Gần đây, cư dân mạng xã hội Threads không ngừng xôn xao trước bài đăng của một cô gái chia sẻ về công việc "trong mơ" với miêu tả cực kỳ hấp dẫn: "Đi ăn miễn phí" tại những thương hiệu nhà hàng nổi tiếng ở Việt Nam. Nghe qua tưởng là đùa, hay một "content" của ai đó bởi đây vốn được coi là một công việc "trong mơ", nhưng một vài người khác nhanh chóng xác nhận đó hoàn toàn là thật bởi bản thân đã từng trải nghiệm. Một làn sóng các bình luận đã được cư dân mạng để lại, thi nhau hỏi cách ứng tuyển.
(Ảnh minh hoạ, nguồn: blog.smartsense.co)
Tên gọi của công việc này là Mystery Shopper (còn gọi là Secret Shopper hoặc Secret Guest), là một hình thức nghiên cứu thị trường, trong đó cá nhân được thuê để đóng vai khách hàng bình thường nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trải nghiệm khách hàng tại các doanh nghiệp. Họ có thể đánh giá các yếu tố như chất lượng sản phẩm, thái độ phục vụ của nhân viên, sự sạch sẽ của cửa hàng và tuân thủ các quy trình dịch vụ...
Công việc nghe thì đơn giản như đến trải nghiệm, quan sát, ghi nhận, rồi báo cáo. Nhưng thực tế, nghề này lại đòi hỏi sự cẩn thận, tinh tế và kỹ năng quan sát cực cao.
Nhiệm vụ của một Mystery Shopper thường gồm:
- Đến địa điểm được chỉ định (nhà hàng, khách sạn, các shop thời trang, ngân hàng...).
- Thực hiện các hành động như mua hàng, đặt món, hỏi thông tin.
- Quan sát chất lượng phục vụ, vệ sinh, thái độ nhân viên...
- Viết báo cáo chi tiết về trải nghiệm: Từ câu hỏi định lượng đến mô tả cụ thể.
Đổi lại, họ sẽ được trả tiền công hoặc hoàn tiền cho trải nghiệm. Một số người xem đây là nghề tay trái thú vị vì vừa có thêm thu nhập, vừa được "ăn chơi miễn phí". Công việc này không mới và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều ngành dịch vụ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cư dân mạng rần rần muốn ứng tuyển công việc "trong mơ" này (Ảnh chụp màn hình)
Dù nghe hấp dẫn, nhưng phía sau công việc Mystery Shopper lại là cả một "món ăn" nhiều vị - vừa thú vị, vừa áp lực. Đặc biệt là với những người mới vào nghề, hoặc những ai nghĩ đây là việc nhẹ lương cao.
Đào Diệp (hiện đang làm freelancer và nhiếp ảnh gia), từng có 1 tháng làm Mystery Shopper thông qua sự giới thiệu của người quen. Bởi công việc là được đi ăn tại thương hiệu nhà hàng nổi tiếng, chỉ việc ăn, nhận xét là được trả thù lao nên Diệp đã nhận lời ngay.
Tuy nhiên, sau 1 tháng làm việc, Diệp dần nhận ra sự thật không như tưởng tượng trước đó. Diệp đã chia sẻ khá thẳng thắn về trải nghiệm của mình:
"Mình sẽ được thông báo địa điểm cần đến, sau khi chốt ngày, giờ đi được sẽ báo lại cho người liên hệ. Sau đó, mình cũng được gửi cho danh sách yêu cầu: có món khai vị, món chính, đồ uống... Trong quá trình ở quán, mình cần phải chụp lại đồ ăn, chụp lại bill. Khi về sẽ gửi link để đánh giá trải nghiệm, phải đến chục câu hỏi, có những câu phải viết nhiều lắm, đủ số kí tự yêu cầu mới được chuyển câu hỏi.
Số tiền mình nhận được chỉ đúng 15$ (khoảng 390k) cho 1 bữa như thế thôi, ngày đó còn phải lập tài khoản PayPal nữa, trả qua PayPal. Làm 1 tháng nên chỉ đơn giản là đến ăn, quan sát thôi. Các câu hỏi cũng chi tiết lắm, thậm chí có cả câu như 'có bao nhiêu khách hàng ở đó'..."
Không chỉ với Diệp, mức thù lao của công việc này khiến nhiều người làm công việc tương tự cảm thấy bất ngờ. Bởi nó hơi... thấp so với tưởng tượng, điển hình như trong trường hợp của Diệp, số tiền 390k được xem như hoàn tiền cho bữa ăn đã trải nghiệm chứ không có thêm bất kì khoản thù lao nào khác.
Không chỉ vậy, công việc này cũng có những áp lực nhất định. Diệp chia sẻ thêm:
"Thời gian đó có khi 1 tuần phải ăn tận 3 lần ở 3 địa điểm khác nhau (cùng 1 thương hiệu nhà hàng). Có khi bị gọi điện bất ngờ hỏi có thể tới ăn không, mình đã phải từ chối vì vừa mới ăn hôm qua. Có bữa mình sợ quá, cũng đi nhưng chỉ gọi các món theo chỉ định và đi 1 mình.
Làm công việc này tưởng dễ mà cũng có áp lực đấy! Có những câu hỏi mình sẽ phải đưa ra gần như phương án, giải pháp cho service. Mà phải viết cho đủ kí tự mới được sang câu mới. Nếu điền form sơ sài cũng bị ảnh hưởng trừ vào tiền".
Nhiều người cùng chia sẻ về sự "khó nhằn" của công việc này (Ảnh chụp màn hình)
Ở nhiều nước khác trên thế giới, cũng có rất nhiều người từng trải nghiệm công việc này và đã rút ra những áp lực, rủi ro như:
- Thu nhập không ổn định: Công việc mang tính thời vụ, không có lương cố định. Có khi cả tháng không có nhiệm vụ nào phù hợp.
- Không được hoàn tiền nếu làm sai quy trình: Quên chụp hoá đơn, thiếu ảnh món ăn, hoặc ghi nhớ không chính xác có thể khiến bạn bị huỷ nhiệm vụ, không được trả tiền.
- Áp lực ghi nhớ chi tiết: Từ tên nhân viên đến thời gian chờ đợi, cách bố trí cửa hàng - tất cả đều phải nhớ, không được dùng điện thoại ghi âm hay chụp trộm lộ liễu.
- Có thể bị lừa đảo: Một số cá nhân hoặc tổ chức mạo danh công ty Mystery Shopping uy tín để lừa tiền ứng viên, yêu cầu chuyển khoản trước, hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân.
- Không có chế độ hay cơ hội thăng tiến: Đa số công việc dạng này mang tính freelance, không có bảo hiểm hay hợp đồng lâu dài.
(Ảnh minh hoạ, nguồn: okellyconsulting)
Nghề Mystery Shopper không còn là chuyện trong tưởng tượng hay giấc mơ nữa mà nó thật sự tồn tại, có mặt ở Việt Nam và được nhiều bạn trẻ thử sức. Nhưng nếu chỉ nhìn vào mặt "đi ăn không mất tiền" mà lao vào, bạn có thể sẽ bị... sốc.
Công việc này thú vị với những ai yêu trải nghiệm, có khả năng quan sát tốt và biết cách ghi chép lại cảm nhận một cách chi tiết, logic. Tuy nhiên, nó không phải là "việc nhẹ lương cao" như nhiều người nghĩ. Để làm tốt và an toàn trong nghề này, cần có sự tỉnh táo, cẩn thận và kỹ năng quan sát và kể lại cực kỳ tốt.
Châu Anh