Từ nhỏ, cô nàng Nguyễn Thủy Tiên đã thích những căn nhà phong cách công nghiệp ở Brooklyn (Mỹ) với mảng tường gạch thô, trần cao và cửa sổ rộng. Cuối năm ngoái, sau 10 năm học tập và làm việc tại Anh, cô đã tìm được cho mình một căn nhà phía đông London và cải tạo nó thành tổ ấm hằng mơ ước.
Căn nhà vốn là nhà máy đồng hồ xây dựng từ năm 1890. Năm 2000, nhà máy được cải tạo thành khu nhà ở liền kề gồm hơn 10 căn. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng, nhà được lát sàn gỗ và xây thêm hai bức tường chia phòng ngủ với phòng tắm, còn lại giữ nguyên hiện trạng.
"Khó khăn lớn nhất khi chọn mua nhà này là phải am hiểu và kiểm tra kỹ tình trạng vật liệu xây dựng và cấu trúc nhà", Tiên chia sẻ. Ngoài việc tự tìm tòi kiến thức kinh nghiệm về kiến trúc, cô nhờ chuyên gia đến khảo sát tình trạng nhà để "yên tâm nhà không cổ quá, lại sập".
Không gian sinh hoạt mở
Thảm làm từ vỏ chai nhựa tái chế và sofa thấp, rộng để nằm ngủ thoải mái
Do công trình thuộc diện bảo tồn văn hóa kiến trúc nên Tiên không được thay đổi cấu trúc cũng như diện mạo bên ngoài, chỉ có thể sơn lại bên trong và thiết kế nội thất theo ý muốn. Căn nhà rộng 90m2 của cô được chia làm 1 phòng ngủ, phòng tắm và không gian sinh hoạt mở gồm phòng khách, bếp và phòng làm việc.
Thủy Tiên tận dụng các cột trụ cũ của nhà máy để ngăn khu vực phòng khách - bếp với phòng ăn - phòng làm việc. Bức tường nhiều vết đục và mảng vỡ hơn 100 năm tuổi không trát bê tông và sơn đè lên để giữ phong cách công nghiệp. Những khung cửa sổ cao hơn 2 mét tạo cảm giác thoáng đãng, vừa đưa ánh sáng tràn vào nhà.
Bàn ăn cạnh bàn làm việc để tiện thay đổi không gian làm việc
Bàn ăn làm từ tre Việt Nam, được vận chuyển nguyên liệu sang Na Uy để thiết kế và chế tác thủ công
Vườn trồng rau trong nhà phù hợp với cuộc sống thành thị bận rộn của cô gái trẻ
Góc ngồi đi giày và treo đồ
Gương lớn bao phủ cả mảng tường để tạo cảm giác rộng rãi hơn
Ngăn giữa không gian sinh hoạt mở và phòng ngủ là tủ quần áo. Vì có rất nhiều quần áo nên Tiên bố trí tủ âm 8 cánh và thêm tủ 4 cánh ở khu làm việc: "Tóm lại, bí quyết để có ngôi nhà (nhìn) tối giản là có rất nhiều tủ."
Đã hơn 100 năm tuổi nên phương pháp xây dựng và vật liệu sử dụng trong nhà của Tiên không giống như nhà ở hiện đại. Tường gạch dày hơn 50cm khiến công trình mát vào mùa hè nhưng lạnh vào mùa đông. Do đó, Tiên giữ nhiệt bằng các cách khác như trải thảm, dùng lò sưởi. Bên cạnh đó, để đề phòng cháy nổ, chủ nhà không được lắp đường ống sưởi bằng gas mà chỉ dùng điện.
Về nội thất, Thủy Tiên chọn phong cách Japandi, kết hợp sự đơn giản, ấm cúng của phong cách Bắc Âu với nét tinh tế, ưu tiên chất liệu tự nhiên của phong cách Nhật Bản. Phần lớn sản phẩm sử dụng trong nhà làm từ tre, gỗ tần bì.
Giường bằng mây tre đan và gỗ sồi
Đèn ngủ bằng bê tông
Đồ nội thất phong cách tối giản
Vì kỹ tính trong khâu chọn nội thất nên Tiên ở nửa năm trong ngôi nhà "trống hoác". Đặc biệt, món đồ khiến cô "đau đầu" nhất là chiếc bàn tre. London không sẵn các sản phẩm thủ công như Việt Nam nên Tiên phải về nước mua vật liệu, sau đó liên hệ với một nhà thiết kế ở Na Uy để chế tác chiếc bàn như mong muốn.
Tiên kể cô phải bay sang Na Uy thảo luận mẫu thiết kế, rồi đưa vật liệu từ Việt Nam sang Na Uy đóng bàn, cuối cùng mới chuyển về London. Cô chuyển vào nhà mới đúng đợt Anh bị phong toả nên đành ở trong nhà cả năm. Nhiều thời gian ở nhà hơn cũng khiến cô hiểu nhiều về ngôi nhà và trân trọng từng góc một, vì cuộc sống hàng ngày đều gói gọn trong nhà, từ làm việc, sinh hoạt đến giải trí.
Nguồn: NVCC