Cô gái Nghệ An từ bỏ mức lương 15 triệu để về quê tạo công việc cho người khuyết tật

Văn Nguyễn, Theo Thời Đại 07:00 03/01/2018
Chia sẻ

Mặc dù đã có việc làm ở Thủ đô và những cơ hội thăng tiến trước mắt, cô gái 8X xứ Nghệ vẫn quyết định trở về quê mở một cơ sở sản xuất từ… đống giấy loại bỏ đi.

"Tiền có kiếm nhiều đến đâu cũng không bằng tình cảm gia đình"

Ngôi nhà nhỏ ở xóm 3, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ngổn ngang sách báo cũ và giấy loại đủ màu sắc. Ngoài Lê Thị Khởi (SN 1987) còn có 3 nhân công nữa đang chăm chú, tỉ mỉ cắt, dán những tờ giấy loại để làm những cuốn truyện, sách giáo dục cho trẻ.

Nhìn những đôi bàn tay khéo léo, thành thục từng động tác của các nhân công mà không ai nghĩ rằng 2/3 người này bị khuyết tật bẩm sinh. Gác lại công việc còn dang dở, Khởi cười ngồi tiếp chuyện: "Để trở thành những người thợ lành nghề như ngày hôm nay, họ đã phải trải qua một thời gian dài tập luyện. Quan trọng là ý chí của mọi người nên mới đến được thời điểm bây giờ".

Lúc bắt đầu dự án nhiều người đã nghĩ sẽ không thành công, nhưng với nghị lực vượt qua cả cửa tử, Khởi vẫn quyết tâm làm

Thế nhưng, để bắt đầu dự án này thì những khó khăn, trở ngại mà Lê Thị Khởi vượt qua cũng không ít. Nhìn người con gái bước sang tuổi 30 tràn đầy sức sống đến nỗi không ai nghĩ rằng Khởi mang bệnh tim bẩm sinh.

Tốt nghiệp Khoa Biên kịch, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, sau khi ra trường, cô gái khi đó mới đôi mươi cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, chật vật xin việc và lăn lộn đủ nghề để kiếm sống.

May mắn mỉm cười, Khởi được nhận vào làm biên kịch cho một hãng phim tư nhân với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường. Nhưng rồi, Khởi đi đến một quyết định mà không một ai dám nghĩ tới: về quê sản xuất sách giáo dục dành cho trẻ em.

"Sau khi phẫu thuật tim tôi quyết định về quê. Nhà chỉ có 2 mẹ con nên phải dựa vào nhau để sống. Tiền có kiếm được nhiều đến đâu cũng không bằng tình cảm gia đình", Khởi cho hay.

Khởi nhận thấy ở quê có rất nhiều giấy bìa, vỏ hộp, bao bì bánh kẹo, thuốc Tây,… bị mọi người vứt bừa bãi. Nhớ về quãng thời gian từng làm thêm tại một trường mầm non Quốc tế, Khởi nảy sinh ý định: Sản xuất sách giáo dục, sách truyện dành cho thiếu thi từ 2 đến 10 tuổi từ vật liệu tái chế bằng phương pháp thủ công.

Toàn bộ nguyên vật liệu là từ giấy phế liệu rồi cắt thành các hình minh họa

"Hiện trên thị trường có khá nhiều sản phẩm sách truyện dành cho thiếu nhi, nhưng phần lớn được làm từ vật liệu tái chế công nghiệp. Vì vậy, tôi muốn sản xuất ra một dòng sản phẩm đặc biệt với những cuốn sách được làm bằng phương pháp thủ công", Khởi cho hay.

Tất nhiên ý tưởng đó đã vấp phải sự phản đối của bạn bè, người thân, ngay đến cả ngân hàng cũng từ chối cho Khởi vay vốn vì nghi ngờ hiệu quả mà dự án mang lại.

Tạo việc làm cho người tàn tật

Nhưng trong lúc Lê Thị Khởi khó khăn nhất thì người mẹ đã ở bên vỗ về, động viên. "Gần 5 năm ra trường, toàn bộ tiền tiết kiệm tôi chủ yếu dùng để chữa bệnh cho hai mẹ con nên gần như không còn đồng nào. Vì vậy, tôi mới bàn với mẹ bán một phần đất, không ngờ mẹ đồng ý", Khởi kể.

Một điều tích cực khác cũng giúp Khởi tự tin vào kế hoạch của mình đó là sự hỗ trợ từ bà con lối xóm. Như tại thời điểm này, khi biết Khởi làm sách từ phế liệu nên mỗi khi có sách, báo và bìa cũ mọi người lại tập hợp đem cho Khởi sử dụng.

Cô gái Nghệ An từ bỏ mức lương 15 triệu để về quê tạo công việc cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Mỗi cuốn sách không hề giống nhau

Các cuốn sách của Khởi được trình bày bằng tiếng Anh kèm theo minh họa là những hình ảnh được cắt từ các loại giấy phế liệu. Điều đặc biệt là với cách làm thủ công này thì mỗi cuốn sách dù nội dung giống nhau nhưng cách trình bày hoàn toàn khác nhau.

Khởi còn lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường vào sách để nhằm giáo dục nhắc mở mọi người có trách nhiệm với môi trường sống, thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động của người đọc.

Cô gái Nghệ An từ bỏ mức lương 15 triệu để về quê tạo công việc cho người khuyết tật - Ảnh 4.

Những cuốn sách được trình bày bằng tiếng Anh

"Dự án của tôi nhằm hướng tới 3 mục tiêu chính là làm giảm lượng rác thải vào môi trường. Từ đó giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tạo điều kiện công ăn việc làm, cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ", Khởi chia sẻ.

Phần ý tưởng, lên nội dung, trình bày do Khởi trực tiếp làm. Phần kẻ vẽ, tạo hình sách, tìm và cắt dán các hình minh họa do các công nhân là những người khuyết tật đảm nhận. Mặc dù bây giờ Khởi chỉ có thể trả mỗi người 1 triệu đồng/tháng nhưng ai cũng cảm thấy phù hợp.

"Cả hai bác đều ở trong xóm, tôi thấy các bác ở nhà không làm việc gì nên gọi các bác sang cùng làm, vừa có thu nhập lại có việc mà làm. Tất nhiên lúc đầu rất khó khăn, hướng dẫn làm quen và thực hiện đúng ý đồ mình đề ra khá mất thời gian. Nhưng may là sau 2 tháng cầm tay chỉ việc thì thao tác của các bác giờ khá tốt", Khởi nói.

Cô gái Nghệ An từ bỏ mức lương 15 triệu để về quê tạo công việc cho người khuyết tật - Ảnh 5.

Các nhân công là những người khuyết tật...

Cô gái Nghệ An từ bỏ mức lương 15 triệu để về quê tạo công việc cho người khuyết tật - Ảnh 6.

... nhưng động tác khá thuần thục

Ông Phạm Xuân Thái (SN 1952, một trong hai người khuyết tật) vừa cắt vừa nói: "Tôi vừa già lại đau yếu nên đi đâu cũng chả ai nhận, vậy nên cháu Khởi mới gọi sang làm. Công việc thì không hề vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo, lúc đầu tôi thấy khó vô cùng, giờ đây thì đã có thể cắt dán thành thạo. Tôi không biết mọi người chê cười cháu Khởi cái gì, nhưng ở độ tuổi như con bé mà tạo được cơ sở như thế này không phải ai cũng làm được đâu".

Theo kế hoạch của Khởi, cô sẽ sản xuất 20 đầu sách với số lượng 1.000 cuốn. Khi đã đủ số lượng như dự tính, Khởi sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để tổ chức các cuộc triển lãm, các chiến dịch truyền thông để giới thiệu đến khách hàng.

Cô gái Nghệ An từ bỏ mức lương 15 triệu để về quê tạo công việc cho người khuyết tật - Ảnh 7.

Sản phẩm do người khuyết tật làm

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với nghị lực của một người từng vượt qua cửa tử, Khởi tin tưởng dự án của mình sẽ thành công. Bởi không chỉ mình cô mong chờ mà cả những người khuyết tật cũng đang hi vọng một tương lai mới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày