Margo là cô gái trẻ từng đối mặt với chứng nghiện rượu cùng thói quen ăn uống không lành mạnh. Sau đó, cô tìm đến phòng gym và dần thoát ra khỏi những thứ trên. Tuy nhiên, lúc này, cô lại gặp phải một vấn đề mới - "chứng nghiện tập luyện".
Theo Margo, cô có tới 3 thẻ tập gym ở 3 địa điểm khác nhau, có 3 HLV cá nhân. Bên cạnh đó, cô còn tập thêm chạy marathon. Chưa dừng lại, mỗi khi đến phòng tập, cô gái đều tập rất nặng, thậm chí squat mức tạ lên tới 200 lbs (90kg).
Ở phòng tập, Margo được nhiều người trầm trồ bởi khả năng đẩy tạ của mình. Thế nhưng khi về nhà, cô thường xuyên cảm thấy ê ẩm, ngủ không ngon và đôi khi không thể đi lại vì nhức chân. Cô gái cũng thừa nhận rơi vào tình trạng kiệt sức, tâm lý bị ảnh hưởng do tập quá nhiều. "Chứng nghiện tập luyện đã suýt giết chết tôi", cô thừa nhận.
Sau cùng, Margo cũng chịu thừa nhận sai lầm. Cô điều chỉnh chế độ tập luyện từ 3-5 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài 30-60 phút. Lúc này, Margo mới cảm thấy thoải mái dù cô thừa nhận "chưa hoàn toàn hồi phục" những hậu quả của việc tập điên cuồng trước đó.
Theo nghiên cứu, tình trạng tập luyện quá sức không phải hiếm gặp. Điều này gây ra tác dụng ngược. "Tập luyện vượt quá khả năng phản tác dụng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn", David Miranda - chuyên gia thể chất đồng thời là chủ của một phòng tập - nhận định.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến nghị một người trưởng thành nên dành 150 đến 300 phút hoạt động thể chất vừa phải - hoặc 75 đến 150 phút hoạt động thể chất với cường độ mạnh - mỗi tuần.
Tuy nhiên, nhiều người lại tập hơn nhiều quãng thời gian được khuyến cáo này hoặc tập quá nặng với cường độ cao. Chẳng hạn như một người mới bắt đầu tập gym lại đẩy tạ nằm từ 5-7 ngày mỗi tuần. Oluseun Olufade - chuyên gia đang làm việc tại Trường Y khoa Emory - cách tập này nguy hiểm vì "tăng nguy cơ gặp chấn thương vai".
- Đau nhức cơ bắp kéo dài. Theo chuyên gia Miranda, việc đau nhức cơ bắp quá lâu sau khi tập là dấu hiệu bất thường.
- Suy giảm hệ miễn dịch. Miranda cho rằng việc bạn cảm thấy thường xuyên bị ốm hơn so với thường lệ cũng có thể là nguyên nhân của việc tập luyện quá sức.
- Gặp chấn thương thường xuyên. Hội đồng thể dục Hoa Kỳ (ACE) cho biết thường xuyên gặp chấn thương khi tập là dấu hiệu cho thấy việc tập luyện có vấn đề.
- Mệt mỏi, dễ nổi nóng, thiếu năng lượng. Theo ACE, việc kiệt sức có thể là hệ quả của việc bạn đang tập quá giới hạn của bản thân,
- Cảm thấy mệt mỏi ngay đầu buổi tập. Chuyên gia Miranda cho rằng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy việc tập luyện đang có dấu hiệu không phù hợp.
- Coi tập luyện là ưu tiên số 1. Chuyên gia Miranda chỉ ra nhiều người coi việc tập luyện là điều bắt buộc, ưu tiên hơn mọi hoạt động khác trong cuộc sống. Theo cô, đây là dấu hiệu cho thấy sự thiếu cân bằng giữa công việc - cuộc sống.
- Cảm thấy áp lực và căng thẳng khi nghỉ tập. Theo AEC, nhiều người cảm thấy dằn vặt vì bỏ lỡ một buổi tập. Họ tự đặt áp lực phải tập luyện mỗi ngày, gây ra căng thẳng trong cuộc sống.
"Điều đầu tiên bạn có thể làm và nên làm là nghỉ ngơi", bác sĩ thể thao Mark Slabaugh đưa ra lời khuyên. Theo MedlinePlus, bạn có thể dành từ 1 đến 2 tuần nghỉ tập hoàn toàn. Quãng thời gian này sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần, cơ bắp được nghỉ ngơi và hồi phục những chấn thương nếu có.
Khi trở lại tập luyện, bạn cần thực hiện những điều sau:
- Tập luyện phù hợp. Trong trường hợp không phải VĐV chuyên nghiệp, trang MedlinePlus khuyên chúng ta cần có ít nhất một ngày nghỉ tập mỗi tuần. Trong trường hợp bạn tập 2 buổi, mỗi buổi cần cách nhau ít nhất 6 tiếng. Khi tập luyện, bạn cần thường xuyên lắng nghe cơ thể, điều chỉnh lại cường độ và chế độ tập luyện nếu cảm thấy quá nặng hoặc thường xuyên gặp chấn thương. Hỏi ý kiến từ các HLV cá nhân cũng có thể là một cách để xây dựng chế độ tập phù hợp với bạn.
- Ngủ đủ giấc. Việc ngủ đủ mỗi tối giúp cơ thể nạp đủ năng lượng để bạn có thể nạp đủ năng lượng cho ngày mới.
- Có chế độ ăn phù hợp. "Hãy chắc chắn rằng bạn có một chế độ ăn cân bằng", bác sĩ Slabaugh đưa ra lời khuyên.
- Uống đủ nước. Uống đủ nước hỗ trợ thả lỏng cơ bắp, giảm nguy cơ chấn thương.
Nguồn: Everyday Health, Guardian, BI