tập. Việc bố mẹ thay nhau kèm con học, quan tâm tới từng bài kiểm tra thể hiện sự đầu tư nghiêm túc và nhất quán. Ở góc độ nào đó, đó là tấm gương cho những gia đình thiếu định hướng hoặc buông lơi trách nhiệm. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều học sinh sa sút học lực, nghiện game, thiếu kỷ luật, thì sự theo sát của cha mẹ là yếu tố cần thiết.

Tuy nhiên, phương pháp giáo dục quá thiên về thành tích có thể vô tình tạo ra áp lực tâm lý nặng nề cho trẻ. Việc không hài lòng với điểm 9 có thể khiến con cảm thấy “chưa bao giờ đủ tốt”. Nếu không đi kèm sự thấu hiểu và lắng nghe, trẻ dễ rơi vào trạng thái tự ti, mất động lực, hoặc tệ hơn là tổn thương tinh thần.

Nhiều chuyên gia giáo dục khuyến nghị rằng, cha mẹ nên quan tâm đến cảm xúc và năng lực cá nhân của con, thay vì áp dụng một khuôn mẫu lý tưởng cho tất cả. Trẻ cần có không gian để khám phá, sáng tạo, sai lầm và tự học từ trải nghiệm – đó mới là hành trang thực sự cho tương lai.

Câu chuyện của vợ chồng cô giáo T. là ví dụ tiêu biểu cho nỗi lo chung của nhiều bậc phụ huynh thuộc thế hệ 7x–8x, khi điều kiện kinh tế còn hạn chế và niềm tin lớn được đặt vào con đường học vấn. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp, khái niệm “thành công” đã không còn gói gọn trong bằng cấp hay điểm số.

Trí tuệ cảm xúc, kỹ năng sống, khả năng giao tiếp và thích nghi với thay đổi ngày càng trở nên quan trọng. Đồng hành cùng con trong học tập là cần thiết, nhưng điều cốt lõi là giữ được sự cân bằng: giữa kỳ vọng và chấp nhận, giữa kỷ luật và yêu thương, giữa kết quả và quá trình. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong sự yêu thương, hiểu biết và tôn trọng mới thực sự có đủ nội lực để trưởng thành vững vàng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày